Bộ Y tế cho biết đến hết tháng 8, đầu tháng 9 sẽ cố gắng phân bổ khoảng 5 triệu liều vắc xin cho TP.HCM để có thể tiêm cho 50% đối tượng tiêm, đồng thời đề nghị không phân biệt các loại vắc xin.
Chiều 19.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, đã làm việc với lãnh đạo của TP.HCM về vấn đề vắc xin.
Tại cuộc họp, PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết tổng số vắc xin tích lũy được phân về phía nam sau 12 đợt là 2 triệu liều.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM - Dương Anh Đức cho biết thành phố đã được phân bổ hơn 930.000 liều vắc xin để chuẩn bị cho đợt tiêm vắc xin thứ 5. Trong đó có 235.000 liều Moderna, gần 55.000 liều Pfizer, 19.000 liều Sinopharm, số còn lại là AstraZeneca.
Các bệnh viện sẽ tập trung tiêm cho 2 đối tượng là người già trên 65 tuổi và người có bệnh nền, cụ thể là bệnh phổi mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường và béo phì (có chỉ số BMI lớn hơn 30).
TP.HCM đang sử dụng hệ thống phần mềm quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu của người tiêm vắc xin, hiện có khoảng 1,3 triệu người đăng ký. Song trong số này, TP.HCM ưu tiên cho người già, bệnh mạn tính, người nguy cơ cao như người nghèo, người giao thương, giao dịch nhiều như làm công tác vận chuyển, giao hàng...
Việc tiêm được tổ chức đồng loạt tại các quận, huyện, TP.HCM với 2 điểm tiêm trên 312 phường, xã, tổng cộng là 624 điểm tiêm và 20 bệnh viện. TP.HCM cũng tổ chức hơn 100 xe cấp cứu để xử lý các sự cố.
Trước mắt, ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM sẽ vận hành 615 điểm tiêm do một số điểm nằm trong khu vực phong tỏa. Ngay sau khi giải tỏa, ngành y tế sẽ tổ chức tiêm cho người dân để đảm bảo an toàn.
Các quận, huyện, TP sẽ vừa theo dõi, vừa rút kinh nghiệm để triển khai đồng loạt ở các địa điểm. Trong chiều 20.7, vắc xin và danh sách đối tượng tiêm đã được chuyển đến các địa phương để triển khai.
Ông Đức cho biết thành phố sẽ có giai đoạn vận hành thử nghiệm trong 2 ngày, sau đó sẽ tăng tốc từ từ cả hệ thống với mục tiêm tiêm hết 930.000 liều vắc xin trong 2 tuần.
Phó chủ tịch TP.HCM cho biết thành phố sẽ tiêm với tốc độ vừa phải vì thành phố đang tổ chức giãn cách theo Chỉ thị 16, tránh tuyệt đối tụ tập đông người.
Về khó khăn, ông Đức cho hay các đối tượng trên 65 tuổi chưa được liệt kê đầy đủ danh sách. Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 650.000 người thuộc nhóm này và dự kiến tiêm trong đợt 5, đợt 6, phấn đấu hoàn thiện trong thời gian sớm nhất có thể.
Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ hiện thành phố đang bị động trong việc lên kế hoạch tiêm do chưa nắm bắt được số lượng và loại vắc xin mà Bộ Y tế sẽ phân bổ. Ông Đức đề xuất Bộ Y tế thông tin ban đầu về số vắc xin có thể phân cho thành phố cuối tháng 7, đầu tháng 8 để thành phố có thể tổ chức tiêm liên tục.
Trong 1-2 ngày tới, TP.HCM sẽ tập trung tiêm 100.000 liều vắc xin AstraZeneca đang lưu trữ trong kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và phối hợp với Viện Pasteur để thực hiện theo lộ trình.
Hiện mục tiêu mỗi điểm tiêm sẽ tiêm cho 120 người/ngày để đảm bảo "không quá vội vàng", gây tập trung đông người trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 16. Sau đó, thành phố sẽ điều chỉnh tăng lên theo khuyến cáo của Bộ Y tế là tối đa 200 người/ngày/điểm tiêm.
Tại buổi họp, Bộ Y tế và TP.HCM thống nhất quan điểm "không tiêm theo vùng mà theo đối tượng".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định TP.HCM đang là nơi chống dịch căng thẳng nhất. Đây cũng là đầu cầu kinh tế nên ông đề nghị Bộ Y tế cố gắng tính toán để ưu tiên phân bổ vaccine cho TP.HCM.
Bộ Y tế thông tin đến hết tháng 8, đầu tháng 9, Bộ Y tế sẽ cố gắng phân bổ khoảng 5 triệu liều vắc xin cho thành phố để có thể tiêm cho 50% đối tượng tiêm. Bộ cũng đề nghị không phân biệt các loại vắc xin.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ mỗi ngày thực hiện Chỉ thị 16 là "một ngày đau đớn" nên thành phố đang rất khẩn trương. Về vấn đề tiêm vắc xin, dù nguồn vắc xin đến từ từ nhưng ông khẳng định thành phố cũng sẽ tiến hành khẩn trương, không phân biệt loại nào.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị trong đợt tiêm này, ngoài tuyến đầu chống dịch, thành phố sẽ tiêm vắc xin cho người thân của các y bác sĩ để lực lượng này yên tâm chiến đấu. Ngoài ra, nhóm người có nguy cơ cao, dễ tử vong cũng cần ưu tiên tiêm trước. Đại diện Bộ Y tế và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất với đề nghị này của Bí thư TP.HCM.
Phó thủ tướng: Đã giãn cách thì phải nghiêm ngặt
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định thực tiễn ở TP.HCM là chuyện "chưa từng gặp". Dù Việt Nam đã qua nhiều đợt dập dịch, có lúc dịch vào Khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng Bắc Giang, Bắc Ninh không thể so được với TP.HCM, điều kiện kinh tế xã hội, quy mô dân số rất khác nhau.
Chính phủ rất chia sẻ với những khó khăn của TP, chia sẻ với những vất vả của nhân dân sau một thời gian khá dài thực hiện giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau.
Đến giờ, tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp, trong những ngày tới đây số ca nhiễm vẫn sẽ còn lớn. TP phải tiếp tục bóc F0 ra khỏi cộng đồng, để không bị lây nhiễm tiếp. Bộ Y tế có phân tích nếu để ca nhiễm vào trong cộng đồng, không phát hiện kịp thời sẽ lây ra rất nhanh và rất có thể lây cho những đối tượng có bệnh nền.
Theo Phó Thủ tướng, biến chủng lần này khi đã diễn biến nặng thì diễn biến rất nhanh, nếu không bóc ra khỏi cộng đồng, đưa vào các trung tâm theo dõi thì nguy cơ tử vong rất lớn. TP phải chuẩn bị một lượng các trung tâm thu dung F0 rất lớn.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh TP.HCM phải lưu ý việc "đã giãn cách thì phải nghiêm ngặt". TP.HCM địa bàn rộng, rất khó kiểm soát nhưng TP phải tính toán các biện pháp siết chặt hơn, tính toán phương án ở một số địa bàn đặc thù thì có thể tiến tới áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Cách ly nghiêm ngặt là biện pháp làm chậm sự lây lan.
Phó thủ tướng đánh giá, sau một thời gian, công tác xét nghiệm của TP đi vào quy củ và hiệu quả hơn. Việc phát hiện F0 trong những lần xét nghiệm cho thấy đã đánh đúng vào những điểm cần phải đánh. TP đã làm tốt việc phân tầng F0 ngay từ đầu và TP tới đây sẽ tiếp tục làm.
Ông Đam cho rằng, thách thức lớn nhất của TP.HCM trong thời gian tới là phải làm sao giảm tỉ lệ F0 có diễn biến thành nặng đến rất nặng. Đã lên rất nặng thì những nước tiên tiến nhất trên thế giới cũng rất khó cứu.
"TP vừa rồi đã làm rất nỗ lực các trung tâm thu dung và điều trị ban đầu. Chúng ta có sáng kiến này rất tốt, giải quyết các thủ tục rất nhanh, để mở rộng rất nhanh các khu này, và trang bị hệ thống oxy tập trung rất tốt. Những người bắt đầu có triệu chứng cho thở oxy ngay thì tỉ lệ chuyển biến rất nặng, tử vong giảm rất đáng kể", ông Đam nói.
Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng cho rằng TP phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản số F0 tiếp tục tăng. Bộ Y tế sẽ dành ưu tiên tối đa về thiết bị điều trị cho TP.HCM, tuy nhiên có hạng mục có tiền cũng không mua được như ECMO.
Vì vậy, mục tiêu vẫn là tranh thủ những trang thiết bị hiện có cố gắng giảm tình trạng F0 triệu chứng nhẹ chuyển thành triệu chứng nặng bằng cách sử dụng oxy, cố gắng mở rộng các khu thu dung để F0 được vận động, sinh hoạt trong điều kiện thoáng nhất có thể.
Ông Đam cho biết, đã chỉ đạo Bộ Y tế cố gắng mua sắm, tạo điều kiện tối đa trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thiết bị bảo hộ cho tuyến đầu chống dịch, nhất là những nơi bệnh đã nặng (trung tâm hồi sức cấp cứu), đảm bảo tất cả bệnh viện trên địa bàn TP, các khu điều trị không được thiếu đồ bảo hộ và vật tư cần thiết để đảm bảo an toàn cho đội ngũ y bác sĩ.
Tiếp tục mở rộng biện pháp cách ly tại gia đình. Mục đích cách ly để dịch không lây lan. Nhưng nếu giãn cách theo chỉ thị 16 triệt để cũng là 1 dạng cách ly. Từ thực tiễn sẽ tiếp tục điều chỉnh. Trên toàn địa bàn TP, phải tính đơn vị bằng tháng, mới có thể quay lại cuộc sống như trước kia.
"Trừ những trang thiết bị không thể mua được, còn nhân lực, trang thiết bị trong nước có thì không thể để thiếu", ông Đam nói.
Ông Đam cũng đánh giá cao việc TP.HCM xung quanh việc bảo vệ cho người nghèo, TP có những đối tượng đến từ nhiều nơi khác nhau, làm nhiều ngành nghề, chính quyền cũng đã có sự tiếp cận rất tốt. Phó thủ tướng đánh giá cao ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên về việc đua những người nghèo vào nhóm ưu tiên hàng đầu tiêm vắc xin.