Hãy đối diện với khó khăn để tìm cách vượt qua, đó là suy nghĩ thường trực của Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải khi trả lời phỏng vấn báo Một Thế Giới.

Bí thư Bắc Giang Bùi Văn Hải: Hãy đúc rút bài học từ chính cuộc sống

Trần Lê Sơn | 28/01/2019, 22:00

Hãy đối diện với khó khăn để tìm cách vượt qua, đó là suy nghĩ thường trực của Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, ông Bùi Văn Hải khi trả lời phỏng vấn báo Một Thế Giới.

Cán bộ cần có khát vọng

-Thưa ông, một trong những nội dung cốt lõi của công tác Đảng là công tác cán bộ, là người đứng đầu Tỉnh uỷ, ông quan niệm thế nào về vấn đề chọn lựa nhân sự?

Lựa chọn nhân sự là một công việc không đơn giảnvì có rất nhiều yếu tố để đánh giá, nhưng để khái quát lại thì cá nhân tôi cho rằng có một tiêu chí quan trọng nhất đó là khát vọng.

-Nghe khá trừu tượng, thưa ông?

Không có gì trừu tượng cả, nó rất cụ thể. Đơn giản vì có khát vọng thì mới có quyết tâm làm việc, và từ có quyết tâm làm việc thì mới có động lực thúc đẩy sáng tạo. Điều này tôi cho là quan trọng bậc nhất.

-Nhưng đánh giá biểu hiện của khát vọng đâu có dễ dàng, thưa ông?

Chúng ta cứ căn cứ vào việc làm cụ thể thôi. Trong quá trình công tác anh đã làm được gì, sáng kiến ra sao, trước việc khó anh xử lý thế nào… Đây là những biểu hiện rõ nhất về khát vọng của anh. Lý do rất đơn giản vì nếucó khát vọng anh sẽ thể hiện nỗ lực trong việc hoàn thiện mục tiêu, hoàn thiện công việc được giao. Không có gì là dễ dàng cả, nhưng nếu mong mỏi hoàn thành nó thì sẽ nghĩ ra cách làm. Tất cả chỉ có vậy. Nói thật tôi rất không thích cấp dưới khi báo cáo công việc câu đầu tiên đã nói là “việc này khó quá”!

-Lý thuyết là vậy, nhưng chắc ông cũng quá rõ cơ chế hiện tại nói chung đang trong quá trình hoàn thiện, vì vậy sẽ có nhiều điểm rất vướng mắc trong thực tế, do đó đâu thể cứ làm theo ý muốn là được?

Đúng vậy, cơ chế rồi luật pháp đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, nhưng như thế không có nghĩa là gặp việc rồi dừng lại và chờ đợi. Nếu vậy thì không bao giờ xong đượccả. Tôi hay nói với anh em là câu “tiến cũng chết, lùi cũng chết, chỉ đi ngang là sống” là có ý nghĩa gì? Thực ra cái đó bao hàm ý nghĩa thay đổi cách tiếp cận, nếu gặp việc khó thì đừng làm theo cách cũ nữa, hãy tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau thì sẽ tìm được giải pháp hữu hiệu.

-Rất nhiều người luôn băn khoăn giữa hai vế đức và tài khi chọn lựa nhân sự, là người có kinh nghiệm, quan điểm của ông về việc này thế nào?

Phải theo tình hình thực tế thôi, vế nào cũng cần nhưng ở từng thời điểm thì có những ưu tiên khác nhau.

-Thời điểm hiện tại, thưa ông?

Bây giờ điều chúng ta cần ưu tiên là niềm tin của nhân dân.

Hạt giống lỗi cũng là chuyện bình thường

-Ở trên ông có nói tiêu chí đánh giá cán bộ là căn cứ vào khát vọng, tuy nhiên đó là khi đã có bộ máy rõ ràng để đánh giá rồi, nhưng còn quy trình chọn lựa để đưa con người vào bộ máy theo ông nên thế nào để đảm bảo yêu cầu?

Việc này thì phải dựa vào quy hoạch thôi, mình chọn lựa, sàng lọc cẩn thận từ cơ sở, sau đó cho thử thách và đảm bảo yêu cầu thì đề bạt. Nói chung là phải gieo hạt giống.

-Thực tế vừa qua, thưa ông, một số “hạt giống” đã mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, liệu quy trình có vấn đề không?

Nếu chúng ta hy vọng 100% hạt giống đều như mong muốn thì sẽ không thực tế, nghĩ như vậy là rơi vào siêu hình. Cuộc sống có sự vận động của nó.

-Đúng là cuộc sống có sự vận động của riêng nó mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai, vậy để giữ cán bộ trước cám dỗ, ông thường khuyên họ điều gì?

Tôi chỉ nói nguyên tắc thôi, thứ nhất đối với công việc hãy luôn hướng đến lợi ích của người dân, yếu tố này tất yếu đặt ra câu hỏi là dân nào (vì có nhiều nhóm khác nhau) thì chúng ta sẽ nói đến nguyên tắc thứ hai là phải hướng đến cái toàn cục. Nếu mình làm vì người dân, mà lại vì số đông thì tôi tin mọi việc sẽ luôn có được sự đồng thuận.

-Thưa ông, liệu như vậy có áp đặt ý chí của người đứng đầu trong điều hành không?

Làm gì có, sau đó là phải tập thể cùng làm chứ.

-Trước một số vướng mắc của cơ chế đúng là nhiều việc nếu cứ máy móc làm đúng thì không được việc, nhưng “xé rào” thì cụm từ “cố ý làm trái” cứ lơ lửng trên đầu. Thưa ông, ý nghĩa của việc tập thể cùng làm ông vừa nói có thể hiểu đó là “kỹ thuật” để đảm bảo mọi người vững tâm mà thực hiện không?

Không, phải là tập thể cùng làm thì mới có sức mạnh.

Đừng trông chờ vào lợi thế

-Khi đảm nhiệm vị trí Bí thư Tỉnh uỷ, ông mong muốn tương lai của Bắc Giang thế nào?

Cũng ngắn gọn thôi, đó là “Kinh tế bứt phá, chính trị trong sạch, xã hội hài hoà”.

-Cụ thể hoá là sao, thưa ông?

Bắc Giang năm 2018 có mức tăng trưởng 16%, chỉ đứng sau có Hà Tĩnh và Hải Phòng, mà chúng tôi đâu có những lợi thế như hai địa phương kia, làm gì có Formosa như Hà Tĩnh, cảng biển như Hải Phòng… Do đó Bắc Giang phải có lối đi riêng, làm chắc chắn và thành công từ những việc nhỏ, từ đó sẽ tích tụ lại thành kết quả lớn.

-Ông có nói ý Xã hội hài hoà, cần được hiểu thế nào?

Cũng đơn giản thôi là tất cả cùng phát triển, không ai bị bỏ rơi. Tôi ví dụ như trong một khu rừng, cây lớn cứ phát triển nhưng không triệt đường sống của cây bé. Tất cả phải cùng phát triển hài hoà.

Khu Trung tâm Hội nghị tỉnh, TP.Bắc Giang

Không nghe nói xấu người khác

-Từng là người đứng đầu nhánh chính quyền giờ sang làm Bí thư Tỉnh uỷ, thưa ông, việc tự hạn chế dùng quyền lãnh đạo của Đảng lấn sân sang Uỷ ban được ông xử lý thế nào?

Trước hết cần làm rõ việc nào không được làm thay, việc nào làm thay, và nếu làm thay thì làm đến đâu? Tất cả những việc này phải tuỳ vào hoàn cảnh thực tiễn, không thể cảm tính được.

-Ví dụ, thưa ông?

Đơn cử việc ở Sở Kế hoạch-Đầu tư Bắc Giang, tôi yêu cầu bên đó phải làm cuốn sổ tay về các thủ tục đầu tư, hạn cho 15 ngày phải xong. Tôi cũng nói luôn là trong quá trình triển khai các anh có vướng gì thì sang trao đổi với tôi. Cách làm là vậy thôi, mình gợi ý về các vấn đề sau đó bên chính quyền thực hiện, nếu có vướng mắc thì cùng tháo gỡ. Nói chung những lúc thế này cũng là để mọi người cùng phát huy tính sáng tạo trong công việc.

-Ở vị trí của mình, chắc ông thường xuyên nhận được nhiều ý kiến đánh giá, những lời khen tiếng chê về cán bộ dưới quyền?

Tôi không bao giờ nghe ai nói về người thứ ba.

-Không bao giờ?

Đúng vậy, tôi ở nhà với người thân cũng thế, nếu mình cứ nghe nói xấu người khác rồi dần dà sẽ nhiễm tính xấu đó. Ai thế nào trong công việc cứ để kết quả thể hiện.

-Ông có biết cấp dưới hình dung về mình như thế nào không?

Cái đó thì để người khác đánh giá, tuy nhiên tôi có một tâm niệm là đối với cấp dưới đừng bao giờ nghĩ mình là lãnh đạo rồi dùng quyền uy to tiếng với họ. Trong công việc thì cần có trên có dưới, nhưng lấy vị thế ra để mắng mỏ là điều không nên. Anh có thể hỏi cả bên Uỷ ban Nhân dân lẫn bên Tỉnh uỷ về việc này, chưa khi nào tôi quát mắng cấp dưới.

-Ông nói là chưa khi nào?

Chưa khi nào, vì đơn giản họ là cấp dưới thì mình lớn tiếng để làm gì, anh em họ sợ rồi sau này có sáng tạo, phát kiến gì thì ai dám gặp mình trình bày nữa. Với tôi, ai làm chưa được thì qua tôi hướng dẫn cách làm, qua đó họ sẽ tự trưởng thành thôi.

-Là người đứng đầu Tỉnh uỷ, tuy nhiên tư duy và phương pháp làm việc của ông có lẽ rất thực tế, không thấy có dư vị tháp ngà?

Thưc ra tất cả các bài học đều có trong cuộc sống, cái chính là mình có tự suy ngẫm, rồi đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân hay không mà thôi. Tôi nghĩ mọi việc đều có mối quan hệ rất biện chứng, nhân quả, nếu mình suy xét thấu đáo thì sẽ sáng tỏ được nhiều vấn đề.

-Xin cảm ơn ông.

PV

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Bắc Giang Bùi Văn Hải: Hãy đúc rút bài học từ chính cuộc sống