Sau vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra ở Paris (Pháp), ngày 13.11, Trung Quốc kêu gọi chống khủng bố ở Tân Cương, vận động sự hỗ trợ của quốc tế.

Bạo lực ở Tân Cương: Ai là nạn nhân của khủng bố?

Một Thế Giới | 17/11/2015, 12:34

Sau vụ khủng bố kinh hoàng xảy ra ở Paris (Pháp), ngày 13.11, Trung Quốc kêu gọi chống khủng bố ở Tân Cương, vận động sự hỗ trợ của quốc tế.

Trong ba năm qua, tình trạng bất ổn ở Tân Cương, quê hương của người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đã khiến cho hàng trăm người thiệt mạng.
Bắc Kinh đã quy tội cho nhóm Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM), tổ chức có liên hệ mật thiết với Al-Qaeda và muốn thành lập nhà nước Đông Turkestan độc lập, đã dẫn đầu các cuộc bạo động ở khu vực này.
Gần đây, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng liên tục đưa tin về các trường hợp người Duy Ngô Nhĩ chạy sang Syria và Iraq để gia nhập quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác.
Về vấn đề này, tại Hội nghị G20 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15.11 vừa qua, Trung Quốc đã kêu gọi chống khủng bố ở Tân Cương. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần cùng nhau đoàn kết tạo thành “một mặt trận chống khủng bố” sau khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng ở Paris, Tân Hoa Xã ngày 16.11 đưa tin.
“Vai trò của Liên Hiệp Quốc cần được phát huy đầy đủ trong cuộc chiến chống khủng bố, và một mặt trận thống nhất cần được hình thành”, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu.
Ngoài ra, ông nói: “Trung Quốc cũng là một nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố, và việc tiêu diệt Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan ở khu tự trị Tân Cương cũng nên được xem là một nhiệm vụ quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra nghi ngờ về sự tồn tại của tổ chức này, hay liệu nó có thực sự nguy hiểm như chính quyền Bắc Kinh đã mô tả hay không vì nước này cung cấp rất ít bằng chứng chứng minh sự tồn tại của tổ chức Hồi giáo này.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên đang ở Bắc Kinh nói rằng, Trung Quốc đang lợi dụng vụ tấn công ở Paris để tranh thủ sự ủng hộ của phương Tây trong việc giải quyết bạo động ở Tân Cương cũng như đưa ETIM vào danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hiệp Quốc và Mỹ.
Cần phải liên kết lại
Trong bài viết đăng trên China Daily, chuyên gia nghiên cứu khủng bố Lý Vĩ thuộc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế đương đại, một tổ chức được tài trợ bởi Bộ an ninh Quốc gia Trung Quốc, đánh giá việc nước này cần hợp tác với các nước phương Tây để chống khủng bố là “rất cấp bách”.
“Trung Quốc cũng giống như Pháp, đang phải đối mặt với những mối đe dọa đến từ IS, do đó phải chuẩn bị để đối phó với những vụ khủng bố tương tự như vụ tấn công ở Paris”, chuyên gia Lý cho biết.
Tuy nhiên, theo các nhóm nhân quyền và những người lưu vong thì tình trạng bạo lực ngày càng lan rộng ở Tân Cương là do sự đàn áp về văn hóa và tôn giáo, vi phạm quyền con người quá mức của chính quyền trung ương Bắc Kinh đối với khu vực này chứ không phải do tổ chức ETIM nào cả. Phía chính quyền mạnh mẽ phủ nhận việc đàn áp này.
Theo ông Nicholas Bequelin, Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Đông Á, Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của phương Tây để giải quyết vấn đề Tân Cương.
“Không ai muốn hợp tác với một quốc gia đàn áp tôn giáo cả”, ông Bequelin cho biết.
Vào ngày 16.11, Thời báo Hoàn cầu đã đăng một bài xã luận chỉ trích “thói đạo đức giả” của các nước phương Tây, theo đó các nước này chỉ tập trung vào thực hiện các cuộc tấn công khủng bố của riêng mình nhưng từ chối hợp tác, ủng hộ Trung Quốc giải quyết các vấn đề tương tự”.
Bài xã luận còn viết: “Khách quan mà nói, phương Tây đang phải đối mặt với sự mạnh lên của chủ nghĩa khủng bố. Về lâu dài thì việc tăng cường hợp tác chống khủng bố với Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích cho các nước phương Tây”.
Phát biểu tại Hội nghị G20 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các nước không nên áp dụng “tiêu chuẩn kép” (cùng một sự việc nhưng người cho là đúng, người bảo là sai) để xem xét chủ nghĩa khủng bố.
Ngoài ra, ông Tập cũng tỏ ý không hài lòng khi phương Tây không hề tỏ thái độ lên án các cuộc bạo động ở Tân Cương.
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, ETIM đã lên tiếng nhận trách nhiệm về ba vụ tấn công gần đây, trong đó có một vụ tai nạn xe làm chết 5 người ở Quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh).
Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố tổ chức ETIM đã trở thành một mối đe dọa khủng bố quốc tế nhưng ông không hề đưa ra giải thích chi tiết.
Hiện tại vẫn chưa có thông tin nào về mối liên hệ giữa những người Duy Ngô Nhĩ trốn khỏi Trung Quốc bị bắt ở châu Âu với các tổ chức khủng bố như IS.
Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bạo lực ở Tân Cương: Ai là nạn nhân của khủng bố?