Một nhóm 20 biệt kích Mỹ đã bị đuổi khỏi Libya, sau khi hình ảnh của nhóm bị đăng tải trên Facebook lúc mới đặt chân đến quốc gia Bắc Phi này hồi đầu tuần.
Nhóm biệt kích Mỹ vừa bị đuổi đến Libya hôm 14.12 để thực hiện nhiệm vụ bí mật. Nhưng sau đó, các chỉ huy địa tại căn cứ không quân Wattiya đã yêu cầu nhóm biệt kích này rời đi.
Các quan chức quân sự địa phương cho rằng, nhóm biệt kích không có quyền hiện diện ở căn cứ Wattiya “khi không có sự thông tin phối hợp với lực lượng của căn cứ từ trước”.
Yêu cầu "đuổi" nhóm biệt kích được đưa ra sau khi hình ảnh của những lính biệt kích này được đăng tải trên Facebook của Không quân Libya.
“Một nhóm lính biệt kích Mỹ tới Libya hôm thứ hai đã bị yêu cầu rời đi ngay lập tức do sự thiếu phối hợp thông tin giữa lực lượng không quân và quân đội Libya”, truyền thông Mỹ đưa tin.
Lầu Năm Góc khẳng định rằng nhóm biệt kích kể trên đến Libya để thực hiện một nhiệm vụ bí mật, tuy nhiên không cho biết chi tiết nhiệm vụ bí mật này là gì.
Không quân Libya nói rằng "một máy bay quân sự Mỹ hạ cánh với 20 lính Mỹ trên khoang mà không có sự điều phối trước".
Giới chức Libya khẳng định rằng nhóm biệt kích Mỹ "ở trong tình trạng sẵn sàng tác chiến với áo chống đạn, vũ khí tiên tiến, thiết bị giảm thanh, súng ngắn, thiết bị nhìn ban đêm và thiết bị định vị GPS".
Khi bị hỏi, nhóm lính biệt kích Mỹ nói họ "hợp tác với các thành viên khác của quân đội Libya" song câu trả lời này không đủ thuyết phục, lực lượng không quân Libya khẳng định.
Theo giới chức Mỹ, nhóm biệt kích này đã ở Libya từ lâu nhưng chỉ thực hiện các nhiệm vụ cố vấn cho lực lượng Libya, chứ không phải thực hiện chiến dịch tác chiến hay huấn luyện.
Gần căn cứ Wattiya là một cơ sở lớn của tổ chức khủng bố IS tại Libya, khiến cho giới truyền thông đồn đoán rằng lính biệt kích Mỹ đến để chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt nhóm khủng bố tại đây.
Vụ việc này đánh dấu sự triển khai lần đầu tiên của các lực lượng đặc biệt Mỹ tới Libya, kể từ tháng 7.2014, khi lực lượng Delta Force đến Libya bắt Ahmed Abu Khattala - chỉ huy vụ tấn công tòa đại sứ quán Mỹ tại Libya hồi năm 2012, giết chết đại sứ Mỹ Chris Stevens.
Libya rơi vào tình hình nội chiến, chia ra làm 2 chính phủ, kể từ khi lật đổ lãnh đạo Gaddafi hồi năm 2011, Liên Hợp Quốc đang cố gắng xây dựng lộ trình hòa bình cho đất nước Bắc Phi này sau 5 năm loạn lạc.
Thiên Hà (theo The Guardian)