Ngày 26.11, theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa đã có trường hợp tử vong thứ 4 liên quan đến sự cố tiêm vắc xin COVID-19 tại Thanh Hóa.
Sở Y tế Thanh Hóa cho biết vừa có thêm 1 nữ công nhân của Công ty TNHH giày Kim Việt ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19. Đây là ca tử vong thứ 4 do tiêm vắc xin ở huyện Nông Cống. Nữ công nhân này quê ở thị trấn huyện Nông Cống, được điều trị ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa từ ngày 23.11, sau khi bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Vero Cell mũi 2 phòng COVID-19. Nạn nhân là một trong số 9 công nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh nhân này đã được tiên lượng nguy kịch từ trước.
Số bệnh nhân còn lại vẫn đang được điều trị ở bệnh viện tỉnh hiện sức khỏe đã ổn định, gần 60 người khác có biểu hiện nhẹ đang theo dõi tại Bệnh viện đa khoa huyện Nông Cống, chờ xuất viện.
Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa đã có kết luận nguyên nhân gây tai biến sau khi các công nhân này tiêm phòng vắc xin COVID-19 tại đây. Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá vụ việc 4 trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin COVID-19 là bị sốc phản vệ sau khi tiêm.
Hội đồng đã thống nhất và kết luận toàn bộ quy trình cấp phát, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin phòng COVID-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống và điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Công ty TNHH giày Kim Việt được thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế và Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Ngày 23.11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ 2 vắc xin VeroCell cho người lao động tại Công ty TNHH giày Kim Việt. Công tác tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm... được thực hiện theo quy định, chưa phát hiện sai sót chuyên môn trong tổ chức tiêm chủng, khám sàng lọc, tiêm vắc xin, theo dõi sức khỏe sau tiêm vắc xin.
Trong quá trình tổ chức tiêm chủng đã có 10 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm vắc xin. Toàn bộ các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm nêu trên đều được phát hiện trong thời gian theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm tại điểm tiêm chủng.
Các trường hợp này được xử trí cấp cứu, điều trị theo phương án xử trí và theo phác đồ quy định tại Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Hội đồng tư vấn chuyên môn cũng đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ trực tiếp chuyên môn, kỹ thuật cho tỉnh Thanh Hóa về xử trí các trường hợp phản vệ sau tiêm vắc xin và trong quá trình tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng tư vấn chuyên môn cũng đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa quyết định tạm thời dừng việc tiêm chủng vắc xin VeroCell lô B2021103398 trên phạm vi toàn tỉnh trong khi chờ Bộ Y tế quyết định việc xử trí đối với số vắc xin này. Mẫu vắc xin VeroCell lô B2021103398 cũng sẽ được gửi ra Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm để kiểm định theo quy định.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Văn Chi (Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho hay, khi đội chi viện vào Thanh Hóa đã phối hợp cùng ngành y tế tỉnh cứu chữa các bệnh nhân, 6 người nặng đã có thể ổn định trong vài ngày nữa. Theo bác sĩ Chi, những người điều trị ở bệnh viện tỉnh thuộc nhóm phản ứng nghiêm trọng và sẽ gặp phải tình trạng viêm cơ tiêm, giảm tiểu cầu. Số bệnh nhận được điều trị ở Nông Cống chủ yếu gặp phản ứng thông thường.