Khi các ca bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng ở Mỹ, quan chức y tế hàng đầu đang nhấn mạnh rằng sự bùng phát cần được xử lý một cách nghiêm khắc hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát và lan ra hầu hết nước Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu lo lắng

Sơn Vân | 17/07/2022, 18:56

Khi các ca bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục gia tăng ở Mỹ, quan chức y tế hàng đầu đang nhấn mạnh rằng sự bùng phát cần được xử lý một cách nghiêm khắc hơn.

"Đây là điều mà chúng tôi chắc chắn cần phải xem xét nghiêm túc. Chúng tôi chưa biết phạm vi và tiềm năng của nó, nhưng chúng tôi phải hành động như thể nó sẽ có khả năng lan truyền rộng rãi hơn nhiều so với hiện tại", tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ và là cố vấn y tế chính của Tổng thống Joe Biden, nói với CNN hôm 16.7.

Bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện ở hầu hết nước Mỹ, ngoại trừ vài bang, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). Các bang có nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ nhất bao gồm New York, California, Illinois và Florida.

Dữ liệu mới nhất cho thấy CDC đã theo dõi ít ​​nhất 1.470 trường hợp có thể hoặc được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ, tính đến ngày 15.7.

Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nói với CNN rằng con số đó "rất có thể được ghi nhận quá thấp".

"Bất cứ khi nào có sự xuất hiện của một cái gì đó như thế này, bạn nên luôn xem xét những gì có thể là phần nổi của tảng băng trôi (hay có thể chúng ta chưa biết), nên đó là lý do tại sao chúng ta phải xét nghiệm ngoài kia theo một cách mạnh mẽ hơn nhiều”, ông Anthony Fauci nói.

Đậu mùa khỉ là một loại vi rút gây bệnh đậu mùa, liên quan đến bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa bò. CDC giải thích rằng vi rút đậu mùa khỉ thường gây ra mụn nhọt hoặc tổn thương dạng phồng rộp và các triệu chứng giống cúm như sốt.

Các tổn thương trước đây thường tập trung ở tay và chân, nhưng trong đợt bùng phát bệnh mới nhất, chúng xuất hiện thường xuyên hơn trên vùng sinh dục và quanh hậu môn. Điều này đã làm dấy lên một số lo ngại rằng các tổn thương đậu mùa khỉ có thể bị nhầm lẫn với bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Vi rút lây lan qua tiếp xúc gần gũi, bao gồm tiếp xúc vật lý trực tiếp với tổn thương da cũng như dịch tiết đường hô hấp thông qua tương tác mặt đối mặt. Chạm vào các đồ vật bị ô nhiễm bởi các tổn thương hoặc chất dịch đậu mùa khỉ cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Dù đậu khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng các ca bệnh trong đợt dịch gần đây chủ yếu lây lan ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.

benh-dau-mua-khi-bung-phat-va-lan-ra-hau-het-bang-my-chuyen-gia-dich-te-hang-dau-lo-lang.jpg
Một người được tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ tại ở thành phố New York, Mỹ ngày 15.7 - Ảnh: Reuters

Hôm 16.7, tiến sĩ Anthony Fauci cho biết sẽ có nhiều xét nghiệm hơn nữa với năm phòng thí nghiệm thương mại và ông dự kiến ​​sẽ có tới 700.000 liều vắc xin đậu mùa được phân phối cho cộng đồng vào cuối tháng 7.

"Vì bạn muốn bảo vệ những người đang gặp rủi ro, không chỉ những người có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân mà họ biết, mà cả những người trên thực tế là họ đang ở trong tình huống rủi ro, mà họ cần tiêm vắc xin”, ông lưu ý.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, nước này đã tăng hơn ba lần liều vắc xin đậu mùa kể từ tuần trước. Song, nguồn cung đó vẫn thiếu so với những gì cần thiết để giúp kiểm soát sự lây lan bệnh.

Mỹ đặt hàng thêm 2,5 triệu liều vắc xin đậu mùa khỉ của Bavarian Nordic

Chính phủ Mỹ đã đặt hàng thêm 2,5 triệu liều vắc xin của hãng dược Bavarian Nordic (Đan Mạch) để sử dụng chống lại bệnh đậu mùa khỉ và dự kiến ​​sẽ có nhiều hơn nữa vào cuối tháng này để ngăn sự bùng phát dịch bệnh.

Các quan chức y tế dự đoán số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ gia tăng trong những tuần tới một phần do việc tăng cường báo cáo về căn bệnh này và xét nghiệm nhiều hơn, Giám đốc CDC - Rochelle Walensky nói trong một cuộc họp báo.

Không có ca bệnh đậu mùa khỉ nào được báo cáo ở trẻ vị thành niên trong nước kể từ khi xét nghiệm được mở rộng sang các phòng thí nghiệm thương mại vào tuần trước, bà nói.

Mỹ đã phân phối khoảng 156.000 liều vắc xin đậu mùa khỉ trên toàn quốc, trong đó có hơn 100.000 liều trong tuần qua. Tuy nhiên, Giám đốc CDC cảnh báo rằng nhu cầu về vắc xin cao hơn so với nguồn cung hiện có.

"Chúng tôi đang tích cực làm việc để tăng nguồn cung, cập nhật chiến lược của mình để đảm bảo rằng chúng tôi đang sử dụng nguồn cung hiện tại một cách hiệu quả", bà Rochelle Walensky nói.

Mỹ đã đặt hàng 500.000 liều vắc xin của Bavarian Nordic hồi tháng 6, tiếp theo là 2,5 triệu liều khác vào đầu tháng 7.

Ngoài ra, quốc gia này đang làm việc với Bavarian Nordic để nhận 786.000 liều vắc xin khác đang được đặt tại một cơ sở ở Đan Mạch.

Rochelle Walensky nói: “Chúng tôi đang bắt đầu quá trình định vị trước những liều vắc xin đó ở Mỹ, nhưng chúng sẽ có sẵn trong khi chờ giấy phép của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) dự kiến ​​vào cuối tháng 7”.

WHO sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp lần thứ hai về bệnh đậu mùa khỉ

Hôm 12.7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp thứ hai vào tuần tới để quyết định xem bệnh đậu mùa khỉ có gây ra mối đe dọa sức khỏe toàn cầu hay không khi các ca bệnh tăng lên 9.200.

Tháng trước, cơ quan Liên Hợp Quốc đã từ chối tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu để đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Thế nhưng, do tình trạng nhiễm bệnh đã gia tăng đáng kể trong vài tuần qua, WHO dự kiến ​​sẽ cân nhắc xem có nên đưa ra cảnh báo cao nhất khi ủy ban khẩn cấp được triệu tập lại vào tuần tới hay không.

Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến: “Ủy ban khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ sẽ họp lại vào tuần tới và xem xét các xu hướng, mức độ hiệu quả của các biện pháp đối phó và đưa ra các khuyến nghị  cho các quốc gia và cộng đồng đang đối mặt với dịch bệnh bùng phát".

WHO không cho biết ngày nào ủy ban sẽ họp trong phiên họp khẩn cấp.

Hôm 12.7, WHO nói khoảng 9.200 trường hợp mắc bệnh đậu mùa ở khỉ đã được báo cáo trên 63 quốc gia trong năm nay, tăng từ hơn 6.000 trường hợp vào ngày 4.7. Ba trường hợp tử vong do đậu mùa khỉ đã được ghi nhận trong năm nay.

Theo CDC, hầu hết bệnh nhân đậu mùa khỉ trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất đang hồi phục trong vòng 2-4 tuần. Thế nhưng, vi rút gây ra phát ban đau đớn và có thể lan ra khắp cơ thể. Những người đã nhiễm vi rút cho biết phát ban, trông giống như mụn nhọt hoặc mụn nước, có thể rất đau.

Lần cuối cùng WHO ban hành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu là vào tháng 1.2020 để đối phó với đợt bùng phát COVID-19 và tháng 3.2022, tuyên bố đây là một đại dịch. Không có quy trình chính thức nào để WHO tuyên bố đại dịch theo các quy định khẩn cấp của tổ chức này, có nghĩa là thuật ngữ này được định nghĩa một cách lỏng lẻo. Năm 2020, WHO tuyên bố COVID-19 là một đại dịch trong nỗ lực cảnh báo các chính phủ tự mãn về "mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng đáng báo động" của vi rút SARS-CoV-2.

Trái ngược với COVID-19, bệnh đậu khỉ không phải là một loại vi rút mới. Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện bệnh đậu mùa khỉ vào năm 1958 trên những con khỉ nuôi nhốt dùng để nghiên cứu và xác nhận trường hợp đầu tiên người bị nhiễm vi rút này vào năm 1970 tại Zaire, nay được gọi là Cộng hòa Dân chủ Congo.

Bệnh đậu mùa khỉ thuộc cùng họ vi rút với bệnh đậu mùa nhưng gây ra triệu chứng nhẹ hơn. WHO và các cơ quan y tế quốc gia có nhiều thập kỷ kinh nghiệm chống lại bệnh đậu mùa, bệnh đã được tuyên bố là đã xóa sổ vào năm 1980. Cuộc chiến chống lại bệnh đậu mùa thành công có thể cung cấp cho các quan chức y tế những kiến ​​thức quan trọng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ.

Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là rất bất thường vì đang lan rộng ở các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu, nơi thường không tìm thấy vi rút này. Châu Âu là tâm chấn toàn cầu của đợt bùng phát, báo cáo hơn 80% ca bệnh được xác nhận trên toàn thế giới vào năm 2022.

Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở mức độ thấp ở các vùng xa xôi của Tây và Trung Phi, nơi các loài gặm nhấm và các động vật khác mang vi rút. Sự lây truyền giữa người với người là tương đối hiếm trước đây, với vi rút thường nhảy từ động vật sang người. WHO cho biết cộng đồng quốc tế đã không đầu tư đủ nguồn lực để chống lại bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi trước khi dịch bệnh bùng phát như hiện nay.

Bài liên quan
Bệnh đậu mùa khỉ liệu có thể trở thành đại dịch?
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo nguy cơ đậu mùa khỉ bùng phát ở các quốc gia từng không lưu hành vi rút này là có thật.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
7 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát và lan ra hầu hết nước Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu lo lắng