Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ hai nước, Bộ Công Thương cho biết hai nước đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tiến tới ký một loạt các biên bản ghi nhớ về mua bán điện, xây dựng hạ tầng mua bán điện.
Thông tin từ Bộ Công Thương vừa phát đi cho biết vào ngày 5.2, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tham gia đoàn chính thức do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào tại thủ đô Viêng-chăn, Lào. Năm 2017, hai nước đã hoàn thành vượt mức mục tiêu kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng 10%.
Về lĩnh vực công nghiệp – năng lượng, dù còn khó khăn tại một số dự án cụ thể nhưng Bộ Công Thương cho biết hai bên đã phối hợp hết sức chặt chẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Một trong những kết quả hợp tác nổi bật là đã bàn bạc và thống nhất phương hướng triển khai cụ thể Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác phát triển các dự án thủy điện tại Lào tạo nguồn điện về Việt Nam, đấu nối hệ thống điện và mua bán điện giữa hai nước.
Trên cơ sở đó, hai nước đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và tiến tới ký một loạt các biên bản ghi nhớ về mua bán điện, xây dựng hạ tầng mua bán điện. Trong số 11 văn kiện được ký kết nhân dịp này, có đến 5 văn kiện hợp tác thuộc lĩnh vực của Bộ Công Thương.
Theo Bộ này, trong năm 2018, hai nước sẽ tập trung thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã đặt ra, tập trung vào các định hướng như: Phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều tăng ít nhất 10% so với năm 2017; Đa dạng chủng loại hàng hóa xuất nhập khẩu và gắn chặt quan hệ đầu tư với thương mại trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến để tạo sản phẩm thương mại có lợi thế xuất khẩu về Việt Nam; Tăng cường tuyên truyền phổ biến các cam kết thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào, nhất là làm việc với các Bộ ngành liên quan để tạo ra sự đồng thuận và thống nhất trong triển khai các cam kết thương mại song phương, cụ thể là các cam kết miễn giảm thuế quan và miễn giảm các thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu;
Phối hợp khai thác tiềm năng mua bán điện giữa hai nước, tạo nguồn bổ sung vô cùng to lớn cho thương mại song phương trong dài hạn, trước mắt phối hợp triển khai cụ thể các thỏa thuận mua bán điện, xây dựng hạ tầng mua bán điện đã ký kết và thúc đẩy tiến độ các dự án thủy điện Việt Nam đầu tư tại Lào; Phối hợp thống nhất phương án đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính về đầu tư và triển khai dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng để tạo điều kiện thu hút, khuyến khích, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực này...
Mới đây, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có yêu cầu Bộ Công Thương bổ sung vàođề án Chiến lược phát triển ngành điện lực Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 lànhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững ngành điện; đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào.
Tuyết Nhung