Tổng thể chương trình phục hồi KT-XH có 347 nghìn tỉ, có 46 nghìn tỉ chương trình vắc xin chưa phải dùng, còn lại là 301 nghìn tỉ nhưng mới giải ngân được 22 nghìn tỉ.
Hơn 300 nghìn tỉ chương trình phục hồi KT-XH, giải ngân được 22 nghìn tỉ
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4.6, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết chương trình phục hồi phát triển kinh tế là chương trình tổng thể có 5 nhiệm vụ chính, có nhiều nhiệm vụ tiếp nối các nghị quyết trước đây đã được Quốc hội và Chính phủ ban hành như Nghị quyết 30, Nghị quyết 105.
Chương trình phục hồi thực chất được thực hiện ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 cũng như Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 vào tháng 1.2022. Tổng thể chương trình 347 nghìn tỉ thuộc tất cả các chương trình, hoạt động khác nhau, không bao gồm 46 nghìn tỉ chương trình vắc xin chưa phải dùng đến vì chương trình vắc xin có nhiều thành công.
Như vậy, số tiền còn lại là 301 nghìn tỉ, đã giải ngân được 22 nghìn tỉ thuộc tất cả các hoạt động khác nhau.
Ông Phương cho biết có 4 chương trình. Chương trình thứ nhất là cho vay thông qua ngân hàng chính sách xã hội đối với đối tượng chính sách thuê mua nhà ở xã hội.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, hiện nay đã giải ngân hơn 4,5 nghìn tỉ đồng trên tổng số tiền được giao kế hoạch năm nay là 19 nghìn tỉ cho hơn 100.000 khách hàng vay vốn. Như vậy chương trình cho vay chính sách nhà ở xã hội thực hiện đáng kể, ngân hàng đã tích cực triển khai mạnh mẽ.
Nhóm chương trình thứ hai là hỗ trợ công nhân thuê nhà theo Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giải ngân đến ngày 20.5 đã đạt 1,7 tỉ đồng.
Về nhóm hoạt động thứ ba liên quan đến miễn giảm thuế thu nhập đặc biệt, có tác động đến chính sách tài khóa. Đã hỗ trợ khoảng 11.800 tỉ đồng trên 60 nghìn tỉ đồng. Chính sách miễn giảm thuế này được thực hiện ngay từ tháng 2.2022.
Thứ tư, hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong quy trình này theo Nghị quyết 43 thì khoản tương đương chi phí cơ hội là khoảng 135 nghìn tỉ với việc giãn hoãn như thế này, tác động đến ngân sách nhà nước tương đương 6 nghìn tỉ đồng.
Tổng hợp lại thì kết quả giải ngân cho đến nay là 22 nghìn tỉ đồng.
Giải ngân đầu tư công phải làm chặt chẽ
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hiện nay còn đang trong quá trình hoàn thiện và chờ cấp có thẩm quyền ban hành. Về cơ bản, các văn bản đã được ban hành.
Ví dụ như Nghị định hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất cho đến nay đã sẵn sàng triển khai gấp rút. Còn lại 3 văn bản liên quan cấp nghị định và thông tư hướng dẫn, các cơ quan đang đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn về chỉ định thầu trong chương trình phục hồi. Đây là quy định mang tính cởi mở, tác động thêm để rút ngắn các quá trình trong đấu thầu thi công.
“Đến thời điểm này, Bộ KH-ĐT, đơn vị chủ trì đã trình Thủ tướng, Phó thủ tướng. Sau khi có chỉ đạo, sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Văn bản hướng dẫn các bộ liên quan cũng đang gấp rút hoàn thành”, ông Phương nói.
Về gói 113 nghìn tỉ thuộc phần đầu tư công, ông Phương cho biết phải thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, qua từng bước một. Hiện nay đã thực hiện xong bước đầu tiên là Thủ tướng Chính phủ thông báo với các bộ, ngành, địa phương liên quan danh mục dự án với số tiền cụ thể để làm căn cứ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ KH-ĐT đã có công văn hướng dẫn đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục phê duyệt các chủ trương đầu tư này trong thời gian sớm nhất để Bộ KH-ĐT tổng hợp.
Sau bước này, bước hai là tổng hợp danh mục các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trình Chính phủ xem xét, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phê duyệt. Đây là quy định theo Luật Đầu tư công, Nghị quyết 43 của Quốc hội. Bước này chúng tôi thực hiện rơi vào quý 3.
Do vậy, sau khi phân bổ kế hoạch xong, tức là sau khi Quốc hội phê duyệt xong, thì Thủ tướng sẽ làm bước thứ ba là giao cụ thể kế hoạch danh mục dự án, số vốn cho các bộ, ngành địa phương liên quan. Trên cơ sở đó, bước bốn là các bộ, ngành, địa phương phải phê duyệt quyết định đầu tư các chương trình dự án trong chương trình phục hồi. Sau khi phê duyệt kế hoạch đầu tư, có vốn mới có thể bắt đầu triển khai các hoạt động, các biện pháp giải ngân là giải phóng mặt bằng, đấu thầu thi công.
“Quy trình trong đầu tư công phải làm từng bước, không thể làm tắt được, nếu không sẽ vi phạm quy định pháp luật, hết sức cấm kỵ trong Luật Đầu tư công. Rất mong các nhà báo cùng các bộ, ngành theo dõi giám sát hết sức chặt chẽ tiến độ chương trình, từng bước, xong bước nào đến bước tiếp theo, không nên quá sốt ruột”, ông Phương nói.
Tại phiên họp bất thường ngày 4.6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhằm hỗ trợ kịp thời, thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng Quốc hội thông qua nghị quyết, đến nay mới chỉ thực hiện ở khâu Thủ tướng Chính phủ thông báo số vốn để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai xây dựng, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án, như vậy là rất chậm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng Nghị quyết số 43 được ban hành ngay từ đầu năm 2022 nhưng đến nay (đã qua gần 5 tháng) Chính phủ vẫn chưa có danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Sự chậm trễ này phần nào làm giảm hiệu quả của chương trình phục hồi kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm triển khai quyết liệt hơn.
Nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xử lý số vốn còn lại cho lĩnh vực hạ tầng và các dự án khác để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có căn cứ thực hiện.