Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) được biết đến là làng làm bánh chưng phục vụ Tết trứ danh ở Hà Nội. Vào dịp cuối năm, nhà nào cũng tất bật, không khí khẩn trương bao trùm cả làng khiến không khí những ngày này vui như ngày hội.
Những ngày cuối đông, đầu xuân, khi nhà nhà đều chuẩn bị sắm Tết cũng là lúc những người thợ làm bánh chưng làng Tranh Khúc lại hối hả với công việc quen thuộc, cung cấp hàng vạn chiếc bánh chưng ra thị trường trong và ngoài nước.
Cả gia đình nhà bà Hoàng Thu Lan không lúc nào ngơi tay chuẩn bị nguyên liệu gói bánh; mỗi người phụ trách một công đoạn, không ai bảo ai nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua cũng thấy được sự nhịp nhàng, lành nghề của những người thợ lâu năm.
Theo chia sẻ của bà Lan, mỗi năm gia đình thường làm gần 10.000 chiếc nhưng có năm khách đặt nhiều không đủ cung cấp, làm không xuể phải thuê thêm người phụ giúp.
Nghề làm bánh chưng làng Tranh Khúc có từ rất lâu nhưng không ai trong số những người dân nhớ hiện nay được mốc thời gian cụ thể, chỉ biết cứ cha truyền con nối, hết đời này sang đời khác.
Làng làm bánh quanh năm sản xuất phục vụ người dân nhưng cứ đến thời điểm cận Tết là lại bận tối mặt tối mũi, không có thời gian ngơi tay.
Ở Tranh Khúc, dường như ai cũng biết gói bánh chưng. Trẻ con lên 8 tuổi đã biết phụ giúp gia đình cắt, rửa và xếp lá dong. Thanh niên 15-16 tuổi đã gói bánh chưng thành thạo rồi đem đi bán.
Anh Nguyễn Văn Quân, người làng Tranh Khúc cho biết: “Tôi biết gói bánh từ năm 12 tuổi. Cứ nhìn bố mẹ làm rồi bắt chước làm theo, làm mãi thành quen chứ chẳng ai dạy. Các công đoạn chuẩn bị nguyên liệu được phân công đã đến mức chuyên nghiệp, người rửa lá, xếp lá, người đồ đỗ xanh, đánh nhuyễn đỗ, người chế biến, pha thịt lợn”.
Những người làm nghề lâu năm tại “làng bánh chưng” thường chọn gạo nếp cái hoa vàng; còn đậu xanh, trước đây khi chưa có đậu vỡ sẵn, dân làng thường chọn loại đậu hạt tiêu, sẫm màu thơm và ngậy. Thịt lợn mua ngay tại các lò mổ.
Thường thì buổi sáng là thời gian làm lá, đến chiều các hộ mới bắt tay vào gói để cuối buổi chiều tiến hành bắc bếp.
Chị Nguyễn Thị Thu (người làng Tranh Khúc) vừa thoăn thoắt gói bánh, buộc từng sợi lạt vừa còn cho biết: “Bánh chưng ngon, khi cắt ra phải chắc nhưng hạt gạo phải mềm, dẻo, khi ăn có vị thơm và béo ngậy”.
Bằng nghề truyền thống lâu đời, những chiếc bánh chưng xanh, thơm ngậy mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống ổn định, tạo công ăn việc làm cho trăm công nhân đến từ các tỉnh khác.
Những ngày Tết cận kề, nhìn người làng Tranh Khúc cặm cụi bên những chiếc bánh chưng xanh lại thấy mùa xuân rộn ràng. Những chiếc bánh đượm tình người Tranh Khúc là một trong những yếu tố giúp lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của Tết Việt Nam.
Thu Anh