Truyện ngắn của Tuệ An

Bao giờ về lại

Một Thế Giới | 22/03/2014, 09:30

Truyện ngắn của Tuệ An

Người ta nam nhi đại trượng phu sống không thay tên, chết không đổi họ. Còn tôi thì thay đổi tất. Càng không ai biết gốc gác mình càng tốt. Trai giống mẹ thì khổ ba đời. Có sao đâu. Ba đời hay ba vạn đời cũng chẳng sao. Miễn là tôi đừng giống ông ấy, bố tôi, một chút gì.
Cái nòi nhà ấy tệ bạc.
Quê nội tôi ở xa tít tắp. Một miền đất gần giáp Lào. Nơi đó còn có núi đồi, hang động, nhưng không nhiều cây. Tôi ít về thăm. Lúc còn phải sống phụ thuộc vào ông bố, mỗi năm tôi về một buổi, theo nghĩa vụ, ăn một bữa cơm trước giao thừa rồi về lại thành phố. Giờ thì tôi chẳng nhớ gì nhiều, nhưng vẫn còn đọng cái tên núi - Bạc Trôốc. Trôốc - tiếng địa phương, có nghĩa là đầu. Người già đầu bạc thì đẹp, như bụt. Còn núi non mà đầu bạc thì vì đất đai, khí hậu nghiệt quá, chẳng cây gì mọc nổi, chẳng con gì sống nổi. Ở nơi ấy, từ phần thân núi lên đến ngọn, nhìn lên chỉ thấy trảng trắng. Thế mà thành tên.
Nhà bà nội tôi nghèo rớt. Nhưng ở cái thời buổi cả nước khốn khó, bố tôi lại được ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp Bách khoa rồi du học. Ông du học chán chê rồi về nước làm cho bộ G. Những ưu đãi đó là nhờ cái chết trận mạc của ông nội tôi. Đời cha hy sinh cho đất nước thì đời con được đất nước lo cho là vậy.
Nhưng dù học hành đến nơi đến chốn, tính cách bố tôi lại cực kỳ bản năng và vô lối. Vì khi ông nội tôi mất, bà tôi tái giá, mặc kệ đời bố tôi. Bị mẹ chửi thì chạy về chú, bị chú chửi thì chạy về mẹ. Một đứa trẻ có nhiều chỗ để bỏ chạy vốn đã khó uốn nắn, nữa là ở những nơi chẳng ai có ý định uốn nắn.
Thế nên bố tôi chạy lung tung. Tưởng ông ngồi ở bộ là ngon rồi. Lúc này ông cũng đã lấy mẹ tôi, đã sinh ra tôi. Hai người đều làm ở những bộ phận quan trọng của một cơ quan to. Nào ngờ ông lại nghĩ phi thương bất phú. Làm nghiên cứu thì chỉ được tiếng chứ sao có miếng.
Ông ra khỏi ngành, đi buôn. Đường chính không thích, ông thích đi đường rừng. Làm ăn lớn, trúng lớn. Đến khi phá sản thì mất cực lớn, gây thiệt hại nặng cho cả nước người. Vụ việc bị xem xét, truy ra bố tôi sang đó đã không đi đường chính. Vậy là ngồi tù, bởi hai tội: tù kinh tế và dân tị nạn.
Ra tù, bố tôi bị trục xuất về nước. Đất nước thời kỳ đổi mới đi lên. Tinh thần ai cũng phải trong sạch vững mạnh. Ai cũng phải tin người yêu người. Quyết không để con sâu làm rầu nồi canh. Bởi thế, đời bố tôi khốn đốn. Thông thạo mấy thứ tiếng, từng quản trị mấy tập đoàn ở nước lớn mà về nước không ai nhận vào làm, kể cả chân bảo vệ một cơ quan nhỏ. Ai cũng sợ điều tiếng. Cái thằng ấy vừa đi tù về, vừa là dân tị nạn, không tin được.
Tri thức là sức mạnh, thật mỉa mai, vì không thể bóc ra kiếm ăn được. Cùng lúc, mẹ tôi trong danh sách bị giảm biên chế. Vậy là cả hai người đều vứt tri thức đã học sang một bên, đi lao động chân tay, trở thành nông dân giữa lòng đô thị.
Bố tôi thành kẻ bất mãn. Tức chính quyền, ông đem trút lên vợ con. Vì thế tôi trở thành đứa lì đòn. Sau này ra đời, tôi không đánh nhau thì thôi, còn đã đánh thì có vãi máu tôi cũng chẳng ớn. Lúc nào cũng như con trâu điên nhào vào ăn thua đủ. Cả bọn bụi đời ngoài chợ cũng ngán tôi, đơn giản vì chúng chẳng muốn vào tù. Tôi thì chết không sợ, nhưng tụi nó thì lại tiếc đời. Sống vất vưởng bữa no bữa đói với chúng dù sao vẫn sướng hơn so với việc ngồi tù.
Ông ngoại tôi xót cháu, bảo bố tôi: “Anh không nuôi được thì để tôi nuôi”. Bố tôi chẳng nói gì. Tôi vui sướng vì điều ấy. Lên ở nhà ông bà, dù có hơi buồn, tôi ít phải đánh lộn. Khu nhà ông bà toàn cán bộ về hưu, còn khu vực gia đình tôi là dân chợ búa.
Tôi đi học rồi về, luôn đúng giờ. Ông bà còn đi làm. Nhà ông bà từ ngoài nhìn vào thì hơi lớn. Đất giữa lòng thành phố mà những ba trăm mét vuông. Cả một gia tài. Nhà hai lầu, chỉ có ba người, người nào cũng lười nói. Buồn teo.
***
Gia đình bên nội tôi vừa nghèo, vừa dốt, thế mà rất trịch thượng, thích phán xét. Có lần lão Tuyên bảo tôi: “Không có bố mày đi nước ngoài thì mẹ con mày đi ăn mày”. Tôi nhìn ông lừ lừ: “Đù… Không có ông ấy thì mẹ con tôi cũng chẳng chết”. Tôi ra về mà không chào. Lão Tuyên mách với bố. Bố tôi cho tôi ngay một trận thừa sống thiếu chết, nhìn không còn ra giống người. Ai bảo mày dám “đù” ông bác trưởng tộc! Có khác gì mày chửi bố mày, bà mày.
Lâu lâu lại có bà con bên nội từ quê xuống. Có khi họ xuống vì công việc, có khi do rảnh quá, không phải ngày mùa nên xuống chơi cho biết thành phố.
Thấy cái gì hay họ cũng táy máy, ra ý xin. Đã xin thì tất nhiên phải cho. Người thành phố được mặc định là giàu có, rộng rãi, nên phải chia sẻ với người nông thôn. Người dưng đã sẻ chia cho nhau, huống gì máu mủ ruột rà. Tính mẹ tôi lại hay mủi lòng, lý tưởng hóa cách sống.
Tôi không thể có được cái tính lưu giữ hay sưu tập cái gì cũng bởi lý do đó. Bọn anh chị em họ trên quê xuống tham quan thành phố đã tham quan tất cả mọi ngóc ngách trong nhà, kể cả phòng riêng. Thấy cái gì hay lại gợi ý xin, dù chưa chắc hiểu nó hay chỗ nào.
Mấy con figure tôi dùng làm mô hình vẽ, mỗi con giá hơn bạc triệu. Con Đào xuống chơi. Mặt nó già chát, biết là bà con nhưng bà con ra sao thì tôi chịu. Nó gọi tôi là chú. Ừ, thì chú. Chú có búp bê đẹp thế. Ừ. Cho cháu nhé. Điên à, đồ nghề của tao. Tôi gắt. Nó bỏ ra khỏi phòng.
Một chốc, mẹ tôi lên bảo, sao con ích kỷ thế, cháu nó ở quê khổ lắm, mình phải biết thương người. Tôi thanh minh, nó lấy cái này làm gì, đồ vẽ của con mà. Mẹ tôi bảo thì cứ cho nó, có khi nó cũng mê vẽ như con, rồi vài hôm mẹ đưa tiền đi mua cái khác. Tôi thở dài, không muốn cho cũng phải cho. Buổi tối thấy nó ngồi nơi góc cầu thang với mớ vải vóc, chỉ khâu, quấn quấn thành váy áo cho “con búp bê”. Điên cả ruột.
Lão Tuyên lâu lâu lại xuống, ăn nhờ ở chực dài ngày. Rồi lão bảo bố tôi, chú kiếm cho anh cái bơm, cái chậu thau, thế là có ngay nghề bơm vá xe hẳn hoi ở thành phố. Dù suốt ngày phơi mặt ngoài đường cũng còn hơn bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Ở nhờ nhà tôi, nhưng lão chưa bao giờ ý thức mình là kẻ nhờ vả. Bố tôi bấy giờ đi sửa điện gia dụng và ai cần bốc vác thì đi làm. Mẹ tôi bóc lạc thuê cho xưởng kẹo gần nhà, toét hết hai bàn tay một thời chỉ viết lách.
Mẹ đi làm suốt ngày hít bụi lạc, về nhà lại gặp ông anh chồng hay hoạnh họe. Chị đúng là con gái thành phố, chả biết làm cái mẹ gì cả. Gái quê mới là gái đảm. Cơm canh nấu thế này à, bố mẹ chị không biết dạy con. Bữa thì lão Tuyên kêu nhạt, bữa kêu mặn, bữa thì cằn nhằn vì thiếu ớt làm sao và nổi miếng cơm. Chê thế thôi chứ bữa nào lão cũng quất đầy mấy bát. Lại còn uống rượu nữa, mà tuyệt nhiên chẳng góp đồng nào.
Có bữa lão Tuyên nói với bố tôi, chú xem lại vợ chú đi, tôi ngồi đây bơm vá, nghe mọi người nói mới biết. Chú đi biền biệt nước ngoài bao năm. Đàn bà như thế mà không cần trai mới lạ. Bố tôi chẳng nói gì. Lão tiếp, công ty cũ của cô ấy lại toàn đàn ông. Từ sếp đến lính đều quý cô ấy. Ừ, quý thế cơ. Lão Tuyên nhấn nhá, rồi bỏ đi.
Những ngày sau bố tôi cũng chẳng đả động gì đến mẹ tôi.
Nhưng vì một chuyện cỏn con là ông kêu tôi lúc tôi đang ở trên lầu. Đang dở tay vẽ, tôi ngóc cổ xuống hỏi: “Gì hả bố?”. Ông bảo mày mất dạy, mẹ mày dạy con thế à. Bố gọi thì phải xuống, phải vâng phải dạ chứ. Tao là bạn cùng lứa với mày đấy à?”.
Khi tôi vừa ló xuống, ông chọi ngay chiếc dép vào mặt tôi. Rồi ông túm tóc tôi, bạt tai tới tấp. Ông đánh tôi như trả thù đời, mắt vằn vện tia đỏ.
Mẹ tôi về nhà, thấy tôi nằm dẹo hẳn vào tường bếp, mắt khô nhưng mặt dại đi và đái ướt cả quần. Quả là một trận đòn nhớ đời.
Sau đó, hình như ông thấy việc đánh tôi chẳng ích gì. Có lẽ dây thần kinh đau đớn của tôi có vấn đề, ông chuyển sang hành hạ tâm lý. Ông lên phòng tôi, rưới xăng đốt hết tranh, giá vẽ, … tất tần tật.
Hồi ấy tôi mười tám, đang ti toe tán gái, nên tranh vẽ gái đủ các thể loại rất nhiều. Gái hồi ấy cũng chả có gì, mẫu chuẩn của gà công nghiệp nuôi trong thành phố. Thế mà cả vài chục năm sau nữa, tôi vẫn thấy mình run lên vì nhớ gái ấy. Cảm giác như bọn đàn bà con gái sau này chả ai bằng được cái bóng yêu đầu.
Tranh vẽ gái cháy hết cả, lỡ hẹn đem tặng gái vào đầu tuần. Gái bảo sao anh bất tín thế, anh thất hứa với em, anh không coi trọng em. Gái khóc. Tôi không biết dỗ. Sau vài ba chục bận tôi thất hứa (toàn là sự cố do ông bố gây ra) thì gái bảo thôi, mình chia tay đi. Em mệt mỏi với anh lắm rồi.
Gái đến với thằng khác. Sau này đời gái còn nhiều thằng khác nữa. Cuối cùng lấy một thằng đại gia. Chưa đám cưới nào ở thành phố lớn bằng đám cưới của gái. Gái cưới chồng được một năm, có lần gặp tôi ở một triển lãm tranh, gái khóc, bảo trời phạt em. Hồi đấy em cư xử với anh không ra gì, giờ chồng em cư xử với em cũng không ra gì.
Tôi thấy lòng cũng xon xót. Có hai em chân rất dài váy siêu ngắn đi qua, tôi liếc theo, lòng ngơ ngẩn. Giá em ấy chịu làm mẫu nude cho tôi vẽ thì tốt. Gái đứng trước mặt vẫn cúi xuống khóc. Tôi đưa tay vén tóc gái, ôm lấy mặt gái, rồi cứ thế mà hôn. Tôi bảo em đừng nghĩ ngợi nhiều, cái gì qua rồi cho qua đi, chỉ là kỷ niệm. Gái hỏi anh quay lại với em không? Tôi mỉm cười, lắc đầu. Lòng thầm nghĩ, điên à, bố mày không ngu mà rước họa từ chồng mày.
Nhưng đêm đó tôi có ngủ với gái, lòng tiếc nuối sao ngày xưa mình ngây thơ thế, bao nhiêu lần ở riêng với gái những nơi chả có ai, thế mà đến giờ mới chạm vào gái thì cái ngàn vàng đã vào tay thằng khác. Không còn yêu nên cũng chẳng việc gì phải cay cú. Nhưng quay trở về tình yêu thời huê mộng xưa như gái muốn thì xin lỗi, quên đi cho nhanh.

Còn tiếp

Không phải cứ ly hôn mới là đổ vỡ 
Là một trong những tác giả trẻ xuất hiện thời gian gần đây, Tuệ An chọn cách viết “rủ rỉ tâm sự” để gởi những nhân vật của mình đến với người đọc.

Nhân vật của chị rất bình thường trong đời sống hàng ngày, chỉ sôi sục ở phần bên trong đầy căng thẳng. Căng thẳng vì phải chịu đựng người khác và cả căng thẳng vì phải chịu đựng chính mình.

Truyện ngắn này là một sản phẩm khá tiêu biểu cho điều đó.
Bao gio ve lai

Bạn có xem văn chương là cứu cánh?

Văn chương luôn là cứu cánh không chỉ cho người viết mà cả người đọc. Người viết thì được trải lòng, gửi gắm suy tư… Người đọc thì được thấy mình, thấy những điều mình tâm đắc hay được gợi mở những hướng suy nghĩ… Văn chương có thể bầu bạn sẻ chia những điều mình không nói lớn được, có lúc như mẹ hiền dỗ dành, có lúc như người thầy dẫn dắt, động viên… Bởi thế, tôi luôn biết ơn các tác giả đã để lại những tác phẩm có giá trị cho đời.

Tôi không chủ động lựa chọn nghiệp văn chương. Nhưng văn chương lại khiến mình mê mải và thành người tình, thành duyên nợ.

Liệu văn chương có thể làm gì cho xã hội quá rạn vỡ hiện nay?

Câu hỏi buồn quá. Nó kéo về thực tại là chúng ta đang phải đối diện với một xã hội quá nhiều rạn vỡ. Văn chương có thể làm gì? Một tác phẩm như Truyện Kiều khi mà kết tác phẩm đầy nhân văn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng vượt thời gian, Nguyễn Du cũng chỉ nhận rằng “Mua vui cũng chỉ một vài trống canh” thì những người viết nhỏ bé như tôi còn dám nói gì. Cứ viết vậy thôi.

Thực tế cuộc sống ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực lên trí tưởng tượng của bạn?

Cuộc sống là chất liệu nền. Từ chất liệu nền đó, trí tưởng tượng phải làm việc để nhào nặn và tưởng tượng để viết nên tác phẩm.

Tác phẩm Việt Nam nào đã gây ấn tượng với bạn?

Thời gian để đọc bao giờ cũng thiếu mà tác phẩm hay thì quá nhiều, nên tôi phải chọn lọc. Tôi đọc hết những tác phẩm đã công bố của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Trần Thùy Mai…  

Tôi ấn tượng với những tác phẩm chỉ có con người, với những câu chuyện của muôn đời. Những ngọn gió Hua Tát, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần… của Nguyễn Huy Thiệp; Trăng nơi đáy giếng, Thương nhớ hoàng lan… của Trần Thùy Mai; Cõi người rung chuông tận thế, Hướng nào Hà Nội cũng sông… của Hồ Anh Thái… 

Ngô Thị Kim Cúc


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Vẫn còn thất thoát thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử
Thủ tướng cho rằng vấn đề quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bao giờ về lại