Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Cơ quan hay tổ chức cá nhân nào chậm triển khai là có lỗi với dân; để xảy ra tiêu cực, trục lợi là có tội với dân”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Để trục lợi trong gói 26.000 tỉ đồng là có lỗi, có tội với dân

Lam Thanh - Tuyết Nhung | 07/07/2021, 22:00

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Các chính sách hỗ trợ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Cơ quan hay tổ chức cá nhân nào chậm triển khai là có lỗi với dân; để xảy ra tiêu cực, trục lợi là có tội với dân”.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định điều này tại họp báo chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 chiều 7.7.

bo-lao-dong.jpg
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội họp báo

Quyết định 23 không cần hướng dẫn nào khác

Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 nhằm quy phạm hóa việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ.

Theo Quyết định này, 12 chính sách theo Nghị quyết 68 sẽ được cụ thể hóa cách thức thực hiện, theo hướng đơn giản hóa tối đa.

“Sau Quyết định 23 sẽ không cần bất cứ hướng dẫn nào khác, tất cả hướng dẫn triển khai đều đã được xây dựng hết sức cụ thể, chi tiết. Những vấn đề bắt buộc phải thực hiện theo quy phạm pháp luật thì cần thực hiện nghiêm túc, những vấn đề không bắt buộc thì vừa làm vừa điều chỉnh. Đặc biệt chú trọng tăng cường hậu kiểm, tăng cường giám sát. Trong quá trình triển khai, trách nhiệm của người đứng đầu cũng được đề cao hết mức”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quyết định quy định đối tượng áp dụng; mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đăng ký tham gia, lựa chọn phương thức đóng, sử dụng và quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đây là chính sách hỗ trợ mới, theo đó người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ ngày 1.7.2021 đến hết ngày 30.6.2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19.

“Mặc dù mức đóng là 0% nhưng người lao động vẫn được bảo đảm quyền lợi như khi đóng theo mức thông thường. Chính sách không phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc đăng ký tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất cũng có nhiều điểm mới. Cụ thể, nới lỏng điều kiện so với Nghị quyết 42/NQ-CP và Nghị quyết 154/NQ -CP, chỉ cần giảm 15% số lao động thuộc diện tham gia BHXH là được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian tạm dừng đóng theo Nghị quyết 68 là 6 tháng, dài hơn so với Nghị quyết 154/ NQ-CP trước đây là 3 tháng.

Thủ tục đơn giản hơn so với các trường hợp đề nghị tạm dừng đóng thông thường đang được quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP và Thông tư 59/2015/TT-LĐTBXH, thay vì phải qua hai bước là cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH thì nay chỉ phải gửi đến duy nhất một địa chỉ là cơ quan BHXH.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh 1 bước tiến lớn là thời gian giải quyết giảm từ 25 ngày (đối với các trường hợp thông thường) xuống còn 5 ngày. Hồ sơ cũng đơn giản hoá rất nhiều so với các đợt dịch trước, từ 3 thành phần hồ sơ còn 1 thành phần hồ sơ; hệ thống mẫu biểu cũng đơn giản, thuận tiện hơn (giảm khoảng 50% số thông tin phải kê khai).

Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc cũng là một chính sách mới theo Nghị quyết số 68/NĐ-CP. Trình tự thủ tục thực hiện chính sách này xây dựng theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và thời gian thực hiện để tạo thuận lợi cho người lao động dễ thực hiện và sớm nhận được hỗ trợ.

Lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Huỳnh Văn Thuận, các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cũng được đơn giản hóa tối đa.

Theo đó, hộ kinh doanh chỉ cần nộp giấy đề nghị hỗ trợ tại UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh để tổng hợp, trình các cấp. Thời hạn giải quyết tối đa 10 ngày (giảm 2 ngày so với trước), hồ sơ được cắt giảm chỉ có giấy đề nghị.

Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cũng là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.

Ông Huỳnh Văn Thuận cho biết, ngày mai (8.7), Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai hướng dẫn và cho hộ kinh doanh và người sử dụng lao động vay vốn trên tinh thần nhanh nhất có thể. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động, phối hợp với cơ quan chức năng để việc cho vay được triển khai thuận lợi nhất.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, hiệu quả thiết thực, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trong đó Bộ trưởng là Trưởng ban, các Thứ trưởng là các Phó trưởng ban. Mỗi Phó trưởng ban phụ trách theo dõi chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện một hoặc một số chính sách của Nghị quyết và phụ trách theo dõi việc thực hiện Quyết định tại các địa phương theo từng vùng kinh tế.

Bộ cũng thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải đáp các chính sách cũng như nhận các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, thành lập Tổ truyền thông để thông tin kịp thời, đầy đủ các chính sách đến người dân, doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Để trục lợi trong gói 26.000 tỉ đồng là có lỗi, có tội với dân