Sáng 2.6, tại cuộc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã thông tin về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỉ đồng.
Tiến độ thực hiện ra sao?
Về tiến độ thực hiện gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gần 350.000 tỉ đồng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết một phần trong số đó đã dùng mua vắc xin và trang thiết bị y tế. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, do đó việc sử dụng gói này tùy theo tình hình sắp tới, nếu cần có thể chi và sử dụng ngay.
Ngoài ra, một phần khác là khoản miễn, giảm thuế. Sau khi Nghị quyết 43/2022/QH15 ra đời, với sự tham mưu của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định giảm thuế GTGT từ tháng 2.2022 từ 10% xuống còn 8%, thực hiện trong năm 2022. Chính sách này đã làm rất nhanh và hiện vẫn đang triển khai.
Một phần của gói hỗ trợ là chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng chính sách với 5 chương trình. Cơ bản các cơ chế, chính sách đã xây dựng xong và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được gần 1/3.
Theo Phó thủ tướng Khái, cùng với việc xây dựng chính sách thì Ngân hàng chính sách và các bộ ngành cũng làm rất nhanh, giải ngân phù hợp và kịp thời.
Ông Khái cũng cho hay Chính phủ đã xây dựng xong 2 nghị định, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và giảm một số sắc thuế. Từ nay đến cuối năm thực hiện xong.
Về tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà, Phó thủ tướng cho biết mặc dù đã có quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhưng việc phân bổ vốn và giao vốn cho các địa phương chưa rõ nên triển khai chậm. Thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương để thống nhất số liệu để giải ngân gói này càng sớm càng tốt.
Đối với khoản hỗ trợ lãi suất, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ rút kinh nghiệm, làm một cách chặt chẽ và hướng dẫn bằng nghị định để khi thực hiện sẽ được thông suốt và thuận lợi.
Một phần quan trọng trong gói hỗ trợ là dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên khoản này phải thực hiện theo Luật Đầu tư công nên chậm. Phó thủ tướng bày tỏ tin tưởng những kết quả đạt được là tiền đề rất quan trọng để gói hỗ trợ được thực hiện tốt trong thời gian tới.
4 yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, ngay từ đầu năm nay, nhiều yếu tố trong và ngoài nước ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, như căng thẳng địa chính trị, chiến tranh ở Ukraine, lạm phát tăng cao tại các quốc gia là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam, giá cả các nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn cung biến động mạnh… Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm các cân đối lớn, nền kinh tế trên đà phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng.
Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết riêng lạm phát của tháng 5 và cả 5 tháng cũng đã cơ bản được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 5 tăng 2,86% so với cùng kỳ năm 2021, tính chung của 5 tháng là tăng 2,25%, tương đương với cùng kỳ của các năm 2018 đến 2021.
“Tuy nhiên, áp lực điều hành và thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm dưới 4% là rất lớn, do các yếu tố từ cả bên trong và bên ngoài của nền kinh tế. Đó là giá cả hàng hóa, lương thực, thực phẩm, dầu thô, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, rủi ro, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất, tiêu dùng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trong khi đó, ở trong nước, có 4 yếu tố được Bộ trưởng Dũng chỉ ra là sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.
Thứ nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, chi phí vận tải tăng cao. Thứ hai là sức mua tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ. Thứ ba là tăng học phí năm học 2022-2023. Thứ tư là giá đầu vào và mặt bằng lãi suất cho vay dự báo tiếp tục tăng, tạo áp lực lên chi phí vốn vay và chi phí sản xuất, tạo sức ép cho tăng giá bán đầu ra.
Theo đó, qua theo dõi, CPI của 5 tháng năm 2022 so với cuối năm 2021 đã tăng 2,48%, tức là gấp khoảng 1,5 lần cùng kỳ của năm trước dịch.
“Đây là mức tăng cao phản ánh khá rõ xu thế tăng giá của các mặt hàng trong thời gian tới”, ông Dũng nhận định và cho biết Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung - cầu, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền…
Đầu tư công vướng nhiều luật liên quan
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay đầu tư công không những bị chi phối bởi Luật Đầu tư công, mà còn bị chi phối bởi rất nhiều luật khác, như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Khoáng sản…
“Trong cùng một lúc chúng ta phải tuân thủ thực hiện tất cả các luật đó, mà các khâu trong một quy trình đó không được làm trước, phải xong cái này mới được làm cái kia, thế nên mỗi một khâu theo từng luật đó phải trải qua các công đoạn và mất rất nhiều thời gian như vậy”, Bộ trưởng Dũng giải trình.
Do vậy, giải pháp căn cơ mà Bộ trưởng Dũng đề xuất là phải rà soát lại quy định của Luật Đầu tư công cũng như các quy định của các pháp luật khác liên quan, chứ không phải là chỉ Luật Đầu tư công.
“Chúng ta không thể giải quyết ngày một ngày hai vấn đề này là vì vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rõ và cho biết Chính phủ “đang rất quyết liệt”. Bộ trưởng mong muốn các đại biểu quốc hội, các đoàn đại biểu quốc hội sẽ tăng cường công tác giám sát ở các bộ các ngành cũng như ở các địa phương của mình, để làm sao giúp cùng với Chính phủ trong việc đôn đốc, kiểm tra, thúc đẩy giải ngân ở các bộ ngành và địa phương.