Giới phân tích nhận định liên minh Mỹ - Anh - Úc (Aukus) buộc Trung Quốc phải nâng cao năng lực chống tàu ngầm.
Với Aukus, Úc được Mỹ cùng Anh hỗ trợ công nghệ tàu ngầm hạt nhân - “vũ khí tối thượng” giúp kiềm chế Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Canberra dự kiến đóng ít nhất 8 tàu ngầm.
Trung Quốc vài năm gần đây đẩy mạnh hoạt động đóng tàu hải quân, lực lượng nước này sở hữu lợi thế hoạt động ở khu vực gần (phía tây Thái Bình Dương). Tuy nhiên cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger từng nhận xét tác chiến dưới biển là “gót chân Achilles” của quốc gia châu Á này.
Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman thuộc tổ chức RAND Corporation cho biết: “Mỹ luôn duy trì lợi thế trước Trung Quốc ở lĩnh vực tác chiến dưới biển, nhưng vài năm gần đây Bắc Kinh đã thu hẹp khoảng cách.
Theo ông Grossman, Úc dựa vào công nghệ Mỹ chia sẻ có thể có được tàu ngầm hoạt động dưới biển lâu hơn, khiến Trung Quốc khó theo dõi hơn qua đó tăng khả năng tấn công bất ngờ thành công.
Nhà nghiên cứu Collin Koh thuộc Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) đánh giá Úc nằm ở vị trí địa lý rất thuận lợi cho các hoạt động trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“So với Nhật Bản, Úc ở vùng phía nam cách rất xa nơi quân đội Trung Quốc tập trung hỏa lực tấn công, tạo ra một độ sâu chiến lược nhất định để tàu ngầm hạt nhân hoạt động. Trung Quốc chắn chắn muốn nâng cao năng lực chống tàu ngầm nhằm thu hẹp khoảng cách với Mỹ cùng đồng minh (như Nhật)”.
Trong báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc năm ngoái, Lầu Năm Góc xác định dù Trung Quốc đang tăng cường khả năng tác chiến dưới biển bằng cách phát triển tàu hoạt động trên mặt biển và máy bay, nước này vẫn thiếu năng lực chống tàu ngầm hoạt đông sâu.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt ở Bắc Kinh cho biết Trung Quốc đã đạt tiến bộ đáng kể trong phát triển tàu giám sát, máy bay tuần tra chống ngầm cùng trực thăng. Theo ông Kiệt: “Máy bay chống ngầm có thể di chuyển nhanh (nên bỏ sót), nhưng tàu phát hiện âm thanh sẽ xác định vị trí tàu ngầm một cách chính xác”.
Trung Quốc từng được tiếp cận công nghệ chống ngầm phương Tây trong những năm 1970 - 1980. Sau sự kiện Thiên An Môn 1989, một lệnh cấm vận vũ khí khiến nước này chuyển sang mua tàu ngầm lớp Kilo cùng khu trục hạm Sovremenny từ Nga.
Kết hợp công nghệ phương Tây với công nghệ Nga, Trung Quốc từng bước xây dựng năng lực chống tàu ngầm thông qua kỹ nghệ đảo ngược (tìm ra nguyên lý kỹ thuật của trang thiết bị bằng cách phân tích cấu trúc, chức năng, hoạt động) và cải tiến, cũng như tăng cường tập trận phối hợp tác chiến trên không, trên biển, dưới biển.
Nhưng theo nhà nghiên cứu Koh, Trung Quốc vẫn thua Mỹ về kinh nghiệm thực tế và dữ liệu: “Mỹ không chỉ tích lũy được nhiều kinh nghiệm mà còn sở hữu một cơ sở dữ liệu phong phú gồm thông tin đặc điểm âm thanh của nhiều loại mục tiêu khác nhau. Cơ sở dữ liệu này rất quan trọng đối với hoạt động chống tàu ngầm, giúp xác định chính xác mục tiêu qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện, theo dõi và truy đuổi”.