Trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác cổ phần hóa, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mà chủ yếu từ đất.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa, chủ yếu từ đất đai

Lam Thanh | 08/06/2022, 09:54

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về công tác cổ phần hóa, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mà chủ yếu từ đất.

Sáng 8.6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính gồm các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội.

Ngoài ra là thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua; các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản…

Thất thoát tài sản nhà nước từ cổ phần hóa

Trả lời đại biểu về vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng Tài chính cho biết việc sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa. Vừa rồi công tác cổ phần hóa chậm cũng do vướng ở khâu này.

Nói cụ thể hơn, Bộ trưởng Phớc cho biết khi trình phương án sắp xếp tài sản công (nhà cửa, đất đai…) của doanh nghiệp nhà nước thì UBND cấp tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án. Tuy nhiên, việc phê duyệt diễn ra rất chậm.

Đề cập đến việc gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Tài chính cho biết theo nghị định của Chính phủ, nếu tài sản của doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hằng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, còn nếu nộp tiền đất một lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp.

“Thực ra đây là một lỗ hổng cần được giải quyết để đảm bảo việc sau khi cổ phần hóa đất đai không bị thất thoát”, bộ trưởng nói và cho biết vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chủ yếu từ đất, ví dụ như Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Theo Bộ trưởng Phớc, cốt lõi vấn đề chính là ở chuyển mục đích sử dụng đất. Khi UBND cấp tỉnh phê duyệt thì đó là đất thuê, tuy nhiên doanh nghiệp sẽ nộp tiền thuê đất 1 lần cho 50 năm. Khi trở thành doanh nghiệp cổ phần thì doanh nghiệp đó lại xin chính quyền phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất. Từ đó tạo ra thất thoát, tài sản nhà nước vào tay tư nhân.

qh.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Theo ông Phớc, doanh nghiệp nhà nước thuê đất với mục đích sản xuất kinh doanh thì khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hay tư nhân cũng phải sử dụng đất đúng mục đích đó. Nếu không có nhu cầu sử dụng thì phải trả lại cho nhà nước, nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất. Như vậy, tài sản nhà nước sẽ không rơi vào túi của doanh nghiệp.

“Điều này thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế. Cổ phần hóa là để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp chứ không phải để giải tán công nhân, lấy đất, chênh lệch địa tô. Điều này cũng sẽ không khuyến khích doanh nghiệp nhìn những khu đất thương mại để tổ chức cổ phần hóa”, ông Phớc nói.

Đối với việc nghị định xác định vấn đề là lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, ông Phớc cho biết qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý, bởi đó cũng là đánh giá lợi thế thương mại và theo ước chừng chứ không có tiêu chí chính xác để đánh giá giá trị lợi thế thương mại. Khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, hôm nay giá đất cao nhưng có thể ngày mai sẽ rẻ. Bộ trưởng Tài chính nêu rõ bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi.

Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng Phớc cho biết Nghị quyết 60 năm 2018 không cho doanh nghiệp có nguồn gốc nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho nhà nước. Khi đó, nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đấy cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng.

Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nhà đất là tài sản của nhà nước. Trước đây theo Nghị định 167, bây giờ là Nghị định 67, trước khi chuyển sang phải có sự sắp xếp, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho nhà nước và phần nào đưa vào trong giá trị cổ phần hóa hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hóa. Bộ trưởng cho rằng trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp để xác định tính hợp lý sử dụng.

Không phát hiện thất thu thuế từ xe sang biếu tặng

Liên quan đến vấn đề xe sang biếu tặng, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe cho đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.

Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm miễn bất cứ loại thuế nào. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này.

Sau khi báo chí phản ánh, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để xử lý chuyện này. Tổng cục Hải quan đã phối hợp cùng Bộ Công an tiến hành xác minh xử lý, đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo các cục thuế, Tổng cục Hải quan, cục hải quan địa phương kiểm tra rà soát, định giá lại trong thời gian vừa qua, bộ không phát hiện ra sự thất thu thuế; các loại thuế đều đã được thu đầy đủ.

Bài liên quan
Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xin hưởng khoan hồng
Tại tòa, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng “xin lỗi Đảng, nhân dân”, xin HĐXX xem xét cho hưởng khoan hồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Vừa rồi thất thoát rất nhiều thông qua cổ phần hóa, chủ yếu từ đất đai