Các chuyên gia y tế nói với CNBC rằng nhân khẩu học, hành vi xã hội và khả năng kiểm tra thấp hơn là một số lý do khiến Ý và Tây Ban Nha có số ca tử vong do coronavirus cao nhất trên thế giới.

Báo Mỹ phân tích vì sao Ý và TBN nhiều ca tử vong vì COVID-19 hơn Trung Quốc

28/03/2020, 07:48

Các chuyên gia y tế nói với CNBC rằng nhân khẩu học, hành vi xã hội và khả năng kiểm tra thấp hơn là một số lý do khiến Ý và Tây Ban Nha có số ca tử vong do coronavirus cao nhất trên thế giới.

Milan - kinh đô thời trang

Ý đã ghi nhận số ca tử vong nhiều gấp ba so với Trung Quốc, nơi vi-rút này xuất hiện lần đầu vào cuối năm 2019. Tính đến hôm nay, theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, đã có 9.134 trường hợp tử vong ở Ý so với 3.295 số người chết vì coronavirus ở Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh của Ý cũng vừa chính thức vượt qua Trung Quốc vào hôm nay: 86.498 so với 81.394

Đồng thời, số người chết ở Tây Ban Nha đã tăng mạnh trong những ngày gần đây và hiện tại đang ở mức 5.138 - cao gấp rưỡi so với Trung Quốc. Số ca của Tây Ban Nha cũng đang tăng mạnh và hiện đang ghi nhận ở con số 65.719, hứa hẹn sẽ vượt Trung Quốc trong ít ngày tới. Những con số đáng lo ngại đã đặt ra câu hỏi vì sao 2 nước châu Âu này số ca tử vong cao.hơn Trung Quốc. Hai chuyên gia y tế nói với CNBC có một số lý do.

Phản ứng chậm chạp

Alexander Edwards, một chuyên gia về dịch tễ học của Đại học Reading khi đề cập về tình hình ở Ý đã chua chát nói: "Có rất nhiều ca lây lan trước khi người ta kịp nhận ra vi-rút đã xuất hiện".

Ông Edwards giải thích rằng ở hầu hết các nước châu Âu, người ta cho rằng dịch bùng phát là một vấn đề ở nơi khác. Chính thái độ ban đầu này đã dẫn đến coronavirus lây lan nhanh chóng ở những nơi như Ý và Tây Ban Nha.

Khu vực Vũ Hán của Trung Quốc, nơi vi-rút xuất hiện đầu tiên, đã thực hiện phong tỏa kể từ giữa tháng 1. Và giờ, trong một số ngày gần đây, Vũ Hán đã không có trường hợp lây nhiễm mới nào được báo cáo và thành phố này chuẩn bị dỡ bỏ lệnh phong tỏa.

Vào thời điểm tháng 1, quyết định bắt 11 triệu người phải ở trong nhà dường như quá quyết liệt với nhiều người và không có gì đảm bảo chắc chắn thành công. Nhưng nhìn nhận lại, việc phong tỏa một cách sắt đá dường như đã có tác động tích cực

Vào cuối tháng 2, Ý cũng đã thực hiện các biện pháp phong tỏa đầu tiên tại 11 thành phố ở phía bắc của đất nước. Nhưng mãi ngày 9.3, Ý mới phong tỏa toàn quốc, và dường như Ý đã chậm một nhịp, ông Edwards nói với CNBC. Tây Ban Nha phản ứng còn chậm hơn.

Năng lực xét nghiệm

Michael Tildesley, một nhà dịch tễ học tại Đại học Warwick, nói với CNBC hôm thứ Năm qua điện thoại rằng: Tỷ lệ tử vong cũng liên quan đến số lượng người được xét nghiệm vi-rút. Về cơ bản, càng nhiều người được xét nghiệm, cơ quan chức năng càng có thể phản ứng tốt hơn.

Kết quả là ở những nơi mà nhiều người đang được xét nghiệm một cách nhanh chóng, chẳng hạn như Trung Quốc, thì số người chết không cao như những người được ghi nhận ở Ý và Tây Ban Nha. Hai nước này cũng như phần đông châu Âu chỉ xét nghiệm với những công dân có triệu chứng nhiễm coronavirus.

Edwards nói thêm rằng ở Trung Quốc, những người nhiễm vi-rút được xác định nhanh chóng và bị cách ly trong hệ thống y tế, thay vì ở nhà. Đó là khác biệt đáng kể so với Ý nói riêng và châu Âu nói chung.

Dân cư và lối sống

Edwards giải thích rằng nhóm người đầu tiên bị vi-rút tấn công ở Ý là người già nên tỷ lệ tử vong cao. Dữ liệu dân cư cho thấy Ý có dân số cao tuổi thứ hai trên thế giới, sau Nhật Bản. Những người trên 60 tuổi được cho là có nguy cơ cao khi mắc các triệu chứng nghiêm trọng từ vi-rút.

Mật độ dân cư cũng góp phần lây lan nhanh. Ý là một quốc gia đông dân, với mật độ trung bình 533 người trên mỗi dặm vuông. So sánh, Đức có mật độ dân số là 235 người trên mỗi dặm vuông trong khi Mỹ có 94 người. Không những vậy, 2/3 người Ý sống ở khu vực thành thị với mật độ thậm chí còn dày đặc hơn. Rome có 5.800 người trên mỗi dặm vuông và Milan là hơn 19.000 người trên mỗi dặm vuông. Đó là mật độ gần gấp đôi so với Berlin hay Washington, D.C.

Ngoài ra là vấn đề văn hoá. Chủ nhật hằng tuần, những người Ý trẻ tuổi đi thăm ông bà, ôm hôn họ, rồi họ đến nhà thờ hoặc dùng bữa cùng nhau. Truyền thống tiếp xúc với người già này đã giúp lan truyền vi-rút trên khắp nước Ý.

Vùng Lombardy, tâm dịch của Ý có “quan hệ” phức tạp với thế giới. Milan là trung tâm tài chính quốc gia và có mối liên hệ chặt chẽ về thương mại và giáo dục với Trung Quốc. Khu vực miền bắc Italy là nơi đặt văn phòng cho nhiều tập đoàn đa quốc gia. Người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để tham dự các cuộc hội họp, triển lãm, tham dự các lễ hội... Một người bị nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho nhiều người khác rồi nhanh chóng lan ra khắp cả nước.

Tây Ban Nha cũng đang gặp khó khăn như của Ý trước COVID-19. Dữ liệu từ chính phủ Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng các nhóm tuổi có số lượng ca mắc nhiều nhất là: 50-59; 70-79 và trên 80. Ngoài ra, Tây Ban Nha có một nền văn hóa gia đình tương tự như Ý, mà theo các chuyên gia cho thấy rằng sự tiếp xúc giữa thanh niên và người già đã góp phần làm cho số người chết cao hơn.

Trung Quốc thì không có văn hóa kiểu châu Âu. Michael Tildesley cho biết thêm rằng người Trung Quốc quen nghe lệnh từ chính quyền nên việc thực hiện các biện pháp cách ly được tuân thủ nghiêm ngặt hơn so với châu Âu.

Cuối cùng, có một số ý kiến ​​cho rằng sự khác biệt trong các loại thuốc được sử dụng ở châu Âu, so với Trung Quốc, có thể có tác động đến tỷ lệ tử vong do coronavirus. Tuy nhiên, ông Edwards từ Đại học Reading, cho biết thật khó để nói liệu thuốc Đông y có hiệu quả đặc biệt hơn so với thuốc Tây y trong trường hợp này hay không.

Anh Tú

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ phân tích vì sao Ý và TBN nhiều ca tử vong vì COVID-19 hơn Trung Quốc