YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) đã đệ đơn kiện công ty tư vấn Strand Consult và lãnh đạo cấp cao của hãng này (tác giả bài đăng trên trang web China Tech Threat) vì tội phỉ báng, vào thời điểm phương Tây loan tin về các mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng từ các hãng công nghệ Trung Quốc ngày càng nhiều.
Thế giới số

YMTC kiện Strand Consult vì đưa tin ‘chip nhớ trên iPhone có thể đánh cắp dữ liệu’

Sơn Vân 24/06/2024 23:08

YMTC (hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc) đã đệ đơn kiện công ty tư vấn Strand Consult và lãnh đạo cấp cao của hãng này (tác giả bài đăng trên trang web China Tech Threat) vì tội phỉ báng, vào thời điểm phương Tây loan tin về các mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng từ các hãng công nghệ Trung Quốc ngày càng nhiều.

YMTC (có trụ sở tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc) gần đây đã kiện công ty tư vấn Strand Consult (đặt tại Copenhagen, thủ đô Đan Mạch) và Phó chủ tịch điều hành của nó là Roslyn Layton tại tòa án quận phía Bắc California (Mỹ) vì đã xuất bản một số bản tin sai sự thật, làm tổn hại đến danh tiếng thị trường và quan hệ kinh doanh của họ, theo trang SCMP.

YMTC cho biết trong đơn kiện rằng China Tech Threat đã bắt đầu xuất bản “những tuyên bố kỳ quặc và rõ ràng là sai sự thật” về công ty này cùng các sản phẩm của họ bắt đầu từ tháng 9.2020. Trong một bản tin năm 2022 có tiêu đề Mối quan hệ hợp tác của Apple với nhà sản xuất chip quân sự Trung Quốc YMTC đe dọa an ninh quốc gia Mỹ như thế nào?, với đồng tác giả là Roslyn Layton, YMTC được gọi là “nhà sản xuất chất bán dẫn Trung Quốc có mối quan hệ rõ ràng với quân đội nước này”. Đây là cáo buộc mà YMTC đã kịch liệt phủ nhận.

Bản tin trên China Tech Threat cũng mô tả các chip nhớ của YMTC được “trang bị phần mềm gián điệp có thể chuyển dữ liệu được thu thập về Bắc Kinh và đánh cắp dữ liệu, từ đó làm tổn hại đến bảo mật và quyền riêng tư của người dùng iPhone”. Đó là điều mà YMTC gọi là “hoàn toàn hư cấu” vì các thiết bị bộ nhớ không xử lý các chức năng như vậy.

Nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc cho biết trong đơn kiện: “Những điều sai sự thật đăng trên China Tech Threat đã gây ra tổn hại không thể khắc phục được với danh tiếng và các mối quan hệ kinh doanh của YMTC”.

“YMTC ủng hộ cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy sự đổi mới và phản đối mạnh mẽ các hành vi phản cạnh tranh này. Chúng tôi mong muốn được làm rõ sự thật”, công ty cho biết khi đáp lại đề nghị bình luận của trang SCMP.

Trong một câu trả lời trước đó cho SCMP, YMTC nói họ “chưa bao giờ cung cấp công nghệ hoặc sản phẩm của mình cho bất kỳ mục đích quân sự nào”.

“YMTC chỉ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng thương mại và dân dụng. YMTC không biết về bất kỳ dự án nào liên quan đến quân sự đã áp dụng các sản phẩm của mình”, công ty tuyên bố.

Roslyn Layton không trả lời ngay lập tức khi SCMP đề nghị bình luận khi liên hệ qua trang LinkedIn của bà.

Tháng 11.2023, YMTC đệ đơn kiện đối thủ Micron Technology (hãng chip nhớ số 1 Mỹ) với cáo buộc vi phạm 8 bằng sáng chế của họ. Theo hãng tin Reuters, YMTC đã đệ đơn kiện Micron Technology và đơn vị Micron Consumer Products Group tại tòa án quận phía Bắc California (Mỹ).

Theo đơn kiện, Micron Technology sử dụng công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của YMTC để đối phó với sự cạnh tranh từ hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc, đồng thời giành và bảo vệ thị phần. YMTC cáo buộc Micron Technology không thanh toán một khoản tiền phù hợp để sử dụng các phát minh đã được cấp bằng sáng chế.

Micron Technology sản xuất chip nhớ DRAM và NAND flash, cạnh tranh với Samsung Electronics và SK Hynix (hai hãng chip nhớ số 1 thế giới của Hàn Quốc) cũng như Kioxia (Nhật Bản), một đơn vị của Toshiba.

YMTC là đối thủ nhỏ hơn nhiều so với Samsung Electronics và SK Hynix, năm 2022 đã bị Mỹ cấm mua một số linh kiện từ nước này. Những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc vì lý do an ninh.

ymtc-kien-strand-consult-vi-dua-tin-chip-nho-tren-iphone-co-the-danh-cap-du-lieu-.jpg
Trụ sở chính của YMTC ở Vũ Hán - Ảnh: Weibo

Câu chuyện pháp lý mới nhất xảy ra khi YMTC và các xưởng đúc chip của Trung Quốc đang tìm cách vượt qua các lệnh trừng phạt ngày càng leo thang của Mỹ với việc xuất khẩu các công cụ sản xuất chip và dịch vụ bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.

Chính quyền Biden đã đưa YMTC vào danh sách đen hồi tháng 12.2022. Tháng 5.2023, Trung Quốc tiến hành đánh giá an ninh mạng với Micron Technology. Trung Quốc cho biết các sản phẩm của Micron Technology đã không đạt yêu cầu đánh giá an ninh mạng và cấm các nhà khai thác cơ sở hạ tầng quan trọng ở nước này mua chúng.

Động thái của Trung Quốc chống lại Micron Technology thời điểm đó được nhiều người coi là sự trả đũa cho những nỗ lực của chính quyền Biden nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng.

Việc này diễn ra sau khi Mỹ gây áp lực buộc các đồng minh của mình phải tham gia cùng họ trong việc hạn chế xuất khẩu thiết bị chip sang Trung Quốc.

Hồi tháng 2.2024, YMTC bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen 1260H vì cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc, điều mà công ty phủ nhận. Thời điểm đó, YMTC cho biết đã đàm phán với chính quyền Biden để giải quyết cáo buộc sau khi bị Bộ Quốc phòng Mỹ nêu tên trong danh sách các công ty gây rủi ro an ninh quốc gia.

YMTC thông báo: “Công nghệ của chúng tôi không đạt cấp độ quân sự cũng như không được trang bị cho các ứng dụng quân sự. Hơn nữa, YMTC chưa cung cấp hoặc được chỉ đạo bởi bất kỳ tổ chức nào cung cấp công nghệ của chúng tôi cho mục đích quân sự. Là một công ty tư nhân, YMTC không thuộc quyền sở hữu hay kiểm soát của quân đội Trung Quốc và chúng tôi bác bỏ mọi cáo buộc rằng gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ”.

YMTC là công ty Trung Quốc nổi tiếng nhất trong số hơn chục hãng công nghệ Trung Quốc thời điểm đó bị đưa vào danh sách 1260H do Bộ Quốc phòng Mỹ quản lý, được thành lập theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia cho năm tài chính 2021. Danh sách này được Bộ Quốc phòng Mỹ cập nhật hàng năm.

Nằm trong danh sách đen không có nghĩa là Mỹ bị cấm hoàn toàn, nhưng khiến các công ty không đủ điều kiện nhận các hợp đồng từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Ngoài ra, các công ty đó có thể bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen, hạn chế triển vọng kinh doanh.

Bộ Quốc phòng Mỹ còn cáo buộc hai công ty trí tuệ nhân tạo (AI) Yitu Technology và Beijing Megvii, nhà sản xuất máy bay không người lái Chengdu JOUAV, hãng sản xuất LiDAR Hesai Technology và hãng công nghệ NetPosa có quan hệ với quân đội Trung Quốc.

LiDAR (Light Detection and Ranging) là công nghệ viễn thám sử dụng tia laser để đo khoảng cách đến các vật thể và tạo ra mô hình 3D của môi trường xung quanh.

Các biện pháp từ Mỹ đến nay vẫn chưa làm chệch hướng sự tiến bộ của YMTC dù đã gây ra những trục trặc giữa lúc nhu cầu về chip hãng này tăng cao. Kể từ đó, YMTC đã thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nhà cung cấp trong nước để thay thế các linh kiện của Mỹ trong thiết bị sản xuất chip nhằm bảo vệ tính toàn vẹn trong sản xuất.

Khi Trung Quốc cố gắng cắt giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm bán dẫn nước ngoài trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu ngày càng gia tăng, YMTC nhận thấy nhu cầu về chip nhớ flash của họ tăng vọt vài tháng qua. Điều này cho thấy YMTC đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các giải pháp lưu trữ dữ liệu dựa trên bộ nhớ flash NAND với các dự án được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Đã nhận được 7 tỉ USD từ các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn, YMTC là niềm hy vọng lớn nhất của Trung Quốc để cạnh tranh trên thị trường bộ nhớ flash 3D NAND toàn cầu, nơi sự hiện diện của quốc gia châu Á này vẫn còn ít so với các công ty Mỹ và Hàn Quốc.

Bộ nhớ flash NAND là một loại bộ nhớ bán dẫn được sử dụng để lưu trữ dữ liệu. Nó được sử dụng phổ biến trong các thiết bị điện tử di động như smartphone, máy tính bảng và ổ đĩa flash USB. Bộ nhớ flash NAND có ưu điểm là không cần nguồn điện để duy trì dữ liệu, nhỏ gọn, chống va đập và có tuổi thọ cao.

Bộ nhớ flash 3D NAND là kiến trúc bộ nhớ flash tiên tiến, cung cấp nhiều ưu điểm so với các thế hệ NAND trước đây. Điểm khác biệt chính của 3D NAND so với NAND phẳng (2D) truyền thống là:

Cấu trúc:

NAND 2D sắp xếp các ô nhớ theo lớp phẳng. NAND 3D xếp chồng các ô nhớ theo chiều dọc tạo thành nhiều lớp, cho phép tăng mật độ lưu trữ trong cùng một diện tích.

Dung lượng:

NAND 3D có dung lượng lưu trữ cao hơn đáng kể so với NAND 2D. Ví dụ: Ổ SSD 3D NAND có thể có dung lượng lên đến 16TB, trong khi ổ SSD 2D chỉ giới hạn ở 4TB.

Hiệu suất:

NAND 3D có tốc độ đọc và ghi nhanh hơn so với NAND 2D. Điều này giúp cải thiện hiệu suất tổng thể của thiết bị sử dụng bộ nhớ 3D NAND.

Độ bền:

NAND 3D có tuổi thọ cao hơn so với NAND 2D. Ổ SSD 3D NAND có thể chịu được nhiều chu kỳ ghi/xóa hơn trước khi bị hỏng.

Tiêu thụ điện:

NAND 3D tiêu thụ điện năng thấp hơn so với NAND 2D. Điều này giúp tiết kiệm pin cho các thiết bị di động sử dụng bộ nhớ 3D NAND. Nhờ những ưu điểm trên, bộ nhớ flash 3D NAND đang dần trở thành lựa chọn phổ biến cho ổ cứng thể rắn (SSD), thiết bị di động (smartphone, máy tính bảng và các sản phẩm khác dùng bộ nhớ 3D NAND để lưu trữ dữ liệu và ứng dụng), laptop, máy chủ.

Bài liên quan
YMTC sản xuất chip nhớ tiên tiến nhất thế giới trong 'bước đột phá công nghệ bất ngờ'
YMTC đã sản xuất chip nhớ 3D NAND “tiên tiến nhất thế giới” được sử dụng trong một thiết bị tiêu dùng, theo báo cáo của hãng phân tích chất bán dẫn TechInights (Canada). Đây được xem là “bước đột phá công nghệ bất ngờ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
YMTC kiện Strand Consult vì đưa tin ‘chip nhớ trên iPhone có thể đánh cắp dữ liệu’