Sáng 2.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Chống suy thoái kinh tế như chống giặc

02/07/2020, 14:55

Sáng 2.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: VGP

Chống suy thoái như chống giặc

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 2/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhìn chung các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỉ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỉ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ông Dũng đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn. Trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế-xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan.

Theo đó, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Dũng cũng cho rằng cần tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Cụ thể, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cần kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước, hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn. Duy trì và đẩy mạnh phát triển sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước cho các sản phẩm. Đẩy mạnh xuất khẩu.

Đối với sản xuất công nghiệp, cần chủ động thực hiện hoặc tham gia vào quá trình phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ phát triển các nền tảng thương mại điện tử. Ứng dụng công nghệ giao dịch thanh toán điện tử, hậu cần giao nhận…

Cỗ máy tăng trưởng như cỗ xe tam mã

Thủ tướng cho rằng tuy tăng trưởng thấp nhưng cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định, đánh giá tình hình, không chủ quan nhưng tuyệt đối không bi quan. Thủ tướng cũng nêu, mỗi khi gặp gian khó cũng chính là thời điểm để bản lĩnh, trí tuệ và sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của dân tộc Việt Nam toả sáng.

“Trong bối cảnh ấy ta phải làm gì để bước vào trạng thái bình thường mới?”, Thủ tướng nêu vấn đề và muốn nghe hiến kế để có những chính sách đặc biệt, vừa ngăn dịch bệnh quay lại, vừa phát triển mạnh và nhanh về kinh tế, xã hội.

Mục tiêu kép tiếp tục được Thủ tướng quán triệt là không để dịch COVID-19 quay lại, xoá bỏ thành quả của nhân dân ta và phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tăng trưởng và đời sống nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, liên tục những ngày qua 4 lần tăng giá dầu, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Vì thế, cần nhìn rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có giải pháp kịp thời; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã, gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Theo đó, phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cỗ xe tam mã này, tạo động lực cho phát triển đất nước.

"Tăng trưởng là điều quan trọng, nhưng việc điều hành cuối cùng cũng vì lợi ích tổng thể, việc làm của người dân, nên cần điều hành linh hoạt. Vấn đề điều hành như thế nào, liều lượng ra sao", Thủ tướng nêu vấn đề.

Trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ông nhắc đến việc giải ngân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 33%, giải ngân ODA đạt 10%, trong khi còn 700.000 tỉ đồng vốn chờ.

"Nếu giải ngân tốt sẽ kích cầu rất hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng”, ông nhấn mạnh vè yêu cầu các bộ ngành, địa phương có giải pháp, chế tài giải ngân hết số vốn này.

Thủ tướng nhấn mạnh, vừa rồi Quốc hội, Bộ Chính trị cũng đồng ý nếu như địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng Chính phủ có quyền di chuyển từ ngành ngày, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác nếu như có hiệu quả.

"Tôi nói để các đồng chí phải nóng ruột lên. Tôi kiểm tra giải ngân vốn ODA thì còn thấp lắm", Thủ tướng nói và cho biết vừa qua, báo chí có đăng tin "Giải ngân không được do không giải phóng được mặt bằng". Thủ tướng đặt câu hỏi: Vậy thì ông Bí thư, Chủ tịch tỉnh có phải xắn tay áo ra để giải phóng mặt bằng không?

Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương khi xin, bắt đầu triển khai dự án thì rất quyết liệt nhưng gặp giải phóng mặt bằng lại dền dứ không chịu quan tâm.

Về việc này, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải báo cáo tại sao các địa phương khác giải ngân rất tốt mà có rất nhiều địa phương giải ngân chậm? Thủ tướng khẳng định, sẽ có chế tài mạnh để xử lý vấn đề này.

Bên cạnh những giải pháp ấy, Thủ tướng nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

“Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp mới tạo được động lực phát triển. Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực”, Thủ tướng lưu ý và yêu cầu phải bỏ ngay những điều bất hợp lý, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng cũng đặt câu hỏi làm thế nào để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn tư nhân, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Thủ tướng cho rằng nhiều nguồn vốn sẽ không vào Việt Nam nếu không tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện thu hút khác.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Chống suy thoái kinh tế như chống giặc