Chính phủ Campuchia tỏ dấu hiệu sẵn sàng ngừng hợp tác với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNOHCHR) sau khi bị một số nước chỉ trích về tình hình chính trị nước này.
Ông Ney Sam Ol, Đại sứ Campuchia tại LHQ ngày14.9 đã nói rằng chính phủ Campuchia có thể ngừng hợp tác với UNOHCHR để xây dựng bản ghi nhớ giữa nước này với UNOHCHR, theo Cambodia Daily.
Phản ứng của ông Sam Ol được đưa ra là để đáp lại tuyên bố chung của 36 nước bao gồm Mỹ và các thành viên EU, đưa ra trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) vừa qua.
“Dĩ nhiên, chúng tôi muốn có một cuộc đối thoại cởi mở với tất cả các đối tác nhưng đối thoại phải dựa trên tôn trọng lẫn nhau”, ông Sam Ol nói trong phiên họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva hôm 14.9. "Chúng tôi đang đàm phán để xây dựng bản ghi nhớ với UNOHCHR, nhưng chúng tôi không hoan nghênh những can thiệp từ bên ngoài vào tình hình chính trị của chúng tôi".
Ông Sam Ol cũng cho biết sự quan tâm thái quá đến tình hình nhân quyền của Campuchia của nhiều nước là không có cơ sở.
"Một số đảng phái chính trị và các tổ chức khác, chỉ đơn thuần là vì lợi ích chính trị của họ, ngang nhiên thực hiện các hành động kích động và làm to chuyện bằng cách tạo ra bất ổn ở Campuchia", ông Sam Ol nói. "Các đảng chính trị hoặc tổ chức khác không nên trốn tránh dưới cái ô Nhân quyền để tống tiền hoặc chiếm quyền điều khiển trật tự công cộng, yên bình và hài hòa của xã hội với những lợi ích chính trị bệnh hoạn của họ".
Nhóm 36 nước kêu gọi Campuchia thả tự do, không truy cứu trách nhiệm hình sự với các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền là "ngang nhiên chống lại các nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền và dân chủ", ông Sam Ol nói thêm.
Trước đó,36 nước gồm Mỹ và các nước EU đã ra tuyên bố chung chỉ trích căng thẳng chính trị tại Campuchia và những hành động của chính phủ nước này mà nhóm nước trên gọi là đàn áp tự do "ngôn luận, lập hội và hội họp".
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang căng thẳng chính trị hiện nay ở Campuchia, đe dọa hoạt động hợp pháp của các đảng đối lập và các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền", Keith Harper, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đọc tuyên bố chung. Các nước ký tuyên bố chung nói trên đềukêu gọi xuống thang căng thẳng ngay lập tức tại Campuchia.
Đại diện UNOHCHR tại Campuchia Lee Wan-hea thì cho biết bản ghi nhớ “vẫn có thể được tiếp tục” nhưng cho rằng cơ quan này có trách nhiệm thúc đẩy “sự tuân thủ tốt hơn nữa các tiêu chuẩn về nhân quyền ở Campuchia”.
“Mối quan hệ của chúng tôi với chính phủ Campuchia phải được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền quốc gia và thực hiện các quyền con người. Tôi chắc chắn rằng chính phủ Campuchia hoàn toàn hiểu tính chất công việc của chúng tôi, cả ở Campuchia cũng như toàn thế giới”, bà Wan nói.
Thiên Hà (theo Cambodia Daily)