Chiều 25.7, phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế, xã hội của kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch lần thứ 4 là nghiêm trọng với nền kinh tế nước ta.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Riêng trong tháng 7 sẽ có hơn 12 triệu liều vắc xin

Dạ Thảo | 25/07/2021, 16:40

Chiều 25.7, phát biểu tại buổi thảo luận về kinh tế, xã hội của kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đợt dịch lần thứ 4 là nghiêm trọng với nền kinh tế nước ta.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay dịch bệnh đã lan tới 59/63 tỉnh thành và các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp. Bộ Y tế cũng đã huy động hàng ngàn nhân lực từ trung ương tới địa phương để chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch, thiết lập các kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng.

“Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan”, ông Long cho hay.

Theo ông Long, hiện nay ngành y tế đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm ca mắc, giảm tử vong, đồng thời bảo vệ hiệu quả các vùng, khu vực đang được kiểm soát tốt. Trước mắt, cần ưu tiên chống dịch, tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, hỗ trợ người lao động... 

Về vấn đề vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết với các thỏa thuận cung ứng vắc xin thì Bộ Y tế cũng đã và đang nỗ lực tiếp cận các nguồn viện trợ cũng như ký kết thỏa thuận với các đơn vị cung ứng vắc xin. "Đến nay, chúng ta đã có cam kết, thỏa thuận, nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Ý, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều, đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021".

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định tình hình khan hiếm vắc xin toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn. Như cơ chế COVAX dự kiến cung ứng 3,86 tỉ liều nhưng đến nay mới đáp ứng được được 89,8 triệu liều cho 133 quốc gia - đạt 2,5% theo kế hoạch khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng càng trở nên khó khăn khi biến chủng mới lan rộng.

long-1-anh-ttx(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long  - Ảnh: Thông tấn xã

Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vắc xin, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vắc xin sẽ được chuyển cho các địa phương đang có dịch, các tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vắc xin, vào quý 1/2021, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy vi rút mở đường cho nghiên cứu vắc xin, đồng thời cũng là nước đầu tiên trong khối Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm giai đoạn 3 và đến tháng 8.2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và sẽ thực hiện việc đăng ký theo quy định. "Việc tiêm vắc xin để tạo ra miễn dịch cộng đồng là giải pháp cần thiết sẽ được Bộ Y tế đồng loạt triển khai quyết liệt và thực hiện đến cuối năm 2021", ông Long cho hay.

Ngoài những giải pháp, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cảm ơn các tư lệnh ngành cũng như các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến và quan tâm, trách nhiệm cao nhất để đất nước chiến thắng đại dịch. “Tôi xin cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng Nghị quyết để đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm soát dịch bệnh. Xin được cám ơn nhân dân cả nước đã cùng chung tay, chung sức góp phần quan trọng cho công cuộc phòng chống đại dịch. Ngành y tế sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp từ đó xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các chính sách, chiến lược trong phòng chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu.

tiem-vac-xin-covid.jpg
Tiêm vắc xin COVID-19 để tạo ra miễn dịch cộng đồng là giải pháp quan trọng để chặn nguồn lây của dịch bệnh - Ảnh: Thành Chung

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng biến chủng Delta ở đợt dịch lần này là cực kỳ nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh chóng.

Theo đại biểu Hiếu, tiêu chí để chống dịch tốt trong giai đoạn hiện nay là có kịch bản cho việc tránh bùng phát dịch và hiện 3 nguyên tắc chung cho cả nước để chống dịch là chống lây lan tối đa, bảo đảm phát triển kinh tế và giảm tử vong tối đa. Về nguyên tắc giảm tử vong tối đa, ông Hiếu cho rằng cần chia hệ thống chống dịch thành ba tầng là chăm sóc người nhiễm F0 không có triệu chứng. Cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện quy trình theo dõi nghiêm túc, bảo đảm điều kiện sinh hoạt.

Ở tầng 2 là tầng đã triển khai rộng rãi nhiều năm là các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. "Tuyến này cần thiết nhất là đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc các khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế, đánh giá mức độ bệnh chính xác để chuyển tuyến không quá sớm hoặc quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức, cần bổ sung cho tầng này máy oxy dòng cao, thuốc men trong danh mục điều trị COVID-19", ông Hiếu cho hay.

Còn tầng 3 là tầng quan trọng nhất nhưng hiện lại yếu nhất là các trung tâm điều trị các ca nặng, nguy kịch. "Cần khẩn trương hình thành các trung tâm này, chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hoặc hỗ trợ can thiệp ECMO. Nguồn lực của cả trung ương, địa phương cần tập trung vào đây sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính", ông Hiếu nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Bộ Y tế: Riêng trong tháng 7 sẽ có hơn 12 triệu liều vắc xin