Những phận đời, gia cảnh mất Tết sau lũ ở miền Trung…

Bài 1: Tết không về trong những căn nhà đổ

Lê Đình Dũng | 22/01/2017, 13:04

Những phận đời, gia cảnh mất Tết sau lũ ở miền Trung…

Ầm, ầm… Những tiếng nổ lớn vang lên, 2 đứa trẻ mồ côi tung cửa vùng chạy trong màn đêm mưa gió, để lại sau lưng căn nhà bị những vạt núi lở vùi lấp. Mồ côi, giờ lại mất nhà khiến 2 đứa trẻ bơ vơ mất Tết...

Tết lạnh bên vách núi...

Nép mình trên tuyến đường Trường Sơn đông, ngôi nhà của em Đinh Thị Pa (19 tuổi, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây) giờ chỉ còn ngổn ngang đất đá.

“2 chị em đang ngủ thì nghe tiếng nổ chỉ kịp kéo nhau chạy thoát thân. Vừa ra khỏi nhà thì đất đá cũng ập xuống vùi lấp hết”, bé Pa vẫn chưa hết sợ hãi kể lại cái đêm 19.12 kinh hoàng đó.

Nói là nhà nhưng nơi ở của 2 chị em Pa, Pi chỉ là vài cây gỗ rừng ghép lại, vách là những thân tre đập dập, mái lợp tôn. Bé Pa kể: "Mẹ em mất từ khi 2 chị em còn nhỏ, đến năm 2014 ba tụi em cũng qua đời. Còn lại con bò, tụi em bán đi xây nhà hết 5 triệu đồng. Số tiền còn lại để lo cho em Pi đi học ở thành phố Quảng Ngãi".

Một cái Tết buồn của chị em Pa. Không còn ba mẹ, 2 chị em như chim mất tổ

"Sập nhà mất hết, còn mất số tiền 2 triệu đồng tích cóp của em Pi. Nó sợ mất, cất trong vách nhà. Núi sập vùi hết cả, biết đường nào mà tìm. Em phải làm sao đây”, câu hỏi của Pa dội vào những vách núi nham nhở vết sạt lở.

Mất nhà, 2 chị em xin ở nhờ nhà hàng xóm. Lâm vào cảnh "ăn nhờ, ở đậu" nhưng Pa vẫn quyết tâm cho em mình tiếp tục việc học. Pa bảo: "Cha mất đột ngột khiến em phải bỏ học, khổ lắm. Giờ em Pi cũng muốn nghỉ học nhưng em không cho. Phải học thôi anh ạ, dù có khổ mấy đi nữa".

Để có tiền lo cho em, Pa nhận làm mọi việc. Ngày nắng lên rẫy làm thuê, ngày mưa thì buôn bán nhỏ. “Em ăn gì cho qua ngày cũng được, bao nhiêu tiền mọi người cho em để dành cho Pi học. Không còn nhà nên với em Tết không về nữa rồi”.

Có nhà vẫn không hết lo...

Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Phú (85 tuổi, thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa). Suốt một đời, gia đình bà Phú được công nhận ‘danh hiệu’ nghèo nhất xóm. Vậy mà cái khổ, cái khó vẫn không buông tha cho bà lão già cả, đau ốm.

Những cơn lũ vừa rồi đã cuốn sập nhà của bà Phú

Căn nhà xây dựng trên 30 năm đã dột nát nhưng cái ăn còn khó huống chi tiền xây nhà. Các con bà cũng giống mẹ, lập gia đình rồi quần quật suốt năm này sang năm khác vẫn không thoát được chữ nghèo. Thế rồi, trong đợt mưa lũ giữa tháng 12 vừa qua, căn nhà của bà lão đổ sụp.

“Đêm đó nước mênh mông tràn vào cả sân. Tôi đang nằm ngủ thì một phần nhà đổ sập. Sợ quá mà cũng chẳng biết kêu ai giữa đêm mưa lũ”, bà Phú kể lại.

Sau khi nhà sập được nửa tháng, bà Phú được hỗ trợ 50 triệu đồng để dựng lại nhà. Lúc chúng tôi đến, căn nhà mới bắt đầu xây phần móng. Bà Thu chua chát: “Đến cuối đời, cũng nhờ nhà nó sập mình mới có cái nhà mới”.

Được hỗ trợ xây nhà mới nhưng bà lão vẫn buồn rầu. Kể về cuộc đời của mình, bà Phú chỉ dùng duy nhất một từ ‘khổ nhất xóm’. Cái nghèo đã đeo bám cuộc đời bà từ khi vừa lọt lòng mẹ đến tận cuối cuộc đời.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên lập gia đình cuộc sống vẫn túng quẫn mặc dù cả hai vợ chồng đều chí thú làm ăn. Chồng mất sớm, một nách 4 đứa con thơ dại, một mình bà phải gồng gánh bươn chải nuôi con. Giờ già cả, lại mang trong mình nhiều bệnh tật nhưng mọi sinh hoạt của bà chỉ gói gọn trong 280 nghìn đồng/tháng từ khoản trợ cấp dành cho người già.

Ở tuổi xế chiều, một căn nhà trọn vẹn chưa đủ làm bà hết lo lắng

Bà than thở: “50 triệu đồng lớn lắm, nhưng xây nhà không đủ chú à. Tôi tính vay mượn thêm ít để xây cho xong, để còn có chỗ thờ cúng tổ tiên với ông ấy trong Tết này”.

Khoản trợ cấp hàng chỉ đủ mua gạo, lấy tiền đâu để trả nợ vay, để mua con gà, cân thịt khi Tết đang đến gần. Ngồi nhìn những người thợ hồ đang làm việc, bà Phú cứ lẩm bẩm: "50 triệu có đủ không mấy chú?".

Về hoàn cảnh bà Phú, ông Nguyễn Quang Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Điền cho biết gia đình bà thuộc diện đặc biệt khó khăn. Tuổi già, sức yếu lại thường xuyên bệnh tật. Biết vậy nhưng điều kiện của xã cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Trong dịp sắp Tết, có đoàn cứu trợ nào về xã chúng tôi đều giới thiệu cho họ về hoàn cảnh của bà Phú. Cũng mong bà có cái Tết đầy đủ một chút lúc cuối đời.

Nhà là nơi để quay về, là nơi sưởi ấm mỗi con người. Vậy mà, ở miền Trung quê tôi, sau mỗi mùa bão lũ lại có thêm nhiều người không còn nơi để quay về.

Riêng tại Quảng Ngãi, những con nước hung tợn trong 5 đợt lũ liên tiếp vừa qua đã làm 54ngôi nhà bịthiệt hại, đổ sập, bị vùi lấp; 120ngôi nhà khác bị hư hỏngnặng nề.

Dẫu biết, ‘hơi ấm’ khắp cả nước đã được san sẻ đến những nơi này, nhưng những ngày cuối tháng Chạp, những cơn mưa rả rích kèm theo cái lạnh không ngớt ùa vào những căn nhà đổ.

An Nhiên-Thạch Châu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Tết không về trong những căn nhà đổ