Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 2023” được khai mạc vào ngày 13.11 đến hết ngày 15.11 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia (Hà Nội).
Hội thảo khoa học quốc tế về “Môi trường và Kỹ thuật điện - Châu Á 2023" (EEE-AM 2023) lần đầu tiên được tổ chức ở châu Á là nơi kết nối thiết lập hợp tác, hội tụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đào tạo và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Đinh Văn Châu - quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực cho biết: Hội thảo là nơi hội tụ của các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà đào tạo và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang tích cực trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh và được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á. Việc đổi mới và phát triển các công nghệ năng lượng tiên tiến trong tương lai chính là chìa khóa, là giải pháp cho những thách thức mà cả thế giới đang đối mặt trong vấn đề bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường là mục tiêu lâu dài. Đó không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam mà còn là chiến lược quan tâm của các quốc gia toàn thế giới.
Có mặt tại hội thảo - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái đánh giá, EEE-AM 2023 sẽ góp phần quan trọng trong việc định hướng cho các nhà quản lý hoàn thiện cơ chế chính sách về năng lượng; tạo cơ hội trao đổi, giới thiệu, cập nhật những thông tin công nghệ mới trong nước và mở rộng hợp tác quốc tế lĩnh vực năng lượng nói chung và chuyển đổi năng lượng nói riêng.
"Thông qua hội thảo, ngoài việc thảo luận những vấn đề chuyển đổi năng lượng, năng lượng mặt trời và lưới điện thông minh, chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến thảo luận của những chuyên gia, doanh nghiệp để nhận diện, tháo gỡ những tồn tại, xác định nhu cầu thực tế cũng như đánh giá tính khả thi, tính ứng dụng, tính phù hợp và khả năng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Từ đó làm cơ sở cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Khoa học và Công nghệ trong công tác xây dựng chính sách cũng như thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ sau này" - Thứ trưởng Trần Hồng Thái nêu.
Thứ trưởng cũng đề nghị BTC tổng hợp các định hướng, phương hướng, kiến nghị để triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ lĩnh vực năng lượng trong thời gian tới.