Ngày 29.4, Thành ủy TP.HCM triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.

Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng

Tú Viên | 29/04/2022, 20:16

Ngày 29.4, Thành ủy TP.HCM triển khai công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022.

Theo báo cáo của Thành uỷ TP.HCM, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy TP luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Năm 2021, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của TP được tập trung vào việc phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng xác định các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực để tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

tphcm_chong_tham_nhung_1.jpeg
Toàn cảnh hội nghị-Ảnh: P.V

Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đạt được một số kết quả trên các lĩnh vực. Trong đó, phát hiện 20 người/10 vụ có vi phạm việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; bị xử lý hành chính và thu hồi số tiền gần 591 triệu đồng.

Bảy trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử qua kiểm tra tại 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức. Những trường hợp này đã được xử lý, chấn chỉnh.

Các sở, ngành, quận, huyện TP đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 2.093 cán bộ, công chức, viên chức trong các lĩnh vực.

Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng ở một số đơn vị chưa cao. Tiến độ xử lý tin tố giác tội phạm và công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng còn chậm. Việc phát hiện tiêu cực, tham nhũng qua hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra còn ít.

Đáng chú ý, tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trong năm 2021 đạt 87,3%. Theo Thành uỷ TP.HCM, tỉ lệ này chưa đạt được theo yêu cầu của Quốc hội và Bộ Công an giao.

Công tác giải quyết các vụ án tạm đình chỉ của liên ngành các cơ quan Trung ương quy định phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ còn chậm.

Kết quả thi hành xong về việc và tiền trong các vụ án không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, về việc còn thiếu 20,29%, về tiền còn thiếu 16,97% so với chỉ tiêu được giao năm 2021 (việc 81,5% và tiền 40,1%).

“Kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thấp” – báo cáo nêu rõ.

Chưa kể, các việc thi hành án liên quan đến tổ chức tín dụng, ngân hàng còn nhiều, tiến độ còn chậm. Vẫn còn tình trạng vi phạm, thiếu sót của chấp hành viên, công chức thi hành án trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án.

Mặt khác, do số lượng tin báo, tố giác tội phạm, số lượng vụ án điều tra tiếp nhận, thụ lý trong kỳ lớn (số tin báo, tố giác tội phạm tăng 961 tin, số vụ án thụ lý tăng 851 vụ/741 bị can so với cùng kỳ năm 2020), dẫn đến tình trạng quá tải đối với đội ngũ cán bộ điều tra, điều tra viên.

Vừa qua, Công an TP phải tập trung lực lượng để phòng, chống dịch nên việc đảm bảo tiến độ, chất lượng điều tra, giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án gặp nhiều khó khăn.

Công tác giám định, định giá tài sản, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng còn chậm dẫn đến một số vụ việc kéo dài và phải gia hạn điều tra, nhiều trường hợp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng phải tạm đình chỉ ảnh hưởng lớn đến tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.

Dự kiến, năm 2022, TP.HCM sẽ thành lập và triển khai ba đoàn kiểm tra, rà soát. Cụ thể là: Đoàn kiểm tra tiến độ thanh tra, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm của các cơ quan tố tụng và của Thanh tra TP; Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đối với các tổ chức đảng trực thuộc Thành ủy và đảng bộ cơ sở, chi bộ cơ sở; và Đoàn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2022.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, năm qua, TP.HCM đã tập trung chỉ đạo, xử lý quyết liệt những vụ án, vụ việc tồn đọng, những vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp dư luận quan tâm, đặc biệt những vụ án, vụ việc thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt Ban Chỉ đạo Trung ương).

Đến nay, TP.HCM đã xem xét, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên có sai phạm trong 4 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo và 18 vụ án trọng điểm xảy ra trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2021. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch COVID-19 đã phát hiện, uốn nắn, chấn chỉnh và kịp thời xử lý những trường hợp sai phạm cần phải xử lý nghiêm minh.

Bí thư Thành ủy TPHCM cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ và một số giải pháp nêu ra tại hội nghị. Đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh phải xem công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Toàn hệ thống chính trị TP.HCM phải nhận thức sâu sắc đây là việc thường xuyên và lâu dài.

Đối với các cơ quan nội chính, các cơ quan bảo vệ pháp luật của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và sớm kết thúc điều tra, xử lý 4 vụ án, 7 vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi và thuộc trách nhiệm của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời tập trung thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Năm 2021, các cơ quan, đơn vị trực thuộc TP.HCM đã tổ chức 4.406 cuộc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; phát hành 207.665 tài liệu, cẩm nang liên quan các quy định về phòng, chống tham nhũng; tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn tại 257 cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chuyển đổi vị trí công tác hơn 2.000 cán bộ, công chức viên chức trong các lĩnh vực tư pháp-hộ tịch, văn hóa-xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính-nhà đất, y tế, thủ kho; thực hiện kê khai công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của hơn 33.000 người.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng