Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hay tạm dừng đến trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bộ GD-ĐT: Các Sở có thể cho học sinh đi học muộn

Tú Viên | 20/02/2021, 13:40

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hay tạm dừng đến trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT cho biết: Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, có 14 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trở lại từ ngày 17.2; 49 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học trên lớp, trong đó 1 tỉnh cho nghỉ đến hết ngày 19.2; 17 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 21.2; 6 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 22.2; 10 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến hết ngày 28.2; 15 tỉnh, thành phố cho nghỉ đến khi có thông báo mới. Điều này cho thấy các địa phương tỏ ra khá yên tâm với phương án cho học sinh đi học trở lại thay vì hoãn đến hè như năm ngoái.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT sáng nay 20.2 cho biết, hôm qua trong công văn gửi các sở GD-ĐT và các trường THPT trực thuộc, Bộ yêu cầu các sở chủ động báo cáo UBND tỉnh, thành phố xin ý kiến về việc cho học sinh đi học hay tạm dừng đến trường khi tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học để ứng phó với dịch COVID-19. Trường hợp học sinh không đến trường, các trường chủ động thực hiện việc dạy học trực tuyến qua internet, truyền hình. Nội dung dạy học đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh từng cấp học và linh hoạt tùy theo điều kiện từng địa phương.

Hôm qua 19.2, khi chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải đặt thời gian còn lại của năm học trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với dịch

Theo Bộ trưởng Nhạ, mặc dù tình hình hiện nay vẫn đang trong tầm kiểm soát, song diễn biến tiếp theo chưa thể nói trước, vì vậy các đơn vị chuyên môn tùy theo chức năng, nhiệm vụ đưa ra các kịch bản tình huống khác nhau, trong đó lưu tâm tới kịch bản điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; kịch bản thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng… “Cần chủ động xây dựng phương án, để dù tình huống nào xảy ra cũng thực hiện được ngay”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Trước băn khoăn nếu học sinh nghỉ học quá dài sẽ ảnh hưởng đến thời gian năm học, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong kế hoạch năm học 2020 - 2021, các cơ sở giáo dục đều có 2 tuần dự phòng. Vì thế, việc học sinh tạm nghỉ 2 tuần sau Tết do dịch COVID-19 không làm ảnh hưởng đến kế hoạch, nhiệm vụ chung của năm học. Đồng thời, trong thời gian học sinh không đến trường không có nghĩa việc học bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì. Các bài học vẫn đi theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra từ đầu năm học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
34 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GD-ĐT: Các Sở có thể cho học sinh đi học muộn