Bộ Tài chính cho biết dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ vẫn còn tiếp tục gặp khó khăn nên đang xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước diễn ra ngày 21.11, nêu thực trạng xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương bao gồm 12 dự án. Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đến tháng 8 vừa qua có 2 dự án bước đầu hoạt động có lãi là Dự án DAP số 1 – Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt – Trung; 4 dự án đang từng bước khắc phục khó khăn là Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Đạm DAP số 2 – Lào Cai, Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV công nghiệp Tàu thủy Dung Quất.
Ba dự án còn đang khó khăn là: Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước, dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Riêng dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn, theo đó đang xem xét phương án giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật. Còn đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam đang triển khai bán đấu giá toàn bộ tài sản, hàng hóa tồn kho. Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên đã thu về cho Quỹ Sắp xếp và phát triển doanh nghiệp 1.000 tỉ đồng.
Về tình hình thực hiện cổ phần hóa, Bộ trưởng nhận định giai đoạn 2017 - 2020 đã cổ phần hóa được 127 doanh nghiệp. Cụ thể, năm 2016 cả nước cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp; năm 2017 đã cổ phần hóa 69 doanh nghiệp; 11 tháng đầu năm 2018 đã cổ phần hóa 12 doanh nghiệp. Như vậy, đến nay đã cổ phần hóa được 27/127 doanh nghiệp trong kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/QĐ-TTg (chiếm 21%).
Về tình hình thực hiện thoái vốn, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ thực hiện thoái vốn ở 406 danh mục, khoảng 60.000 tỉ đồng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn từ 2016 đến tháng 11.2018, cả nước đã thoái được 17.826 tỉ đồng và thu về 155.735 tỉ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến ngày 18.11 vừa qua, đã chuyển 135.000 tỉ đồng từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.
Thông tin về tình hình hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin năm 2017, theo báo cáo của 562 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì: tổng vốn chủ sở hữu tại các DNNN là 1.326.699 tỉ đồng; tổng tài sản là 3.001.117 tỉ đồng; tổng doanh thu đạt 1.598.742 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 167.039 tỉ đồng; tổng số nộp ngân sách của các doanh nghiệp là 219.468 tỉ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, theo báo cáo của 47 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thì: Tổng doanh thu đạt 691.508 tỉ đồng; bằng 70% so với kế hoạch năm 2018 (981.879 tỉ đồng). Lãi phát sinh trước thuế 6 tháng đầu năm là 68.668 tỉ đồng; bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (96.170 tỉ đồng). Thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN 6 tháng đầu năm là 102.357 tỉ đồng; bằng 71% so với kế hoạch năm 2018 (144.113 tỉ đồng).
Người đứng đầu ngành tài chính đánh giá tình hình cổ phần hoá hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra, theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ (đến nay mới có 35 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại).
Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ, nghiêm túc.
Tuyết Nhung