Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Năm 2022 tăng cường kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh

Dạ Thảo - Ảnh: Bộ GD-ĐT | 02/02/2022, 06:48

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong năm 2022, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện.

Đầu năm Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc trao đổi cùng với phóng viên về vấn đề đưa học sinh đến trường sau dịp Tết Nguyên đán cũng như những quyết sách của ngành giáo dục trong năm tới.

- Năm 2021 đã qua khi các học sinh đa số phải học trực tuyến chứ không được đến trường trực tiếp, vậy những quyết định gì khiến ngành giáo dục đặt mục tiêu đưa toàn bộ học sinh quay trở lại học ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022?

- Hiện nay, việc đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp là một vấn đề lớn nhất của ngành giáo dục và mục tiêu đầu tiên. Dịch bệnh đã bùng phát hơn 2 năm nay và nhiều học sinh đã phải chuyển sang các hình thức học tập trực tuyến hay học qua truyền hình. Đó là nỗ lực lớn của ngành giáo dục vừa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh vừa duy trì việc học tập của các học sinh không bị gián đoạn. Thế nhưng, qua khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của chính các em học sinh, chúng tôi thấy rằng, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học.

Ở thời điểm này, chúng ta đã phần nào kiểm soát và thích ứng dịch bệnh. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho người lớn rất cao, cho lứa tuổi từ 12-18 tuổi cũng rất cao. Ngành y tế đã có thuốc điều trị và đã có kinh nghiệm trong phòng chống dịch, đồng thời gia tăng khả năng điều trị COVID-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn, chính vì vậy việc đưa học sinh quay trở lại trường học trực tiếp trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.  Bên cạnh đấy, việc dạy học trực tuyến không thể có chất lượng dạy tốt như học trực tiếp, ngay cả đối với nhiều nước có điều kiện tốt hơn Việt Nam. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, chúng ta phải cân nhắc và lựa chọn giải pháp dạy học linh hoạt và phù hợp nhất.

bo-truong.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn

- Vậy việc bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi đến trường học trực tiếp sẽ được củng cố như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Việc bù đắp kiến thức được ngành giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm mà còn kéo dài trong nhiều năm. Bên cạnh việc bù đắp kiến thức, nhà trường cũng cần nhận diện được những vấn đề tâm lý của học sinh, để có tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho các em trong đại dịch COVID-19 và sau khi quay lại trường học. Bộ sẽ tiến hành rà soát tình hình dạy học trực tuyến, qua đó có những đánh giá cụ thể và đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới. Hiện nay cả nước có gần 70% học sinh đang đến trường học trực tiếp một cách bình thường, chỉ có một số tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì vẫn đang học trực tuyến. Vì vậy, ngành giáo dục đã gửi công văn yêu cầu các Sở GD-ĐT khi đón học sinh trở lại trường sau Tết nguyên đán 2022 không phải là tập trung nhồi kiến thức cho học sinh mà cần dạy các em các kỹ năng, làm quen với môi trường học tập để tránh dịch bệnh một cách tốt nhất. Khi các học sinh quay trở lại trường học, các giáo viên cần củng cố kiến thức an toàn trường học, lớp học mới là điều quan trọng nhất đối với các em, qua đó tạo ra sự hứng khởi, an tâm trong học tập.

- Bộ trưởng có thể chia sẻ về lĩnh vực được ngành giáo dục ưu tiên chỉ đạo trong năm 2022?

- Trong năm 2022, ngành giáo dục cũng sẽ tập trung hoàn thành, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030, tầm nhìn 2045 và triển khai nhanh các công việc liên quan đến chiến lược này. Đồng thời, ngành tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản quản lý điều hành, trong đó lưu ý những văn bản khắc phục hạn chế, điểm yếu do tác động của dịch bệnh.

Thứ nhất, Các trường học cần tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài song hành với công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị kết hợp sử dụng lao động nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học.

Thứ tư, hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học chính quy trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.

- Vậy trong năm tới việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là phương hướng lâu dài, thưa Bộ trưởng?

- Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cung cấp nhân lực cho kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch, cả tầm vĩ mô ngắn hạn hay dài hạn đều cần nhất quán để thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Trong đó, việc phát triển con người là gốc rễ, có như vậy con người mới phát triển nhân cách tốt, phẩm chất tốt thì mới có nhân lực tốt. Tuy nhiên, phát triển con người vẫn phải đảm bảo các năng lực và kỹ năng mà đất nước cần ở những giai đoạn và những đòi hỏi ở những thời điểm cụ thể. Như thế, việc phát triển con người mới được thực hiện một cách bền vững. Đó không chỉ là mục tiêu của ngành giáo dục trong năm tới mà còn là nhiều năm tiếp theo.

Cảm ơn Bộ trưởng về những chia sẻ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Năm 2022 tăng cường kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh