Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân. Tuy nhiên, quy định không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có một số bộ và 28 địa phương. Do đó, Thanh tra Chính phủ cần có rà soát báo cáo Thủ tướng để có giải pháp phù hợp.

Vụ phải xin phép ghi âm, ghi hình: Thanh tra Chính phủ cần rà soát, báo cáo Thủ tướng

Trí Lâm | 28/01/2019, 13:54

Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân. Tuy nhiên, quy định không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có một số bộ và 28 địa phương. Do đó, Thanh tra Chính phủ cần có rà soát báo cáo Thủ tướng để có giải pháp phù hợp.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp sáng 28.1, trả lời câu hỏi của báo chí về quy định ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân do UBND TP Hà Nội ban hành, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các cấp ban hành nội quy tiếp công dân là thực hiện thẩm quyền và trách nhiệm do Luật Tiếp công dân 2013 quy định.

“Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải ban hành nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân theo quy định tại Khoản 6 Điều 12 Luật tiếp công dân 2013. Đây là nội quy tại trụ sở có địa điểm cụ thể. UBND TP.Hà Nội ban hành nội quy tiếp công dân trong trụ sở, số 34 Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) và 20 Hoàng Diệu (quận Hà Đông)” - ông Ba cho hay.

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba cho biết thêm, trong quá trình xem xét, Cục có rà soát tổng thể. Hiện nay, cấp tỉnh có 62/63 địa phương ban hành nội quy tiếp công dân. Tuy nhiên, nội quy quy định không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người tiếp công dân thì chỉ có một số bộ và 28 địa phương ban hành quy định này.

Cũng theo ông Ba, Luật Tiếp công dân không quy định cụ thể, không có việc cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm… "Về văn bản của Hà Nội không quy định cấm, nhưng yêu cầu khi công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm phải được sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Theo ông Ba, quy định nội quy tiếp dân không thuộc loại văn bản quy phạm pháp luật mà được ban hành theo thể thức hành chính. Vì vậy, việc xem xét tính pháp lý, có phù hợp hay không, trước hết thuộc chính trách nhiệm của cơ quan ban hành nội quy, và có trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ - cơ quan được Chính phủ giao tham mưu phụ trách việc tiếp công dân.

“Cục kiểm tra văn bản được giao hậu kiểm các văn bản của các bộ, tỉnh. Ở đâu có quy phạm pháp luật được quy định trong luật Văn bản quy phạm pháp luật, do các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, chính quyền các tỉnh hay những người không có thẩm quyền mà lại ban hành thì cục sẽ xem xét, phân xử tính đúng sai của văn bản”, ông Ba nói.

Ông Ba cũng cho biết đã khuyến nghị trực tiếp với các đơn vị chức năng trong việc xem xét, rà soát kỹ quá trình thực hiện quy định này để có giải pháp cho phù hợp về tính pháp lý, hợp lý, sự chặt chẽ để đảm bảo thực thi vì chỉ có một số tỉnh có quy định này.

Cùng với đó, ông Ba cho rằng, Thanh tra Chính phủ cũng cần có rà soát báo cáo Thủ tướng để có giải pháp phù hợp, làm sao bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại trụ sở, cũng như đảm bảo tính tôn nghiêm, văn minh trong phòng tiếp công dân.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ban hành nội quy của trụ sở tiếp công dân thành phố. Đáng chú ý, nội quy quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

Không riêng Hà Nội, nhiều địa phương cũng cấm việc quay phim, ghi âm tại trụ sở tiếp dân khi chưa được cho phép. Ví dụ như nội quy tiếp dân của tỉnh Hà Nam nghiêm cấm việc tự ý quay phim, ghi âm tại khu vực trụ sở tiếp dân; Tỉnh Nam Định quy định “Không được tự ý sử dụng phương tiện ghi hình, ghi âm khi chưa được sự cho phép của người chủ trì tiếp công dân”; Thanh tra Chính phủ cũng áp dụng quy định này.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vụ phải xin phép ghi âm, ghi hình: Thanh tra Chính phủ cần rà soát, báo cáo Thủ tướng