Có không ít tương đồng giữa hai đội tuyển bóng đá Đức và Việt Nam khi thay đổi hoàn toàn lối chơi trong giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên có sự khác nhau trong cách chọn người và dùng người.

Bài học quá khứ và hiện tại của bóng đá Đức dành cho Việt Nam

Đặng Hoàng | 19/10/2023, 13:24

Có không ít tương đồng giữa hai đội tuyển bóng đá Đức và Việt Nam khi thay đổi hoàn toàn lối chơi trong giai đoạn chuyển giao. Tuy nhiên có sự khác nhau trong cách chọn người và dùng người.

Khi tiếp nhận đội tuyển Đức từ HLV Rudi Voeller, HLV Jurgen Klinsmann đã chuyển đổi hoàn toàn lối chơi xù xì của cỗ xe tăng Đức qua phong cách mượt mà, hào hoa của dòng xe cao cấp, sang trọng thương hiệu Đức Mercedes, BMW.

Khi trở thành HLV đội tuyển Việt Nam sau thời kỳ “hậu” Park Hang-seo, HLV Philippe Troussier đã thay đổi hoàn toàn lối chơi phòng ngự phản công rất thực dụng của ĐTVN thời ông Park bằng lối chơi kiểm soát bóng phù hợp với xu hướng phát triển chung của bóng đá hiện đại.

Ông Troussier đúng hay sai?

Trước khi đưa ra nhận định, Một Thế Giới mời bạn đọc nhìn lại những biến chuyển của đội tuyển Đức suốt 20 năm qua kể từ sau trận chung kết World Cup 2002 đến hai trận giao hữu mới đây của đội tuyển Đức nhằm chuẩn bị vòng chung kết Euro 2024 mà Đức là chủ nhà.

Đổi mới hoàn toàn + kinh nghiệm cựu binh + tài năng tân binh

Chỉ hai năm sau khi đoạt á quân World Cup 2002, đội tuyển Đức (ĐTĐ) đã bị loại từ vòng bảng Euro 2004. Đáng nói hơn khi ĐTĐ chỉ có được 2 trận hòa trước Hà Lan, Latvia và thua Czech.

Trước sự sa sút này trong khi chỉ 2 năm nữa Đức là chủ nhà World Cup 2006, nên LĐBĐ Đức đã quyết định thay HLV Rudi Voeller bằng Jurgen Klinsmann. Chính Klinsmann là người đầu tiên đưa công nghệ áp dụng vào phương pháp huấn luyện thay cho cách huấn luyện dựa vào kinh nghiệm. Với các số liệu phân tích cho mình cũng như của mọi đối thủ, Klinsmann bắt đầu thay đổi phong cách lối chơi hoàn toàn mới cho ĐTĐ mà giờ đây người hâm mộ bóng đá thế giới đã thấy lối chơi của đội Đức không còn là những robot như trước đây.

Dù chuyển đổi phong cách 180 độ, nhưng từ cách tuyển chọn cầu thủ cho đến dùng cầu thủ, HLV Klinsmann luôn dựa theo công thức pha trộn giữa kinh nghiệm cựu binh với tài năng trẻ.

So hai đội hình xuất phát từ trận cuối tại Euro 2004 khi hòa Latvia 0-0 của HLV Voeller với trận thắng Bồ Đào Nha 3-1 trong trận tranh hạng ba World Cup 2006 của HLV Klinsmann, chúng ta sẽ thấy HLV Klismann vẫn giữ đến 6 vị trí gồm 4 người đã ngoài 30 tuổi, thậm chí thủ môn Oliver Kahn đã 37 tuổi. Hai người cũ còn lại của 2 năm trước là tên tuổi rất quen thuộc với người Việt Nam hâm mộ bóng đá thế giới, đó là hậu vệ Philip Lahm (23 tuổi) và tiền vệ Bastian Schweinsteiger (22 tuổi). Ngoài ra có 2 vị trí dự bị được vào sân thi đấu ở trận Lavia năm 2004 được đá chính ở trận gặp Bồ Đào Nha là cặp tiền đạo Lukas Podolski và Miroslav Klose khi đó 23 và 28 tuổi vào năm 2006

Đến World Cup 2014, trong đội hình xuất phát ở trận chung kết, HLV Joachim Low từng là trợ lý của Klinsmann vẫn sử dụng 3 cựu binh từng thi đấu từ World Cup 2002 và Euro 2004 là hậu vệ Lahm (31 tuổi), tiền vệ Schweinsteiger (30 tuổi) và đặc biệt là tiền đạo 36 tuổi Klose.

Có một chi tiết không thể không nhắc đến, đó là Klose - cầu thủ đã và đang giữ kỷ lục ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử các vòng chung kết World Cup với 16 bàn, đã được thay ra ở phút 88 bằng tiền đạo trẻ Mario Gotze (22 tuổi). Và chính Gotze đã ghi bàn thắng duy nhất vào lưới đội Argentina ở phút 113 và giúp ĐTĐ vô địch World Cup 2014. Riêng Gotze được trao danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu.

Thêm một chi tiết cần nhắc đến, đó là khi ĐTĐ vô địch World Cup 2014, ngoài những tên tuổi đã nhắc ở trên, trong đội hình xuất phát cầu thủ trẻ nhất là Christoph Kramer cũng đã 23 tuổi, ngoài ra là những cầu thủ từng thi đấu ở World Cup 2010 như Toni Kroos (24 tuổi), Thomas Muller (25 tuổi), Mesut Oezil (26 tuổi).

Đó là quá khứ, còn hiện tại, khi nhận dẫn dắt ĐTĐ thay Hansi Flick, trong trận đầu tiên cầm quân thi đấu giao hữu và thắng đội Mỹ 3-1 ngày 15.10, tân HLV Julian Nagelsmann đã đưa ra đội hình xuất phát với tuổi trung bình 28,97, trong đó có 6 cầu thủ trên 30 tuổi. Tuy nhiên vẫn có 2 cầu thủ trẻ cùng 20 tuổi đều chơi ở vị trí tiền vệ cánh được đá chính là Jamal Musiala (cao 1m84) và Florian Richard Wirtz (cao 1m77). Tuy trẻ nhưng Musiala và Wirtz đều cùng khoác áo ĐTĐ từ năm 2021, và nếu như Musiala đã thi đấu cho Bayern Munich từ năm 2020 với 94 trận ghi 23 bàn thắng, thì Wirtz đã khoác áo Bayer Leverkusen 84 trận với 15 bàn thắng.

Dĩ nhiên ĐTĐ dưới thời HLV Nagelsmann vẫn là lối chơi kiểm soát bóng, luân chuyển bóng nhanh, thể hiện tinh thần khát khao chiến đấu hơn hẳn người tiền nhiệm Flick. Trận thắng Mỹ, ĐTĐ có tỷ lệ kiểm soát bóng 60%, thực hiện tổng cộng 625 đường chuyền và tung ra 19 cú dứt điểm so với 6 lần của Mỹ.

Ngay cả trận hòa Mexico 2-2 mới đây vào ngày 18.10, ĐTĐ cũng kiểm soát bóng đến 68%.

Như vậy 20 năm qua, kể từ khi HLV Klinsmann thay đổi lối chơi cho ĐTĐ thì những người kế nhiệm, về cơ bản vẫn duy trì và hoàn thiện hơn triết lý này. Tuy nhiên tất cả đều có mẫu số chung: đội tuyển quốc gia là tập hợp được hòa quyện giữa những tinh hoa, kinh nghiệm của các cựu binh với những tài năng, sung sức của tân binh trẻ trung đã khẳng định được tài năng.

Sự khác biệt của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) dưới thời HLV Troussier

7 tháng là quãng thời gian không dài nhưng cũng không quá ngắn để HLV Philippe Troussier thử nghiệm, chuẩn bị cho ĐTVN khi hướng đến vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ bắt đầu vào ngày 16.11 tới với đội Philippines trên sân khách.

Một lần nữa cần phải nhấn mạnh rằng Một Thế Giới vẫn giữ quan điểm xuyên suốt từ đầu đến nay là ủng hộ HLV Troussier đổi mới lối chơi kiểm soát bóng cho ĐTVN. Ủng hộ HLV Troussier thử nghiệm, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều khi mà hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cũng như trẻ của Việt Nam chưa phải là môi trường cho các cầu thủ trẻ rèn luyện khi có quá ít trận đấu trong một mùa bóng.

Thậm chí mọi người cũng ủng hộ ĐTVN được thi đấu giao hữu với các đội tuyển quốc gia có thứ hạng FIFA cao hơn. Vì rằng, ĐTVN sẽ học được nhiều điều bổ ích từ những trận thua các đội mạnh, hơn là những gì có được từ kết quả chiến thắng trước các đội yếu hơn.

Thế nhưng, 7 tháng qua, HLV Troussier vẫn chưa định hình được bộ khung đội tuyển quốc gia. Ông vẫn tiếp tục trao cơ hội cho những cầu thủ trẻ chưa có được vị trí chính thức ở V-League, mà nếu có được thi đấu ở V-League thì sự đóng góp của họ cũng chỉ dừng ở mức tròn vai.

Trong khi đó, những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm trận mạc từ V-League cho đến mọi giải đấu quốc tế trong khu vực Đông Nam Á qua châu Á rồi vòng loại World Cup 2022, lại dần bị lãng quên, hoặc được sử dụng thì cũng bị luân chuyển.

Quá trình chuẩn bị của ĐTVN 2023 dễ tạo cảm giác: tre chưa già đã bị đốn, còn măng còn quá non đã được sử dụng.

***

Không ai có quyền thay HLV Troussier trong việc tuyển chọn cầu thủ và sắp xếp đội hình thi đấu. Chỉ duy nhất cách ban chuyên môn VFF và nếu thêm Hội đồng HLV quốc gia có thể ngồi lại trao đổi với HLV Troussier trên tinh thần tìm giải pháp tốt nhất cho ĐTVN khi vòng loại World Cup 2026 đã đến rất gần.

ĐTVN nên soi lại mình khi học hỏi cách chuyển đổi và vận hành của ĐTĐ xuyên suốt 20 năm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài học quá khứ và hiện tại của bóng đá Đức dành cho Việt Nam