Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu tháng 10.2018 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải đưa vào khai thác thương mại dự án này.
Tại cuộc làm việc của Đoàn công tác của Bộ GTVT với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội diễn ra chiều 6.4, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) của các Dự án. Cụ thể, hoàn thành công tác GPMB Dự án cầu Việt Trì - Ba Vì trước ngày 30.4.2018; hoàn thành công tác GPMB Dự án đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ trước ngày 30.4.2018…
Về các dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh và cương quyết yêu cầu các đơn vị quản lý và tham gia dự án phải tập trung hoàn thành, không có bất cứ lý do nào cho lùi tiến độ.
“Trong tháng 7 sẽ hoàn thành dự án cầu Việt Trì, tháng 8 sẽ xong cao tốc Hoà Lạc – Hoà Bình. Riêng dự án đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 sẽ phải hoàn thành trước 30.6, dự án đường Vành đai 3 hoàn thành toàn bộ trước 31.8, không có bất cứ lý do nào để lùi hay trì hoãn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Liên quan đến tiến độ dự án tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông), tại Hội nghị, ông Vũ Hồng Phương - Phó Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, nhờ sự phối hợp của UBND TP Hà Nội và các quận nên công tác giải phóng mặt bằng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không có vướng mắc gì. Tuy nhiên, hiện có sự lấn chiếm gầm đường sắt trên cao làm bãi đỗ xe.
Ông Vũ Hồng Phương cũng cho biết, đến nay đơn vị này đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường lực lượng thi công đồng bộ tất cả các hạng mục còn lại của dự án Cát Linh -Hà Đông.
“Về phần xây dựng, hiện chỉ còn 4% khối lượng dự án, 90% thiết bị liên quan đến dự án đã được mua sắm xong; 76% lượng thiết bị đã được lắp đặt”, ông Vũ Hồng Phương báo cáo.
Bộ GTVT cho biết, hiện nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đang vướng mặt bằng thi công hạng mục thoát nước đoạn Hoàng Cầu - Yên Lãng. Ban quản lý dự án đã nhiều lần làm việc và có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và Công ty Công viên cây xanh Hà Nội khẩn trương bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, đến nay về phía Bộ GTVT vẫn chưa nhận được mặt bằng để thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Bộ GTVT kiến nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị nêu trên khẩn trương thực hiện và bàn giao mặt bằng dự án.
Chỉ đạo về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu tháng 10.2018 phải vận hành kỹ thuật tuyến đường sắt, tháng 12 phải đưa vào khai thác thương mại dự án này.
“Các đơn vị liên quan phải xem xét kỹ quy trình vận hành tuyến đường sắt, trong đó có vấn đề về đội ngũ cán bộ, công nhân viên và việc ứng xử với những sự cố kỹ thuật có thể xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Cũng tại cuộc làm việc, UBND TP.Hà Nội đề nghị Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh quy hoạch và tổ chức cắm mốc giới Quy hoạch, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, cùng với Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TP Hà Nội triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng theo quy hoạch.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 20.5.2008, với định hướng sau 2020 sẽ triển khai đầu tư các nhà ga và đường cất hạ cánh số 3 về phía Nam, kinh phí GPMB, CụcHàng không Việt Nam (HKVN) ước tính khoảng 80.000 tỉ đồng.
Trường hợp thành phố Hà Nội có thể bố trí đủ vốn cho công tác GPMB theo quy hoạch đã được duyệt nêu trên, Bộ GTVT hoan nghênh và sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định (Theo phương án này không phải điều chỉnh quy hoạch được duyệt, chỉ rà soát điều chỉnh cục bộ vị trí các công trình trong phạm vi quy hoạch được duyệt).
Trường hợp không đủ vốn cho GPMB để phát triển theo quy hoạch đã được duyệt, trước nhu cầu vận tải hàng không tăng nhanh Cục HKVN đang đề xuất phương án rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở quỹ đất hiện có và một phần đất quân sự phía Bắc.
“Đây là phương án khá phức tạp nên Cục HKVN đề xuất cần thuê tư vấn quốc tế để thực hiện (do nguồn vốn ngân sách dành cho công tác lập quy hoạch cũng khó khăn nên Bộ GTVT, Cục HKVN đang cân nhắc về nguồn để báo cáo TTgCP xem xét, cho phép lựa chọn tư vấn nước ngoài để lập quy hoạch)”, ông Lâm nói.
Về nội dung này,đồng tình với ý kiến phát biểu tại buổi làm việc của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Bộ trưởngNguyễn Văn Thể nhấn mạnh, Cảng Hàng không quốc tếNội Bài là cảng hàng không trung tâm của cả nước, cửa ngõ của Thủ đô đón khách quốc tế và cả nước đi – về, do vậy cần được đầu tư tương xứng với vị thế của nó.
Do đó, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo Cục HKVN và Tổng công ty Cảng Hàng không khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh.
“Muốn làm quy hoạch thì ngoài trách nhiệm của các cơ quan trong Bộ GTVT, phải phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để có nghiên cứu khoa học, cụ thể, cần có tầm nhìn chiến lược lâu dài, phải phù hợp với sự phát triển trong 50 năm,thậm chí là 70 năm hoặc lâu hơn nữa chứ không phải vừa quy hoạch xong đã lỗi thời không đáp ứng nổi sự tăng trưởng vận tải. Nếu các cơ quan trong nước không đáp ứng được nghiên cứu quy hoạch tốt thì mời tư vấn nước ngoài…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Lam Thanh