Hiện doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng 130 triệu mét vuông nhà, đất. Còn rất nhiều tồn tại phức tạp và khó xử lý trong vấn đề này.

Bộ Tài chính than khó xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước

Tuyết Nhung | 22/07/2022, 21:04

Hiện doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng 130 triệu mét vuông nhà, đất. Còn rất nhiều tồn tại phức tạp và khó xử lý trong vấn đề này.

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến nay, các bộ ngành, địa phương trong cả nước thực hiện báo cáo kê khai và đề xuất phương án xử lý nhà, đất đối với 202.647 cơ sở nhà, đất, tổng diện tích khoảng 7.287,1 triệu mét vuông đất và 276,4 triệu mét vuông nhà. Các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 159.870 cơ sở với tổng diện tích là 3.368,3 triệu mét vuông đất; 230,1 triệu mét vuông nhà.

dnnn.jpg

Theo tổng hợp từ báo cáo kê khai về Bộ Tài chính, khối doanh nghiệp do trung ương quản lý hiện quản lý, sử dụng khoảng 17.564 cơ sở nhà, đất, tương ứng 130 triệu mét vuông đất. Đến nay cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 15.976 cơ sở nhà, đất, tương ứng 124 triệu mét vuông đất.

"Việc thực hiện các quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng nhà, đất hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Theo đó, thực trạng quản lý, sử dụng nhà, đất hiện nay còn phức tạp và khó xử lý. Một phần do lịch sử để lại, rồi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng... dẫn đến những trường hợp sử dụng nhà, đất chưa đúng quy định, như bị lấn chiếm, bố trí làm nhà ở, cho thuê, liên doanh, liên kết… rất khó xử lý hoặc việc xử lý mất nhiều thời gian, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, các ngành các cấp.

Một khó khăn khác là các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất chưa thực hiện đầy đủ trong việc thực hiện sắp xếp nhà, đất và chính sách di dời của nhà nước, một số địa phương triển khai chậm, một số dự án kéo dài. Bên cạnh đó, việc quy hoạch sử dụng đất chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.

Một số bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa quan tâm đúng mức đến việc quản lý nhà, đất nói chung và sắp xếp xử lý nhà, đất nói riêng. Các bộ ngành, địa phương chưa tổng hợp được số liệu một cách kịp thời, thường xuyên, liên tục, chưa theo dõi được sự biến động đối với tình hình sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Nhằm thúc đẩy việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp. Theo đó, về cơ chế, chính sách, tiếp tục thực hiện rà soát để hoàn thiện chính sách, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và chính sách về cổ phần hóa doanh nghiệp đảm bảo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Cụ thể là sửa quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo hướng sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án "giữ lại tiếp tục sử dụng" thì việc quản lý, sử dụng nhà, đất thực hiện theo pháp luật về đất đai, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan; không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất nhiều lần.

Ngoài ra, cần sớm sửa đổi quy định về điều kiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25.12.2020 theo hướng đơn vị sự nghiệp có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại xử lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.

Về công tác tổ chức thực hiện, các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh thành, các tập đoàn, tổng công ty khẩn trương đôn đốc doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất việc kê khai báo cáo, lập phương án sắp xếp lại các cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền; xử lý trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp chậm kê khai, báo cáo đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Bộ Tài chính đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh thành trực thuộc trung ương sớm có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp của trung ương đóng trên địa bàn theo đề nghị của Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất phục vụ việc xây dựng phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa.

Mặt khác cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý tiến độ kê khai, báo cáo, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và tổ chức xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Tài chính than khó xử lý nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước