Bộ Y tế đề xuất F0 không triệu chứng, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp.

Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 quay trở lại làm việc và dừng công bố các ca bệnh theo ngày

Dạ Thảo | 05/03/2022, 23:15

Bộ Y tế đề xuất F0 không triệu chứng, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp.

Ngoài kiến nghị cho F0, F1 làm việc, Bộ Y tế còn đề xuất tạm dừng thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng ngày 5.3, Bộ Y tế đề xuất những trường hợp F0 không triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính), nếu tự nguyện tham gia làm việc thì các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

Ngoài ra, trường hợp này được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh COVID-19 với điều kiện phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Tuy nhiên, F0 được bố trí công việc tại các cơ sở điều trị COVID-19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2. Đặc biệt, những trường hợp này không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).

chong-covid-1.jpg
Bộ Y tế đề xuất tạm dừng thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày

Bộ Y tế cũng đề xuất bệnh nhân COVID-19 sẽ được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển, F0 không được tiếp xúc với người xung quanh, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Y tế đưa ra quy định đối với F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin COVID-19 có thể tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp. Tuy nhiên, với trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các F1 sao cho đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Các trường hợp F1 cũng sẽ được di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại... Ngoài ra, F1 cũng cần thực hiện nghiêm 5K, xét nghiệm COVID-19 ngày thứ 5 và theo dõi bất thường về sức khỏe.

Ngoài đề xuất về quy định làm việc của F0 và F1, Bộ Y tế cũng báo cáo Thủ tướng về việc cho phép F1 chỉ tự theo dõi sức khỏe 10 ngày (thay vì cách ly) nếu đáp ứng một trong các điều kiện như: tiêm đủ liều vắc xin, liều cuối cùng ít nhất 14 ngày; từng là F0 khỏi bệnh trong 3 tháng. F1 xét nghiệm PCR hoặc test nhanh vào ngày thứ 5, kể từ thời điểm tiếp xúc F0.

Về đề xuất coi COVID-19 là bệnh "đặc hữu", báo cáo Bộ Y tế nêu rõ, dịch COVID-19 tại Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang "bệnh lưu hành". Do đó, tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương và số ca tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.

Bên cạnh đó, do vi rút liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, thậm chí có biến thể phụ có thể né miễn dịch, gây tái nhiễm và khiến tỷ lệ mắc tại các quần thể cảm nhiễm là rất khó xác định và chưa có tính ổn định. "Vì vậy, thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành", Bộ Y tế đề xuất.

Bộ Y tế cũng cho biết hiện nay 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để triển khai các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, phù hợp. Bộ Y tế xin ý kiến Ban chỉ đạo quốc gia về việc cho phép tạm dừng thông báo số nhiễm SARS-CoV-2.

Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Bài liên quan
Bộ Y tế cảnh báo người tiêu dùng về sản phẩm Vạn Xuân Tố Nữ Plus và Sâm Plus S’body Green
Hai loại thực phẩm Vạn Xuân Tố Nữ Plus và Sâm Plus S’body Green được quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng  sản phẩm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
5 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ Y tế đề xuất cho F0, F1 quay trở lại làm việc và dừng công bố các ca bệnh theo ngày