Sơ hở thì công an bắt, nên tham gia trò này cứ phải lấm la lấm lét. Trò cờ bạc này lại cũng chứa muôn vàn mánh khóe lừa gạt nhau để lấy tiền. Thậm chí, bạn bè, hàng xóm cũng có thể lừa nhau, chỉ vì mục đích duy nhất là ăn tiền.
Bài 1: Cực nhọc nghề chơi và những người mê gà hơn mê vợ!
Có thể nói đến trăm chiêu, vạn cách để lừa tiền nhau trong giới đá gà. Trong khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi chỉ nêu một vài kiểu cách điển hình.
Đủ mánh khóe lừa gạt nhau
Ngay trong chuyện tuyển gà, những tay chơi yếu cơ rất dễ bị lừa. Những con gà chân vảy xấu, người nuôi sẽ dùng dao lam để gọt vảy, tu bổ như thật. Mới xem qua, ai cũng tưởng gà chân vảy quá đẹp, móc tiền mua ngay.
Những con gà thua độ, thường các tay chơi lớn ít khi nuôi để đá lại, trừ khi gà đó quá hay. Thường, họ chỉ mang về làm gà giống. Nhưng nhiều tay ma mãnh, tìm mua những con gà thua độ nhưng đẹp mã với giá rất bèo, chừng 200.000 đồng/con. Sau đó, thả rong ngoài vườn, nuôi lại một thời gian, bán lại cho các tay chơi với giá bạc triệu.
Thậm chí, 1 vài “lò” gà trước giờ có uy tín, nhưng do túng bấn nghĩ cách làm liều. Họ mua gà chợ (gà cân kg bán), nhốt bội và bảo là gà nhà đẻ ra, bán giá trên trời…
Còn tại trường gà, thì có thể nói đủ trò. Mấy năm trước, anh Phong, Việt kiều Mỹ, về Long An, mua 3 con gà gần chục triệu đồng, nhờ anh hàng xóm có vẻ thật thà nuôi dùm. Thấy anh này chăm sóc kỹ, Phong cũng yên tâm. Chừng ra trường đá, cả 3 con đều nhấc chân không nổi, bị đối phương hạ “nốc ao”.
Sau này, anh mới vỡ lẽ. Trước khi gà đá, anh bạn hàng xóm “thật thà” ấy đã cho cả 3 con gà uống thuốc ngủ. Gà trúng thuốc vật vờ, đá gì nổi. Chừng gà thua, chàng ta cũng vờ buồn theo với anh Phong. Dè đâu, chàng ta “lòn sau lưng”, nhờ người khác bắt độ theo mấy con gà đối phương và thắng lớn mấy chục triệu đồng.
2 chú gà giao đấu
Ở 1 vài trường gà, dân lơ mơ mang gà đến cũng dễ “dính đòn”. Khi chờ tới lượt ra sân, gà thường được nhốt tạm ở mấy cái bội quanh đó. Nếu không kỹ tính, dễ bị mấy tay ma mãnh rải vào bội gà mấy hột lúa có pha thuốc. Chừng gà này ra sân đá, mấy tay ấy cứ chọn gà đối phương mà đổ tiền vào. Thắng chắc!
Ngay cả chuyện trồng cựa trước khi đá, cũng là bài học mà tới giờ anh Khải, ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, còn nhớ mãi. Con gà khét của anh đã ăn 11 độ, tiếng tăm lẫy lừng. Cứ mỗi lần anh Khải ôm gà đi đá, là thanh niên của gần cả xóm nhào theo để hưởng lộc.
Hôm đó, ông “chủ trường gà” ở ấp kế bên, chạy lại cho hay có mấy thanh niên ở Cần Thơ xuống, ôm theo con gà đồng kí với gà anh Khải, kiếm độ đá. “Con gà đang sung, may thiệt. Chiều nay có tiền… đánh số đề rồi”, nghĩ bụng, rồi anh Khải lật đật cho gà vào giỏ, xách lại trường.
2 con gà được cáp độ nhanh chóng, đá “sổ” 10 triệu. Chưa thả gà, hàng xáo đã nhào theo gà anh Khải, phóng gà kia còn ăn 6. Phóng bao nhiêu, mấy thanh niên ở Cần Thơ bắt hết. Chừng đá mới được 2 chân, gà anh Khải tự nhiên lim dim, đứng một chỗ cho con kia tha hồ đá, chẳng mấy chốc lăn quay chết tốt…
Chuộc xác gà về, anh Khải cứ ấm ức, bởi anh nhìn rõ, gà mình nạp chân trên (thế thượng phong), chưa bị trúng cựa gì hiểm, sao lại như bị “điểm huyệt” như vậy. Anh mổ thử con gà ra, bên trong nội tạng bầm đen. Thì ra, con gà kia chỉ đâm con gà của anh 1 vết nhẹ xều, xước gần bầu diều (bao tử). Nhưng chính cái cặp cựa mà gà đối thủ mang, đã được tẩm độc!
Chiêu tẩm độc, trước đây Út.M., người gốc Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A, Hậu Giang), hay xài… Còn 1 chiêu lộ hơn, nhưng sơ ý cũng dễ mất tiền, đó là liếc cựa. Các tay gian mãnh dùng đá mài dao, giấy nhám… liếc đầu cựa từ chỗ tròn nhọn sang thành dẹp nhọn như đầu lưỡi dao Thái Lan.
Khi đá không kiểm cựa kỹ, để đối phương trồng thứ cựa này vào, thì gà của mình bị dính cựa là vết thương bị rọc rất sâu và dài, mau mất sức và dễ thua. Có thắng, về dưỡng thương con gà cũng mất ít nhất cả tháng.
Rao bán thuốc kích thích cho gà đá
Gần đây, còn nhiều nơi rao bán thuốc giúp gà sung. Thực chất, đây là thuốc kích thích, khiến gà hăng máu và lâm trận rất mãnh liệt. Nhiều tay chơi gà cũng hay dùng các loại thuốc này…
Gà thua, nhưng chủ gà cười hí hửng!
Còn ông Bảy, kể rằng: ông M., ở quận Cái Răng, Cần Thơ, chuyên đá gà “cặp”. Buổi tối trước khi đá, ông M. ngâm chân con gà vào chậu nước lạnh, để suốt đêm. Sáng ra, ông tự “tổ chức” trận đấu, và gà đối phương cũng là gà của phe ông.
Ông đá “sổ” chỉ chừng 1 triệu đồng, nhưng lại lòn bắt theo gà đối phương hàng chục triệu, vì biết chắc gà mình cóng chân, không đá nổi. Mấy tay “hàng xáo”, đứng ngoài xem không biết, thấy gà ông tốt, và thường gà kia lại chấp, tưởng “kèo thơm” nên nhào tiền theo, thua sặc máu. Phe ông hốt bạc.
Thậm chí, vài năm gần đây, ở An Giang, Cần Thơ, Long An… còn có chiêu cưa xương gà. Bằng cách rất khéo, họ khoan sao cho xương chân con gà chỉ cần cử động mạnh là gãy. Ra trường, dĩ nhiên họ cho đàn em dồn tiền vào gà đối phương…
Nhưng giới đá gà phần lớn tin tưởng có… “ông tổ”. Họ nói, bạc bịp sớm muộn thì cũng bị “tổ trác”. Thực tế, như ông M., gian lận cả đời mà đến giờ nghèo vẫn hoàn nghèo. Có lần, ông và “đồng bọn” mang gà xuống Sóc Trăng “tổ chức” đá. Con gà định cho đá “cặp” đó, ông mua của chính ông Bảy, bình thường cũng đá rất dở.
Chích thuốc kích thích cho gà
Dè đâu, con gà dở mà thêm bị ông ngâm nước cả đêm, không hiểu sao hứng chí nhảy đâm 1 phát, làm con gà kia chết tại chỗ. Gà ông thắng, nhưng ông và đồng bọn phải móc hết các túi chung tiền, không còn đồng bạc đón xe về Cần Thơ.
Cũng có người diễn trò tương tự, nhưng không may bị phát giác khi cả nhóm cùng ngồi chia tiền. Thế là các tay đá gà thua, đang ấm ức, liền sôi máu nhảy vào nện nhau chí tử, đổ cả máu. Đó là chuyện rất thường xảy ra.
“Nhưng nói sao thì nói, làm kiểu gì làm, con gà nào cũng… chết, gian lận rồi cũng trắng tay! Mua gà hay, không bị gian lận cũng chưa chắc ăn. Giờ đá cựa sắt chứ đâu đá gà đòn như hồi xưa. Như vừa rồi ở Bình Thủy, con gà giá chục triệu, đá với gà trị giá 300.000 đồng, cũng thua như chơi.
Còn tiền ăn lận mà có, không cách này cũng cách khác mà chẳng mấy chốc cũng sạch”, anh Hai Xén, dân nuôi gà mướn ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy (TP.Cần Thơ), nói vậy.
Anh nói cũng có phần đúng, bởivướng vô con đường cờ bạc này thì hay dở, tiền nhiều tiền ít kiểu nào rồi cũng có ngày “chết”, không sớm thì muộn.
Thanh Hồ