Không những tuyên bố chữa khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông Nguyễn Văn Tường, ngụ xã Vinh Kim, H.Cầu Ngang (Trà Vinh) còn tuyên bố bản thân có đủ khả năng biến đất thành đá ngăn biển từ Tiền Giang đến Cà Mau, và thời gian tới sẽ nhận chữa thêm bệnh phong cùi và HIV để cứu nhân độ thế.
Bài 1: Trại chữa ung thư kỳ lạ, ‘nội bất xuất ngoại bất nhập’
Sự thật về “Cha" Tườngvà các “thầy”…
Trong quá trình điều tra, PV ghi nhận người đàn ông tên Bảycó quan hệmật thiết với Ban Quản nhiệm trại, là người luôn tự xưng là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở tỉnh Bến Tre và luôn mang theo con dấu đỏ của hội trong người. “Theo hình ảnh thì ông ấy là Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ... xã Tân Thiềng. Tôi sẽ yêu cầu ông Bảy có báo cáo giải trình với Đảng ủy xã về việc này. Trước mắt tôi khẳng định hành vi mang theo con dấu cơ quan đi lung tung ra bên ngoài, đóng con dấu tùy tiện rồi nhận bảo lãnh cho các bệnh nhân ngoài xã Tân Thiềng… là những sai phạm nghiêm trọng”, bà Lê Thị Hoàng Oanh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thiềng, H.Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, xác nhận với PV.
Còn ông Trần Công Định, Chủ tịch UBND xã Hội Xuân, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, xác nhận trong lực lượng công an xã, ấp không có ai tên Phạm Mạnh Dũng - người mà PV ghi nhậnhình ảnh tại trại chữa bệnh của ông Tường. Trong trại, ông Dũng luôn rề rà bắt chuyện khi gặp người lạ ở ngay khu vực cổng trại để tâm sự rằng mình đang phục hồi tốt căn bệnh ung thư đại tràng thời kỳ cuối và chuẩn bị trở về tiếp tục làmnhiệm vụ Phó Công an xã Hội Xuân. Người đàn ông tầm 50 tuổi này cũng thường xuyên xuất hiện trên tài khoản Youtube “Tin nóng từ dân” để hô hào vềhiệu quả của trại chữa bệnh của ông Tường.
Hiện trại có khoảng 300 bệnh nhân lưu trú và ông Tường tuyên bố sẽ nhận thêm 200 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối nữa nhưng chính quyền ngăn cản khiến người nhà bệnh nhân phản ứng- Ảnh: Triều Sinh
Ngoài ra, theo thông tin được đăng trên tài khoản Youtube “Tin nóng từ dân” về một số bệnh nhân được ông Tường nhận chữa trị, ký xác nhận “đã khỏi bệnh ung thư và làm lễ cho xuất viện”, PV đã xác nhận tại nơi cư trú những này và được biết họ đều không có trong danh sách dân cư trú tại các địa phương đó. Riêng 2 nữ bệnh nhân ung thư là giáo dân công giáo tên Đặng Thị Xuân Thy (42 tuổi, nhà ở Kiên Giang) và Lưu Thị Phượng (58 tuổi, nhà ở Hà Nội), đã chết khoảng 1 tuần sau khi ra trại. Mặc dù2 người bệnh này được ông Tường cho về nhà vì đã “được chữa khỏi”.
“Thầy” Thanh, Trưởng nhóm điều trị trong Ban Quản nhiệm trại có tên thật là Nguyễn Tấn Thanh (26 tuổi, nguyên quán Q.9, TP.HCM), có bằng sơ cấp nghề ngành chăn nuôi và học được cách châm cứu trong 15 ngày do 1 công ty tại TP.HCM dạy, cấp chứng chỉ. “Thầy” Thanh theo mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Hạnh (49 tuổi, nội trợ), cũng là thành viên Ban Quản nhiệm về mua đất cất nhà ở ấp Giồng Lớn bên cạnh nhà ông Tường được khoảng 1 năm nay. Cha “thầy” Thanh và là chồng của bà Hạnh là ông Nguyễn Tấn Hùng (53 tuổi). Ông Hùng bị tai biến mạch máu não rồi bị vợ con bỏ rơi và ông đang mưu sinh trên xe lăn bằng nghề bán vé số dạo tại TP.HCM.
Các thành viên của Ban Quản nhiệm còn lại gồm ông Trần Văn Tám, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vinh Kim; vợ chồng bà Nguyễn Thị Tiếng và Phạm Văn Tây, nghề nghiệp làm ruộng (bà Tiếng là chị ruột của ông Tường); ông Nguyễn Văn Tiến, hành nghề bán đồ điện tử ở H.Càng Long, và ông Phạm Văn Sơn, làm ruộng. Tất cả đều có hộ khẩu tại tỉnh Trà Vinh.
Hàng trăm người bệnh trú trong các nhà lá tiền chế ẩm thấp này để mong khỏi bệnh ung thư giai đoạn cuối - Ảnh: Triều Sinh
Ông Lê Hữu Long, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Trà Vinh, cho biết ông Nguyễn Văn Tường từng là Linh mục có tên thánh là Phêrô Nguyễn Văn Tường, thuộc quản lý của Giáo phận Vĩnh Long. Tháng 5.2014, do kiên trì với thái độ và hành vi “lạc đạo” nên ông Tường bị Giáo phận Vĩnh Long phạt “Vạ tuyệt thông tiền kết”, cách chức linh mục, bãi nhiệm chức sắc, nhà tu hành, buộc rời khỏi chức Chánh sở nhà thờ Thành Thới (H.Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) về tu dưỡng, sám hối tại nhà thờ Phường Tư (TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long). Nhưng ông Tường đã không tuân theo. “Theo thông báo của Tòa Giám mục Giáo phận Vĩnh Long thì ông Tường chỉ còn tư cách là giáo dân bình thường và không được quy tụ giáo dân thuyết giảng giáo lý.”, ông Long khẳng định.
Không nỡ, vì thấu hiểu tâm lý dễ tổn thương của thân nhân người bệnh!
Tuy PV đã điều tra chân tướng của nhóm chữa bệnh phản khoa học do ông Tường đứng đầu, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều người bệnh vẫn tin tưởng vào lời mê hoặc, vô căn cứ của nhóm này. “Ngày thường thì hơn chục người, ngày thứ Bảy, Chủ nhật lên đến cả trăm người, gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân kéo đến nhà Trưởng ấp, trụ sở Đảng và chính quyền xã để la lối, chửi bới đòi được cấp giấy tạm trú cho họ ở lại trại chữa trị.
Chúng tôi không cho bệnh nhân tạm trú lại là để họ không mất thêm thời gian quý giá còn lại để vui sống bên người thân, cũng như tốn tiền bạc vô ích. Nhiều lần đến kiểm tra tiến tới xóa sổ trại chữa bệnh mê tín dị đoan của ông Tường nhưng lần nào cũng đành im lặng bỏ về vì nhóm ông Tường đã kích động tất cả người nhà bệnh nhân ra chống đối, ngăn cản quyết liệt ngay tại cổng trại. Ông Tường cũng không hợp tác khi được xã mời làm việc trong khoảng tháng qua và trước đó ông có đến nhưng không trình được bất cứ giấy tờ, bằng cấp nào chứng minh rằng ông có khả năng chữa trị bệnh”, bà Lê Thị Kim Phượng, Phó chủ tịch UBND xã Vinh Kim, nói.
Cũng theo bà: “Chúng tôi hết sức chia sẻ tâm trạng dễ bị tổn thương của những người thân, bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối. Nhưng bệnh ung thư đã khỏi thì chưa ghi nhận được, mà hàng ngày đều có nhiều người bệnh đang “ăn cháo nano, uống thuốc dược liệu” thì bất ngờ trở nặng phải được đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn huyện. Anh em trinh sát báo lại là trường hợp bị chết tại trại cũng nhiều lắm rồi”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, cho biết Thanh tra Sở đã xuống hiện trường nhưng không tiếp cận được nên Sở Y tế hiện cũng không có mẫu “thuốc” nào từ trại của ông Tường để kiểm tra. Tuy vậy, về cơ bản vẫn có thể kết luận là nhóm người của ông Tường đã chữa trị bệnh ung thư không có căn cứ khoa học và trái pháp luật.
“Trong chữa trị, tâm trạng người bệnh được an tâm, tin tưởng và thoải mái là điều mà các bác sĩ luôn kỳ vọng nhưng công tác tư tưởng cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là không dễ dàng. Việc người bệnh đã được bệnh viện kết luận là “hết cách” cho về nhà sẽ khiến người bệnh suy sụp nhanh chóng vì vấn đề tinh thần. Trong lúc đó, lời hô hào sáo rỗng, vô căn cứ, ma mị của ông Tường rất dễ khiến họ chấp nhận, tin tưởng.
Bệnh nhân được vào trại chữa trị - nơi mà họ tin “có phép mầu” thì tinh thần họ sẽ khá lên, tươi tỉnh lại chỉ sau thời gian ngắn là vì họ có động lực này. Nhóm ông Tường đã tinh vi phát hiện điểm yếu đó và khiến người bệnh có những ngày tháng cuối cùng vui tươi, phấn khởi là tốt. Song, nhóm ông Tường cũng đã cướp đi khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng bên gia đình của họ vì bất cứ lý do gì đều là vô nhân đạo”, bác sĩ Phước phân tích.
Nhiều người dân vẫn tin tưởng cách chữa bệnh này- Ảnh: Triều Sinh
Ông Lư Phước Hiệp, Phó Giám đốc Sở KH&CN Trà Vinh, khẳng định đến nay sở chưa nhận bất cứ hồ sơ đăng ký về nghiên cứu khoa học nào của ông Tường. Ban Giám đốc Sở KH&CN mong muốn ông Tường hợp tác nếu có cách chữa bệnh bằng vật chất, phương pháp mới có hiệu quả.
Ông Tô Ngọc Bình, Chủ tịch UBND H.Cầu Ngang, cho biết đã ký quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để xóa sổ điểm đen khám chữa bệnh có biểu hiện mê tín dị đoan của ông Tường. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn và huyện cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Đồng thời, huyện cũng đã đề nghị chính quyền TP.Hà Nội kiểm tra làm rõ hoạt động của Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam (ngõ 4, phố Dương Khê, P.Mai Dịch, Q.Cầu giấy, TP.Hà Nội) do ông Trần Xuân Tư làm Chủ tịch. Bởi, thời gian qua Hiệp hội này thường xuyên phối hợp với nhóm người do ông Tường cầm đầu đã để “mị” những người người bệnh, người thân của người bệnh tại trại rằng Hiệp hội là “chính quyền Trung ương”.
Triều Sinh