Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ đưa nguồn cung vàng ra thị trường thông qua phương thức đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy, sau 11 năm gián đoạn, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với việc tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Việc Ngân hàng Nhà nước lấy vàng trong kho dự trữ ngoại hối ra tăng cung để bình ổn thị trường mà chưa cấp phép nhập khẩu vàng là hợp lý trong bối cảnh tỷ giá tăng cao và dự trữ ngoại hối có hạn như hiện nay.
Câu hỏi được dư luận đặt ra hiện nay là Ngân hàng Nhà nước sẽ cho đấu thầu vàng miếng với giá bao nhiêu, theo giá vàng thế giới hay giá vàng SJC được niêm yết hiện nay?
Tuy nhiên, rất khó có thể trả lời chính xác khi không biết Ngân hàng Nhà nước sẽ cung ứng ra thị trường bao nhiêu vàng từ nguồn dự trữ.
Giới chuyên gia cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung vàng miếng trước mắt sẽ giúp hạ nhiệt thị trường, hạn chế nguồn cung vàng nhập lậu thường làm bất ổn thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt khi chờ sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, chứ chưa thể kéo giá vàng SJC về sát với giá thế giới.
Lý do, Ngân hàng Nhà nước không thể kéo dài các phiên đấu thầu vàng miếng, cũng không thể chào bán vàng với giá thấp hơn giá thị trường quá nhiều. Ví dụ, giá vàng SJC được các doanh nghiệp bán ra là hơn 84 triệu đồng/lượng, nếu Ngân hàng Nhà nước bán thấp hơn quá nhiều sẽ làm mất vốn nhà nước.
Trước kia, sau khi Nghị định 24 được ban hành năm 2012, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng (với phiên đầu tiền hôm 28.3.2013), tổng cộng bán gần 70 tấn vàng, thu về cho ngân sách khoảng 8.000 tỉ đồng chênh lệch, qua đó cũng ổn định tương đối thị trường vàng. Sau vài tháng đấu thầu, giá vàng từ mức 43 triệu đồng/lượng đã có lúc về 36 triệu đồng/lượng (tương đương giảm 23%).
Theo đó, khoảng cách giá vàng trong nước thu hẹp với thế giới tới 2 - 2,5 lần so với trước đây. Điều này cho thấy kịch bản quản lý thị trường vàng đang đi đúng hướng. Nhận xét về khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn còn khá xa, một số nhà quản lý cho rằng biên độ thu hẹp quá mức cũng không hẳn đã tốt vì dễ khiến người đầu cơ gom hàng. Nếu duy trì ở một khoảng cách nhất định, nhất là trong bối cảnh giá vàng trên thế giới đang diễn biến phức tạp, giới đầu cơ sẽ khó lũng đoạn hơn.
Lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng đã tới lúc Ngân hàng Nhà nước nên ngưng đấu thầu vàng, nếu tiếp tục thì nên đấu thầu "hai chiều", nghĩa là vừa đấu thầu bán - mua vàng để "thị trường có đầu vào - đầu ra nhịp nhàng hơn". Một số chuyên gia cho rằng, nếu tiếp tục dùng kênh đấu thầu vàng, đồng nghĩa một lượng ngoại tệ không nhỏ sẽ được huy động để nhập vàng, nguồn dữ trữ ngoại hối vừa được cải thiện sau rất nhiều nỗ lực, lại hao hụt đáng kể.
Mục đích của đợt đấu thầu vàng miếng SJC sắp tới là để đáp ứng nhu cầu thị trường, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Dự kiến phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp sẽ phải xác thực thông tin và đặt cọc trước khi dự thầu. Trong phòng đấu thầu có 2 màn hình lớn, một màn hình cập nhật diễn biến giá vàng thế giới, một màn hình thông tin về giá vàng trong nước theo thời gian thực. Đây sẽ là dữ liệu cơ sở để các đơn vị tham gia tính toán phương án bỏ thầu.
Các đơn vị sẽ có khoảng 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một giờ sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Sáng nay (16.4), giá vàng miếng trong nước đồng loạt được điều chỉnh tăng. Giá vàng miếng của SJC đang niêm yết ở mức 82,3 triệu đồng/lượng mua vào và 84,3 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng khoảng 200.000 đồng/lượng cho hai chiều mua - bán.
PNJ cũng điều chỉnh tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, lên mức 84,3 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, PNJ điều chỉnh tăng 400.000 đồng/lượng, lên mức 82,2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng miếng ở mức 81,9 triệu đồng/lượng mua vào và 84,2 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng/lượng ở hai chiều mua - bán.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng đang niêm yết ở mức 81,95 triệu đồng/lượng mua vào và 84,1 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và 150.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Đối với vàng nhẫn, giá vàng nhẫn tăng mạnh 350.000 đồng lượng. Theo đó, SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75 triệu đồng/lượng mua vào và 77 triệu đồng/lượng bán ra. PNJ niêm yết ở mức 75 - 76,9 triệu đồng/lượng ở hai chiều mua - bán.
Giá vàng trong nước tiếp tục tăng bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước thông báo đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường sau 11 năm "thả nổi".
Trong khi đó, sáng nay, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 2.379,6 USD/ounce, tăng 29,6 USD/ounce so với đêm qua. Giá vàng giao tương lai tháng 6.2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.400 USD/ounce