Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa thêm Kaspersky Lab (Nga), China Telecom (Americas) Corp và China Mobile International USA (Trung Quốc) vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị liên lạc được coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.

Bị Mỹ đưa vào danh sách đen cùng China Telecom và China Mobile, Kaspersky phản ứng

Sơn Vân | 26/03/2022, 09:59

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) vừa thêm Kaspersky Lab (Nga), China Telecom (Americas) Corp và China Mobile International USA (Trung Quốc) vào danh sách các nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị liên lạc được coi là mối đe dọa với an ninh quốc gia Mỹ.

Năm ngoái, cơ quan quản lý đã đưa 5 công ty Trung Quốc (gồm cả Huawei Technologies Co và ZTE Corp) vào danh sách đen, theo luật năm 2019. Kaspersky là công ty Nga đầu tiên bị đưa vào danh sách này.

Ủy viên FCC - Brendan Carr cho biết việc chỉ định này "sẽ giúp bảo vệ mạng của chúng tôi khỏi các mối đe dọa do các thực thể được nhà nước Trung Quốc, Nga hậu thuẫn đang tìm cách tham gia vào hoạt động gián điệp, và nếu không sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ".

Các quan chức Mỹ từ lâu đã nói rằng việc chạy phần mềm Kaspersky có thể mở các mạng của Mỹ để Nga thực hiện các hoạt động tấn công xấu và cấm sản phẩm antivirus hàng đầu của Kaspersky Lab khỏi các mạng liên bang vào năm 2017.

Kaspersky Lab (có trụ sở tại thủ đô Moscow) luôn phủ nhận việc là công cụ của chính phủ Nga.

Khi nêu tên Kaspersky, thông báo của FCC không trích dẫn việc Nga tấn công Ukraine hay những cảnh báo gần đây từ Tổng thống Joe Biden về các cuộc tấn công mạng tiềm tàng của Nga nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt từ Mỹ và sự ủng hộ Ukraine.

Kaspersky Lab bày tỏ sự thất vọng về quyết định của FCC, cho rằng nó "được đưa ra trên cơ sở chính trị".

Công ty nói: “Động thái này là không có cơ sở chứng minh và là một phản ứng với môi trường địa chính trị thay vì đánh giá toàn diện về tính toàn vẹn của các sản phẩm cùng dịch vụ của Kaspersky”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết: "FCC đã lạm dụng quyền lực và tấn công ác ý các nhà khai thác viễn thông Trung Quốc một lần nữa mà không có cơ sở thực tế. Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc".

Các công ty Trung Quốc đã không đưa ra bình luận ngay lập tức.

Vào tháng 10.2021, FCC đã thu hồi giấy phép của Mỹ với China Telecom (châu Mỹ), nói rằng công ty này "chịu sự khai thác, ảnh hưởng và kiểm soát của chính phủ Trung Quốc".

FCC đã trích dẫn các quyết định trước đây để từ chối hoặc thu hồi khả năng hoạt động của các công ty viễn thông Trung Quốc tại Mỹ trong quyết định thêm họ vào danh sách mối đe dọa.

FCC cũng thu hồi giấy phép của Mỹ với China Unicom, Pacific Networks và công ty con thuộc sở hữu của nó là ComNet.

Năm 2019, FCC đã từ chối gói thầu của China Mobile để cung cấp các dịch vụ viễn thông Mỹ với lý do rủi ro an ninh quốc gia.

FCC năm ngoái cũng gọi tên Hytera Communications, Hangzhou Hikvision Digital Technology và Dahua Technology là các mối đe dọa bảo mật.

Chủ tịch FCC - Jessica Rosenworcel nói FFC đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan an ninh quốc gia Mỹ để cập nhật danh sách đen và sẽ thêm các công ty khác không an toàn.

my-dua-kaspersky-vao-danh-sach-den.jpg
Mỹ xem Kaspersky Lab là mối đe dọa với an ninh quốc gia

Trước đó, một số đối tác đã cắt đứt quan hệ với Kaspersky Lab - công ty an ninh mạng có trụ sở tại thủ đô Moscow (Nga), trong đó có CLB Eintracht Frankfurt.

Động thái này diễn ra sau khi Văn phòng Liên bang Đức về Bảo mật Thông tin (BSI) cảnh báo rằng phần mềm antivirus Kaspersky có thể bị đặc vụ chính phủ Nga lạm dụng để thực hiện các cuộc tấn công mạng, nghe lén hoặc thực hiện hành vi gián điệp, trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine.

BSI không yêu cầu rõ ràng lệnh cấm Kaspersky Lab và sản phẩm, nhưng đề nghị các công ty thay thế giải pháp an ninh mạng đang dùng bằng sản phẩm không phải của Nga.

Một nhà sản xuất CNTT của Nga có thể tự thực hiện các hoạt động tấn công mạng, bị buộc phải tấn công các hệ thống mục tiêu trái với ý muốn hoặc bị theo dõi mà họ không hề hay biết vì là nạn nhân của hoạt động không gian mạng hoặc bị lạm dụng làm công cụ cho các cuộc tấn công chống lại khách hàng của họ”, trích tuyên bố từ BSI.

BSI lưu ý rằng các công cụ antivirus có quyền truy cập root và kết nối liên tục với máy chủ của nhà sản xuất để hoạt động.

Các công ty và chính quyền có lợi ích bảo mật đặc biệt, còn những người vận hành các cơ sở hạ tầng quan trọng đặc biệt gặp rủi ro”, BSI kết luận.

Nhóm ứng phó sự cố an ninh máy tính của Ý (CSIRT) cũng đi theo hướng tương tự, đề nghị các công ty Ý đánh giá rủi ro tiềm ẩn từ việc sử dụng các giải pháp an ninh mạng do Nga sản xuất.

Đáp lại, Kaspersky nói rằng các cảnh báo này mang động cơ chính trị thay vì kỹ thuật.

Francesco Tius, người phát ngôn của Kaspersky Lab, nói với trang TechCrunch: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đảm bảo với các đối tác và khách hàng về chất lượng cùng tính toàn vẹn các sản phẩm của mình. Đồng thời chúng tôi sẽ làm việc với BSI để làm rõ về quyết định của họ và tìm các biện pháp giải quyết các mối quan tâm của họ cùng các cơ quan quản lý khác. Kaspersky là một công ty an ninh mạng toàn cầu tư nhân, không có quan hệ với Nga hoặc bất kỳ chính phủ nào khác”.

Bất chấp những lời cam đoan này, một số công ty đã cắt đứt quan hệ với Kaspersky Lab.

Eintracht Frankfurt, CLB bóng đá đến từ thành phố cùng tên đang xếp thứ 9 giải Bundesliga, đã chấm dứt hợp đồng tài trợ của Kaspersky Lab có hiệu lực từ năm 2018.

Người phát ngôn Eintracht Frankfurt thông báo: "Chúng tôi luôn nói rõ rằng chúng tôi tiếp tục hợp tác với Kaspersky dựa trên sự thật và thái độ chứ không phải quốc tịch. Với cảnh báo từ BSI, sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ của các sản phẩm và dịch vụ Kaspersky đã thay đổi đáng kể.

Chúng tôi đã thông báo với ban quản lý của Kaspersky rằng sẽ chấm dứt thỏa thuận tài trợ có hiệu lực ngay lập tức. Chúng ta có thể nhìn lại mối quan hệ hợp tác rất đáng tin cậy và thành công với Kaspersky. Đó luôn là mối quan hệ hợp tác công bằng trong gần 4 năm qua và sự hợp tác tốt với những người có liên quan. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về điều này”.

Gần đây, quan hệ tối tác Kaspersky Lab và Eintracht Frankfurt vẫn còn. Sau khi Nga tấn công Ukraine, Eintracht Frankfurt đề nghị Kaspersky Lab tránh xa mọi hành động chiến tranh.

Tuy nhiên, Kaspersky Lab không đưa ra tuyên bố rõ ràng nào chống lại cuộc tấn công Ukraine của Nga. Với thực tế là công ty có nhiều nhân viên và trụ sở lớn ở Moscow, điều đó có thể khó khăn.

Ông chủ công ty là Eugene Kaspersky đã đưa ra một tuyên bố mơ hồ: "Chúng tôi tin rằng đối thoại hòa bình là công cụ duy nhất có thể để giải quyết xung đột. Chiến tranh không tốt cho bất kỳ ai. Giống như phần còn lại của thế giới, chúng tôi bị sốc bởi những gì đang xảy ra”.

Axel Hellmann, phát ngôn viên của hội đồng quản trị Eintracht Frankfurt, ban đầu hài lòng với phát ngôn này.

Trước các câu hỏi từ báo Đức, Kaspersky Lab không đưa ra tuyên bố cần thiết mà chỉ giải thích một cách lảng tránh: "Mối quan hệ hợp tác giữa Eintracht Frankfurt và Kaspersky sẽ vẫn được duy trì".

Vào ngày 15.3, BSI đã công bố cảnh báo chính thức về phần mềm antivirus của Kaspersky Lab. Đó có lẽ là yếu tố quyết định để Eintracht Frankfurt kết thúc hợp tác với Kaspersky Lab. 

Bài liên quan
Kaspersky đặt tham vọng với smartphone không thể hack
Nga chuẩn bị trình làng smartphone được bảo vệ khỏi các mối đe dọa mạng với hệ điều hành Kaspersky. Eugene Kaspersky, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Kaspersky, đã chia sẻ chi tiết về smartphone này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
10 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bị Mỹ đưa vào danh sách đen cùng China Telecom và China Mobile, Kaspersky phản ứng