Báo Politico của Mỹ đã có bài bình luận phản đối việc quốc hội nước này thúc đẩy dự luật coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” để bổ sung các biện pháp trừng phạt lên Moscow.

Báo Mỹ: Washington không nên ‘sa đà’ vào các biện pháp trừng phạt Nga

Hoàng Vũ | 05/10/2022, 18:55

Báo Politico của Mỹ đã có bài bình luận phản đối việc quốc hội nước này thúc đẩy dự luật coi Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” để bổ sung các biện pháp trừng phạt lên Moscow.

Khi cuộc chiến tại Ukraine chưa có hồi kết, áp lực ngày càng gia tăng đối với chính quyền của Tổng thống Joe Biden trong việc chỉ định Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” - một động thái sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, đây là “hành động sai lầm” vào thời điểm này.

Trước đó, Moscow cảnh báo quan hệ Nga - Mỹ sẽ thêm rạn nứt nếu Washington thông qua dự luật xem Nga là quốc gia tài trợ khủng bố. Khi được hỏi có nên xem Nga là nước tài trợ khủng bố hay không, Tổng thống Biden đã nói ngắn gọn với các phóng viên ở Nhà Trắng hồi tháng trước là: “Không”.

Dù ông chủ Nhà Trắng đã công khai chống lại việc thực hiện bước đi này. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ, với sự chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao bao gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đang tiếp tục thúc đẩy với các dự luật ở cả Hạ viện và Thượng viện nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là chỉ định Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” về mặt lập pháp. Song, các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ cản trở các nỗ lực hòa bình trong tương lai và thậm chí có thể phản tác dụng.

Thứ nhất, việc chỉ định Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” là một công cụ “quá cùn” để sử dụng với Moscow, một quốc gia mà Mỹ vẫn phải làm việc trên trường toàn cầu. Những xích mích mà Mỹ có với Nga hiện vẫn chưa đủ “nóng” và cũng không bên nào muốn gia tăng thêm căng thẳng. Quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga vẫn tồn tại và chúng vẫn là yếu tố cần thiết cho việc quản lý khủng hoảng toàn cầu.

Tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn đa phương khác, Mỹ và Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác cùng nhau để duy trì hàng chục sứ mệnh hòa bình của Liên Hợp Quốc, viện trợ xuyên biên giới cho Syria, đàm phán hòa bình trong các cuộc xung đột như Libya và Yemen và vô số các dự án khác.

Thứ hai, các nhà lập pháp Mỹ nên xem xét các tác động đối với cuộc chiến ở Ukraine. Trong khi các cuộc đàm phán có vẻ khó được hình dung sau các hành động leo thang, việc giữ gìn không gian để các bên quay lại bàn đàm phán và thảo luận một thỏa thuận mà Kyiv có thể tồn tại vẫn phải là mục tiêu hàng đầu.

Do đó việc chỉ định Nga là nước tài trợ khủng bố sẽ khiến điều đó trở nên khó khăn hơn. Nga chắc chắn sẽ muốn các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ trước khi đồng ý với bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai.

Ở góc độ pháp lý, việc chỉ định này sẽ hạn chế quyền miễn trừ có chủ quyền của Nga tại các tòa án Mỹ và mở ra các vụ kiện do các nguyên đơn của Mỹ đưa ra. Các vụ kiện có thể kéo dài nhiều năm và rất phức tạp, góp phần tạo ra rào cản cho các cuộc đàm phán.

Thứ ba, các dự luật của Quốc hội Mỹ sẽ làm lu mờ ý nghĩa của thuật ngữ “khủng bố”. Việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine không phải là hành động khủng bố. Các nhà lập pháp Mỹ phải phân biệt rõ khái niệm “khủng bố”, vốn thường được định nghĩa là bạo lực chính trị do các tổ chức phi nhà nước thực hiện. Khái niệm này có thể gây tranh cãi vì nó thường được sử dụng bởi cơ quan nhà nước (và cá nhân được nhà nước hỗ trợ) để làm giảm tính chính danh của các đối thủ, và có khả năng hợp pháp hóa việc sử dụng lực lượng vũ trang riêng của nhà nước để chống lại đối thủ (chính các lực lượng này có thể được đối thủ của nhà nước trên mô tả như là “khủng bố”).

Thứ tư, đối với hàng triệu thường dân có cuộc sống bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, cả ở Ukraine và những người bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế trên toàn thế giới, động thái này có thể khiến cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn. Các thỏa thuận giảm thiểu chi phí nhân đạo của chiến tranh, như thỏa thuận ngũ cốc do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, sẽ khó đạt được nếu các doanh nghiệp và tổ chức viện trợ lo ngại rằng việc tạo điều kiện giao hàng hóa có nguồn gốc từ Nga sẽ khiến họ gặp rủi ro về mặt pháp lý hoặc uy tín.

Mặc dù khó có thể lường trước được những chấn động kinh tế có thể xảy ra từ việc chỉ định này, vì nền kinh tế của Nga lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác được Mỹ chỉ định trước đây như Cuba, Triều Tiên hay Iran, song điều này chắc chắn sẽ làm tồi tệ thêm tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở Trung Đông cùng Bắc và cận Sahara của châu Phi.

Cuối cùng, đối với tất cả những rủi ro và chi phí mà việc chỉ định sẽ gây ra, khả năng nó sẽ thành công trong việc thay đổi đáng kể đường lối của Nga là cực kỳ thấp. Các biện pháp trừng phạt tăng cường, các cuộc điều tra và sự lên án của quốc tế đối với Nga cho đến nay vẫn chưa khiến Moscow “nản lòng”.

Cho đến nay, phản ứng của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là đáng chú ý vì đa phần đều mạnh mẽ và thận trọng. Quốc hội nước này do đó không nên đẩy nó đi chệch hướng với một chỉ định có nhiều rủi ro. Con đường hứa hẹn nhất về phía trước là Mỹ đi theo lộ trình hiện tại: hỗ trợ Ukraine bằng vũ khí và tiền, đồng thời tăng cường các nỗ lực trách nhiệm giải trình toàn cầu.

Bài liên quan
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng Tổng thống Nga Putin
Nhân dịp ông Vladimir Putin được bầu lại làm Tổng thống Liên bang Nga, thay mặt Đảng, Nhà nước Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có thư chúc mừng Tổng thống Vladimir Putin.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại thiếu điện
một giờ trước Thị trường và chính sách
Các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo Mỹ: Washington không nên ‘sa đà’ vào các biện pháp trừng phạt Nga