Phân tích nguyên nhân chủ yếu của lạm phát hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Căn nguyên của lạm phát hiện nay rất khác giai đoạn 1997 và 2008-2013

Sơn Lam | 02/02/2023, 19:35

Phân tích nguyên nhân chủ yếu của lạm phát hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội phục hồi tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt trong năm 2022.

Đáng chú ý, thị trường tiền tệ bước đầu có mức tăng trưởng tích cực. Đến ngày 17.1, tín dụng tăng 0,65% so với cuối năm trước; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đáp ứng nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của người dân, doanh nghiệp trước và trong dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tăng cao.

"Chính vì vậy, yêu cầu cần có các giải pháp chủ động điều hành mới, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn lạm phát chung (4,89%), là mức tăng cao nhất cùng kỳ tháng 1 từ năm 2016 đến nay.

Việc này đã được dự báo từ trước, khi lạm phát và giá cả tháng 1 chịu tác động cộng hưởng đồng thời bởi nhiều yếu tố: Quy luật tiêu dùng, giá cả tăng cao vào dịp Tết; các chính sách hỗ trợ thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… hết hiệu lực từ đầu năm 2023; xu hướng lạm phát tăng từ nửa cuối năm 2022 đến nay; chi phí sản xuất tăng, bao gồm cả lãi vay, tiền lương, giá nguyên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu…

dung.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Phân tích nguyên nhân chủ yếu của lạm phát hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, căn nguyên không xuất phát từ thị trường tài chính, tiền tệ như giai đoạn 1997 và 2008-2013, mà do gián đoạn chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.

“Đây là vấn đề chưa từng có tiền lệ, phát sinh do kinh tế thế giới đồng thời bị tác động bởi đại dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine, cộng hưởng với chính sách tiền tệ nới lỏng mà nhiều quốc gia theo đuổi trong giai đoạn trước đây”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng Dũng cho rằng để ứng phó với tình trạng lạm phát cao, nhiều nền kinh tế lớn tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, làm thu hẹp phía cầu của nền kinh tế để tận dụng thời gian, củng cố lại các chuỗi cung ứng và sản xuất. Tuy nhiên, mặt trái là làm suy giảm hoạt động đầu tư, hạn chế việc cải thiện phía cung của nền kinh tế. Từ đó, tạo thành nguy cơ "đình lạm" kéo dài, tức là lạm phát cao, tăng trưởng thấp tại các quốc gia.

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trọng tâm chính sách để kiểm soát lạm phát không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải đồng thời là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định.

Ngoài ra, trước tình hình doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp khó khăn, thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, lãi suất tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn trong thời gian vừa qua sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải kịp thời nghiên cứu, bổ sung ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng chỉ số lạm phát tiêu dùng (CPI) bình quân chung tăng 3,15% so với năm 2021, cao hơn chỉ số lạm phát cơ bản bình quân năm 2022 là 2,59%, chứng tỏ biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

“Mặc dù có những thời điểm USD lên giá trên 8% so với VND, nhưng tính chung cả năm 2022, đồng USD chỉ lên giá 2,09% so với VND. Đây chính là điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam năm 2022 khi kiểm soát được tỷ lệ lạm phát trong bối cảnh các nước trên thế giới chật vật đối phó với lạm phát phi mã”, ông Thịnh nói.

thinh.jpg
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Về lạm phát năm 2023, theo đánh giá của ông Thịnh, lạm phát của nền kinh tế thế giới dù có xu hướng hạ nhiệt nhưng được dự báo vẫn ở mức cao khoảng 6,5%, từ đó tác động rất lớn đến tới giá cả hàng hóa và tình hình lạm phát trong năm 2023 của Việt Nam.

Lý do là Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới và có gần 40% nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhập khẩu từ các quốc gia trên thế giới nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa để phòng chống đại dịch COVID-19 cũng có thể làm sản xuất tăng trưởng, tăng sức ép về giá cả xăng dầu, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của thế giới và gia tăng áp lực lạm phát…

Bài liên quan
Bộ trưởng hỏa tốc yêu cầu cây xăng thực hiện nghiêm hóa đơn điện tử
Bộ Công Thương vừa ban hành công điện chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Căn nguyên của lạm phát hiện nay rất khác giai đoạn 1997 và 2008-2013