Hơn 2 tuần trước, 21 tài công, thuyền viên ở TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau, vừa được trở về với gia đình sau gần 2 tháng ngồi tù ở Thái Lan. Họ đã trải qua những tháng ngày khủng khiếp, hy vọng rồi thất vọng với đủ cung bậc cảm xúc. Họ đã kể với PV về quãng thời gian đó...

Bài 1: Tiến thoái lưỡng nan, gồng mình chịu bão hay tìm chỗ trú thân?

Nguyên Việt | 01/04/2019, 11:15

Hơn 2 tuần trước, 21 tài công, thuyền viên ở TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau, vừa được trở về với gia đình sau gần 2 tháng ngồi tù ở Thái Lan. Họ đã trải qua những tháng ngày khủng khiếp, hy vọng rồi thất vọng với đủ cung bậc cảm xúc. Họ đã kể với PV về quãng thời gian đó...

Cửa biển Sông Đốc, 1 trong những cửa biển lớn nhất ở ĐBSCL. Biển đã mang lại cho người dân nơi đây những nguồn lợi vô cùng to lớn, nhưng chính biển cũng có thể nhấn chìm tất cả. Những rủi ro khi đi biển, người ở ngoài khơi hiểu, người ở đất liền ai cũng biết. Họ cố ý không nhắc tới nhưng nó vẫn luôn hiện hữu. Để nuôi sống gia đình, họ không còn sự lựa chọn, họ quyết định đánh những ván bài được, thua.

Mỗi lần ra khơi như bước vào một trận chiến

Những ngày cuối năm 2018, ở cửa biển Sông Đốc có hàng trăm chiếc tàu ra khơi đánh bắt hải sản. Hàng trăm ngư dân chuẩn bị đi chuyến cuối cùng trong năm để hy vọng khi trở về, có thể có 1 cái tết sung túc. Nhiều chiếc tàu đã đạt được điều đó, nhưng có 3 chiếc tàu với 21 tài công, thuyền viên đã phải ngậm ngùi mất trắng, và trải qua những tháng ngày trong tù ở Thái Lan...

Đã 2 tuần trôi qua, từ khi ông Hồ Văn Được (47 tuổi, ngụ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời) cùng với 2 con trai trở về từ nhà tù Thái Lan, gia đình ông luôn chìm trong cảm xúc hỗn độn. Họ vui mừng vì gia đình đoàn tụ, nhưng lại buồn bã khi nghĩ tới chiếc tàu câu mực, gia tài duy nhất để kiếm cơm nuôi cả nhà vẫn còn bị Hải quân Thái Lan giữ lại. Mất một lúc, ông Được mới nén xúc động để kể về thời khắc ông và 6 thuyền viên họp lại, quyết định vào bờ biển Thái Lan để trú bão.

“Lúc đó, chúng tôi đã ra khơi được 1 tuần rồi, công việc đang diễn ra thuận lợi. Mực câu được, cũng gửi được vài chuyến vào đất liền bán. Một chiều nọ, chúng tôi nghe tin trên đài báo có bão, trờibắt đầu có gió, mưa. Những cơn sónglớn dần, chúng tôi không thể ngược sóng để quay về đất liền được nữa”, ông Được kể.

Ông Được kể lại hành trình tránh bão bị bắt ở Thái Lan - Ảnh: Thanh Nguyên

Ông Được gọi điện về cho vợ qua tổng đài để thông báo tình hình, đồng thời dặn vợ tìm liên hệ với Bộ đội Biên phòng ở Sông Đốc xin giấy được phép trú bão ở Thái Lan. Vợ ông Được ở nhà, chạy đôn đáo khắp nơi, nhờ người này người kia để xin được phép cho chồng. Giấy phép trú bão này được chuyển qua nhiều cơ quan, mới đến được nhà chức trách ở Thái Lan.

Trong suốt 2 ngày gồng mình chịu bão, ông Được không biết là ở đất liền đã xin được giấy phép chưa. Trong khi đó, cơn bão đang đến gần. “Một là chúng tôi phó mặc cho số phận, gồng mình chịu bão rồi ra sao thì ra. Còn không chúng tôi chỉ còn cách vào bờ biển Thái Lan để tránh bão. Sau nhiều cuộc họp chúng tôi quyết định vào bờ biển của người Thái. Vì nếu lỡ có bị bắt, chúng tôi vẫn còn đường về, còn ở ngoài khơi, khả năng tàu chúng tôi chịu không nổi, “đi” không trở lại, vì quá nhỏ bé so với cơn bão”, ông Được bồi hồi nhớ lại.

Cơn bão mà ông Được và các thuyền viên hứng chịu lúc đó là bão Pabuk (bão số 1), cơn bão đầu tiên của năm 2019 quét qua vịnh Thái Lan và một phần của vùng biển Tây Nam nước ta.

“Chúng tôi nghĩ mình được hỗ trợ để tránh bão, nào ngờ…”

Ông Được cho biết, theo dự tính, ông sẽ nương theo bờ biển Thái Lan để chạy xuống vùng biển của Malaysia trú bão. Ông nói: “Bên Mã (Malaysia - PV) họ dễ hơn, không khắt khe như Thái Lan. Lúc đó, tôi không biết là giấy phép đã chuyển đến Hải quân của tỉnh Pattani, nơi tôi dự định cập vào tránh bão chưa, nên vẫn cố tìm lựa chọn an toàn nhất. Trong 2 ngày chịu đựng sóng dồn dập, mưa gió, giông chớp, chúng tôi thật sự hoang mang. Việc bảo toàn mạng sống cho cả con tàu được đặt trên hết”.

Chập choạng chiều 2.1.2019, giữa mưa gió bão bùng, cơn bão chỉ còn chưa đầy 10 tiếng nữa sẽ ập tới. Chiếc tàu câu mực chòng chành xuôi sóng đưa ông Được cùng 6 thuyền viên trong đó có 2 con trai của ông tiến sâu vào bờ biển Thái Lan. Lúc này, chiếc tàu của Hải quân Thái Lan xuất hiện từ phía sau, chiếu đèn, hụ còi, hàng chục viên Hải quân người Thái cầm súng, phát loa đề nghị tàu của ông Được dừng lại.

Một số Hải quân nhảy lên tàu của ông Được, đưa các thuyền viên qua tàu Hải quân của họ. Một số Hải quân khác lục tìm tất cả điện thoại trên tàu cho vào bọc, một số khác viết ra giấy một tọa độ rồi yêu cầu ông Được điều khiển tàu vào đó. Trên đường được Hải quân Thái Lan đưa về bến, ông Được phát hiện thêm có 2 thuyền của người quen cũng được Hải quân đưa về.

Những ngư dân chưa hết hoàn hồn sau chuyến đi đầy bão táp -Ảnh: Thanh Nguyên

“Chúng tôi lúc đó vẫn đinh ninh là mình được Hải quân Thái Lan hỗ trợ để tránh bão. Nhưng tôi không điều khiển tàu, 1 anh Hải quân đã điều khiển tàu của tôi đi về bến. 2 giờ sáng hôm sau chúng tôi mới tới được cảng biển của tỉnh Pattani. Họ đưa chúng tôi vào 1 căn phòng, lấy điện thoại của từng người kêu chúng tôi cầm đưa lên ngực để chụp hình, rồi họ thu lại. Tôi và các thuyền viên vẫn đều nghĩ mình đã an toàn”, ông kể.

Tại tỉnh Pattani, 21 tài công, thuyền viên của 3 chiếc tàu được Hải quân Thái Lan pha nước nóng cho uống, lấy thức ăn cho ăn và nhờ phiên dịch hỏi han sự tình. Ông Được kể, người Thái còn hỏi ông có chiếc tàu nào ngoài khơi chưa tìm được chỗ trú bão không thì cứ liên lạc để họ dẫn vào.

Thời điểm đó, cơn bão đang hoành hành, các tàu đi biển đã có sự lựa chọn của mình. 21 thuyền viên đã được an toàn, họ thở phào nhẹ nhõm động viên nhau hết bão sẽ lại ra khơi, câu những con mực to nhất về ăn tết. Nhưng họ không ngờ rằng, đến sáng Hải quân Thái Lan đã đưa họ vào tù. Họ hốt hoảng, nhờ người gọi về nhà hỏi về giấy xin phép trú bão thì được báo rằng giấy đã được gửi đi. Chắc có sự hiểu lầm gì ở đây?

“Người phụ nữ Việt Nam tên Thủy phiên dịch trấn an với chúng tôi rằng, sau khi hoàn tất hồ sơ chúng tôi sẽ được về. Việc này chắc mất vài ngày. Chúng tôi nghe và tin vậy nhưng không ngờ, ngày về của chúng tôi quá xa. Phải trải qua đến 4 phiên tòa, và gần 2 tháng ròng rã trong tù, nếm đủ đắng cay chúng tôi mới được về”, ông Được xót xa kể.

Ông Nguyễn Văn Út Nhỏ, chủ của 2 chiếc tàu bị bắt cùng với ông Được, bức xúc nói:

“Theo tôi tìm hiểu, đúng luật quốc tế, sau khi hết bão Hải quân Thái Lan phải sửa chữa tàu cho chúng tôi, cung cấp lương thực, nhiên liệu rồi đưa chúng tôi ra vùng biển biên giới, chỉ đường cho chúng tôi về. Nước mình cũng từng cho các tàu thuyền của các nước khác trong vùng trú bão và chăm sóc họ rất tốt. Việc xảy ra với các thuyền viên lần này là điều tôi không thể hiểu nổi”.

(Còn tiếp...)

Nhóm PV
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thắng Malaysia, Việt Nam mở toang cửa vào tứ kết U.23 châu Á
27 phút trước Thể thao
Với chiến thắng thứ 2 liên tiếp, U.23 Việt Nam đã mở toang cánh cửa vào vòng tứ kết giải vô địch châu Á.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Tiến thoái lưỡng nan, gồng mình chịu bão hay tìm chỗ trú thân?