Hạ viện chuẩn bị khởi động thủ tục luận tội Donald Trump sớm nhất là trong tuần này nếu Phó Tổng thống Mike Pence và Nội các từ chối cách chức.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã gửi một bức thư cho các đồng nghiệp vào tối Chủ nhật (rạng sáng nay giờ VN), trong đó mô tả tổng thống là một mối đe dọa khẩn cấp đối với quốc gia.
Vào thứ hai, Hạ viện sẽ tiếp nối với một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Pence dẫn Tu chính án thứ 25 để tước bỏ quyền tổng thống của Trump. Nếu biện pháp này không nhận được sự ủng hộ, Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu về nghị quyết vào thứ ba. Pelosi cho biết Pence sẽ có "24 giờ" để trả lời.
Mặc dù bà không nêu rõ mốc thời gian chính xác thời điểm luận tội, các thành viên Đảng Dân chủ hàng đầu đã gợi ý rằng Hạ viện có thể bắt đầu các thủ tục tố tụng sớm nhất là vào giữa tuần.
“Để bảo vệ Hiến pháp và nền Dân chủ của chúng ta, chúng ta sẽ hành động khẩn cấp, bởi vì Tổng thống này đang hiện thân cho mối đe dọa sắp xảy ra đối với cả hai”, bà Pelosi viết. “Những ngày trôi qua, cuộc tấn công đang diễn ra đối với nền dân chủ của chúng ta do vị Tổng thống này gây ra nỗi kinh hoàng ngày càng gia tăng và vì vậy cần phải hành động ngay lập tức”.
Pelosi lưu ý rằng sự khẩn cấp là cần thiết vì Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20.1. Bà giải thích rằng nghị quyết kêu gọi Pence "triệu tập và vận động nội các kích hoạt Tu chính án thứ 25 để tuyên bố tổng thống không có khả năng thực thi các nhiệm vụ từ văn phòng của mình".
Theo thủ tục mà Pelosi nêu, Phó tổng thống “sẽ ngay lập tức thực hiện quyền hạn với tư cách là quyền tổng thống”.
Vào Chủ nhật, Pelosi nói với chương trình 60 Minutes rằng Trump là "một tổng thống loạn trí, vô dụng, nguy hiểm của nước Mỹ", đồng thời nói thêm điều Trump làm "nghiêm trọng đến mức cần phải truy tố ông ấy".
Pence dự kiến sẽ không đáp ứng lời kêu gọi phế truất Trump dù có nhiều lời đồn về việc kích hoạt Tu chính án thứ 25.
Trước đó, người ta đã suy đoán rằng đảng Dân chủ Hạ viện có thể cố gắng đưa ra các bản luận tội sớm nhất là vào thứ hai hôm nay.
Một chiến lược được quảng bá là nhanh chóng lên án hành động của tổng thống nhưng trì hoãn phiên tòa luận tội tại Thượng viện trong 100 ngày. Điều đó sẽ cho phép Tổng thống đắc cử Joe Biden tập trung vào các ưu tiên khác ngay sau khi ông nhậm chức vào ngày 20.1.
Jim Clyburn, đảng viên xếp thứ 3 của Dân chủ tại Hạ viện và là đồng minh hàng đầu của Biden, đã đưa ra ý tưởng trên vào Chủ nhật sau khi cuộc bao vây tại Điện Capitol bị dập tắt.
“Hãy cho Tổng thống đắc cử Biden 100 ngày mà ông ấy cần để bắt đầu và điều hành chương trình nghị sự của mình”, Clyburn nêu quan điểm.
Hôm Chủ nhật, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Pat Toomey đến từ bang Pennsylvania đã cùng đồng nghiệp Lisa Murkowski ở Alaska kêu gọi Trump “từ chức và ra đi càng sớm càng tốt”.
Toomey nói: “Tôi nghĩ rằng tổng thống đã không còn đủ tư cách để tại chức một lần nữa. "Tôi không nghĩ ông ấy có thể được bầu chọn theo bất kỳ cách nào nữa".
Murkowski, người từ lâu đã lên tiếng bực tức với hành vi của Trump khi đương nhiệm, nói với Anchorage Daily News hôm thứ sáu rằng Trump chỉ đơn giản là "cần phải biến đi" Một đảng viên Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Roy Blunt đến từ Missouri, tuy không bức xúc như vậy, nhưng vào Chủ nhật, ông cũng cảnh báo Trump phải "rất cẩn thận" trong những ngày cuối cùng tại nhiệm.
Doanh nghiệp Mỹ bắt đầu gắn kết phản ứng của mình với các cuộc bạo động ở Điện Capitol bằng cách can thiệp vào các khoản đóng góp cho chiến dịch (của Trump).
Citigroup cho biết họ sẽ tạm dừng tất cả các khoản quyên góp chính trị liên bang trong 3 tháng đầu năm. Người đứng đầu các vấn đề chính phủ toàn cầu của Citi, Candi Wolff, cho biết trong một bản ghi nhớ gửi nhân viên hôm thứ sáu, "Chúng tôi muốn bạn yên tâm rằng chúng tôi sẽ không hỗ trợ những ứng viên không tôn trọng pháp quyền".
Các nhà lãnh đạo Hạ viện, tức giận sau cuộc nổi dậy, tỏ ra quyết tâm hành động chống lại Trump bất chấp thời gian ngắn.
Một ý tưởng khác đang được xem xét là tổ chức một cuộc bỏ phiếu để ngăn Trump không bao giờ được giữ chức vụ nữa (ngăn ra tranh cử năm 2024). Điều đó có khả năng chỉ cần một cuộc bỏ phiếu đa số đơn giản với 51 thượng nghị sĩ thông qua, không giống như việc luận tội, trong đó 2/3 của 100 thành viên Thượng viện phải thông qua.
Đến tối 10.1, có 210 thành viên Hạ viện đã đồng ý biện pháp luận tội, tức gần đạt được đa số tại Hạ viện. Như vậy, đây sẽ là lần thứ hai Tổng thống Trump phải đối mặt với quá trình điều tra luận tội trong nhiệm kỳ 4 năm của mình. Lần trước vào năm ngoái, Trump bị luận tội tại Hạ viện nhưng được Thượng viện "cứu". Còn lần này thì cơ hội mong manh hơn nhiều.