Trang Yonhap ngay chiều nay đã đưa tin Việt Nam dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ 1 với tâm trạng hết sức hồ hởi.

Báo Hàn Quốc vui mừng khi Việt Nam nâng cấp việc dạy tiếng Hàn

Tú Viên | 04/03/2021, 19:28

Trang Yonhap ngay chiều nay đã đưa tin Việt Nam dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ 1 với tâm trạng hết sức hồ hởi.

Hôm nay ngày 4.3, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGD&ĐT về việc Ban hành Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) môn tiếng Hàn và tiếng Đức - Ngoại ngữ 1, hệ 10 năm thí điểm. Theo đó, môn tiếng Hàn, tiếng Đức sẽ được thí điểm là Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT.

Điều này lập tức khiến truyền thông Hàn Quốc tỏ ra hồ hởi. Trang Yonhap ngay chiều nay đã đưa tin Việt Nam dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ 1.

Theo Yonhap, các quan chức Hàn Quốc đã loan báo thông tin cho báo chí: “Việt Nam đã chỉ định tiếng Hàn là một trong những ngoại ngữ hạng 1 của mình, cho phép nó (tiếng Hàn) được dạy từ bậc tiểu học trở đi bắt đầu từ tháng 8 này”

Giáo dục tiếng Hàn đã được mở rộng ở quốc gia Đông Nam Á (tức Việt Nam), được thúc đẩy bởi sự phổ biến của văn hóa đại chúng Hàn Quốc và mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn giữa hai quốc gia.

Yonhap còn dẫn thông tin theo Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội cho biết tháng trước, Bộ GD-ĐT Việt Nam đã bổ sung tiếng Hàn và tiếng Đức vào danh sách các ngoại ngữ có thể được cung cấp như một khóa học tự chọn cho học sinh lớp 3 và những học sinh lớp cao hơn.

"Danh sách (ngoại ngữ 1) hiện bao gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga. Các quan chức (Việt Nam) cho biết tiếng Hàn và tiếng Đức có thể được dạy trong các trường tiểu học bắt đầu từ tháng 8 khi học kỳ mới bắt đầu", Yonhap viết.

Yonhap nhắc lại năm 2019, Việt Nam chọn tiếng Hàn là ngoại ngữ thứ hai, có thể học trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông, sau một dự án thí điểm từ năm 2017. Hiện Việt Nam có khoảng 1.500 học sinh học tiếng Hàn Quốc.

Theo Yonhap, Đại sứ quán Hàn Quốc hiện có kế hoạch hỗ trợ chương trình bằng cách phát triển sách giáo khoa, sách hướng dẫn giảng dạy và cử giáo viên hướng dẫn.

Theo Bộ GD-ĐT Việt Nam, nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn bao gồm các chủ điểm, chủ đề và kiến thức ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp), được lựa chọn phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh và được tích hợp vào quá trình rèn luyện, phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cơ bản.

Các kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ điểm và chủ đề phù hợp với nhu cầu, khả năng của học sinh phổ thông, nhằm giúp các em đạt được các yêu cầu quy định trong Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Cụ thể là: học sinh kết thúc lớp 6 đạt bậc 1; kết thúc THCS (lớp 9) đạt bậc 2; kết thúc THPT (lớp 12) đạt bậc 3.

Tổng thời lượng chương trình là 1.155 tiết (mỗi tiết 35 phút), bao gồm cả các tiết ôn tập và kiểm tra, đánh giá. Thời lượng tương đương với bậc 1, bậc 2 và bậc 3 lần lượt là 420, 420 tiết và 315 tiết.

Nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT.

Phương pháp đánh giá kết quả được sử dụng chủ yếu trong Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn gồm các hình thức: kiểm tra nói, kiểm tra viết, kiểm tra thực hành. Ngoài đánh giá thông qua các bài kiểm tra, bài thi được thực hiện với sự tham gia của giáo viên, Chương trình cũng chú trọng đến việc tự đánh giá của học sinh, nhằm giúp học sinh tự kiểm soát được kết quả học tập, tạo thói quen, tính chủ động trong học tập, rèn luyện phương pháp tự học. Việc tự đánh giá được thực hiện ở cuối mỗi bài học và sau từng nhóm bài học, từng giai đoạn học tập.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn cũng áp dụng các phương pháp đánh giá kết quả giáo dục đặc trưng với từng cấp học.

Theo Bộ GD-ĐT, việc dạy học các môn ngoại ngữ trong trường phổ thông đã được triển khai từ nhiều năm qua. Theo đó, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc (gồm các môn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, sau đó bổ sung môn tiếng Nhật); ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn (trong đó có tiếng Đức, tiếng Hàn).

Sau thời gian thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 ở một số địa phương và đạt hiệu quả, nhu cầu học tập của học sinh ngày càng nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục phổ thông và học sinh có nguyện vọng lựa chọn môn học này là ngoại ngữ 1, để phù hợp với nhu cầu học tập của học sinh.

Từ các nhu cầu thực tế nói trên, đồng thời để giảm áp lực cho học sinh khi lựa chọn tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 2 vẫn phải học song song ngoại ngữ 1 khác, Bộ GD-ĐT quyết định thí điểm dạy tiếng Hàn, tiếng Đức là ngoại ngữ 1 để học sinh lựa chọn theo nhu cầu. Đây cũng là nội dung thoả thuận khung giữa Việt Nam với Hàn Quốc, CHLB Đức về việc dạy tiếng Hàn, tiếng Đức ở trường phổ thông Việt Nam.

Sau thời gian dạy thí điểm là ngoại ngữ 1, Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá tính hiệu quả và khả thi, qua đó xem xét việc đưa hai môn học tiếng Hàn, tiếng Đức chính thức trở thành Ngoại ngữ 1 trong chương trình GDPT và thực hiện bình đẳng như các môn ngoại ngữ 1 khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Hàn Quốc vui mừng khi Việt Nam nâng cấp việc dạy tiếng Hàn