Đi dọc QL1A hướng từ TPHCM đi Long An, vừa qua khu vực cầu Bên Lức, không khó để nhận thấy mỗi ngã tư đều có từ 6-7 đứa trẻ ăn xin. Theo người dân trong khu vục, thực trạng này đã 2 năm nay, nhưng không thấy ai xứ lý.
Cứ sau 3-4 giờ xin tiền hay "thu nhập khá”, một người phụ nữ sẽ ngay lập tức tiến lại, thu gom. Nhóm người lớn này cũng nhận trách nhiệm mua cơm trưa và đem đến cho những đứa bé kia. Nhẩm tính, chỉ trong vòng một ngày, những đối tượng chăn dắt có thể thu về ít nhất 3 - 4 triệu đồng tại khu vực ngã tư nói trên. Trong khi hơn 10 đứa trẻ (có đứa chỉ khoảng 1 tuổi) phải đứng phơi nắng, mưa từ sáng đến tận chiều tối. Tiếp xúc với phóng viên, những đứa trẻ trên chỉ có thể bập bẹ nói vài chữ bằng tiếng Việt. Qua tìm hiểu, những đứa bé này do các đối tượng chăn dắt mang từ bên kia biên giới sang để hành nghề.
Ảnh minh họa |
Còn theo Công an Nhân dân, tình trạng này cũng từng khá phổ biến tại TP.HCM. Nguồn tin cho biết thêm không phải bất cứ người ăn xin ngoại quốc nào cũng "ngồi im lặng" đợi lòng từ tâm của khách qua đường mà "nghề dạy nghề", có kẻ cũng chiêu trò ghê gớm lắm. Trước đây, Công an phường 2, quận Tân Bình, TP HCM đã tạm giữ một người đàn ông nước ngoài tên Poi, 52 tuổi, sử dụng trẻ em để xin tiền.
Hồi giáp tết âm lịch, Công an phường 2, quận Tân Bình (TP.HCM) đã tiến hành kiểm tra Poi khi ông ta bế một bé trai 1 tuổi trên tay, đứng ăn xin ngay trước nhà số 10 đường Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình. Lúc được mời về trụ sở Công an để xác minh, lợi dụng sự bất đồng ngôn ngữ, Poi liên tục có các hành vi phản kháng.
Tại trụ sở Công an phường, Poi khai do ở quênghèo quá nên đã ẵm "con trai" sang Việt Nam ăn xin, nhưng ông ta lại không hề có bất cứ một giấy tờ gì chứng minh đứa bé là con ông ta. Công an phường 2 đã phải tiến hành bàn giao Poi và đứa bé cho Trung tâm Bảo trợ xã hội TP HCM để làm thủ tục trả về nước bạn. Theo một cán bộ ở Trung tâm, Poi là đối tượng chuyên đi lang thang, xin tiền người đi đường ở khu vực quận Tân Bình, từng bị đưa vào Trung tâm vài lần.
Điều lạ lùng là những người ăn xin ấy, họ chỉ ăn xin ở Việt Nam còn khi về lại quê hương bản quán, họ đi làm mướn hoặc buôn bán lặt vặt. Chị Bopha, một người ăn xin như vậy, nói: "Prey Veng (quê của Bopha) nghèo, xin ai cho! Nhiều người dắt nhau ra bến phà Neak Loeung xin nhưng bị Cảnh sát chỗ tôi bắt, phạt rất nặng" trong lúc ở Việt Nam, họ chỉ bị thu gom rồi trao trả về quê cũ. Nếu vẫn còn đang "trong mùa" làm ăn, về vài bữa họ lại lén qua, xin tiếp bởi lẽ việc qua lại biên giới sang Việt Nam bằng các lối mòn là việc khá dễ dàng.