Trên lý thuyết, trận khai mạc của bảng B môn bóng đá nam ASIAD 19 giữa Việt Nam với Mông Cổ diễn ra lúc 15 giờ hôm nay (19.9), phần thắng sẽ nghiêng về đội Việt Nam. Vấn đề là đội Việt Nam sẽ thắng như thế nào?
Theo bảng xếp hạng của FIFA, nếu như bóng đá Việt Nam (BĐVN) xếp vị trí 95 thì Mông Cổ là 183. Một khoảng cách quá xa và cũng quá đủ để nói về sự khác biệt về đẳng cấp, trình độ của hai nền bóng đá. Không có gì ngạc nhiên khi Mông Cổ bị dự đoán là thân phận của đội lót đường của bảng B khi hai đối thủ còn lại là Saudi Arabia và Iran - hai nền bóng đá hàng đầu châu Á.
Việt Nam phải thắng để hy vọng vào vòng knock-out
Với thể thức thi đấu của ASIAD, 23 đội chia làm 6 bảng với 1 bảng ba đội. Thi đấu vòng tròn một lượt, chọn mỗi bảng 2 đội đứng đầu và 4 đội hạng ba có thành tích tốt nhất ở vòng đấu bảng vào vòng 1/16.
Thế nhưng, một ngày trước lượt đấu khai mạc, Syria và Afghanistan đã rút lui khỏi giải. Do quá cận ngày, Ban tổ chức không còn lựa chọn nào khác nên hai đội Uzebekistan và Hồng Kông (Trung Quốc) bảng C nghiễm nhiên được vào vòng trong. Tuy nhiên, 2 đội này sẽ phải thi đấu hai trận với nhau để xác định vị trí nhất, nhì bảng.
Nếu như bình thường, giải chọn 4/6 đội hạng ba bảng vào vòng 1/16, thì nay còn lại là 4/5, nên sự cạnh tranh chiếc vé vớt cũng ít căng thẳng hơn trước.
Do đó, đội Việt Nam cần thắng Mông Cổ để thêm nhiều hy vọng giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp.
Nhưng đội Việt Nam trẻ tuổi nhất giải với tuổi trung bình 20,3 liệu có thắng được đội yếu nhất bảng nhưng lại tham dự giải với lực lượng U.24 + 3?
Chưa kể, các đội trẻ của Mông Cổ tiến bộ rất nhanh trong thời gian gần đây và đã được thể hiện tại vòng loại U.23 châu Á 2024. Trận đầu tiên, Mông Cổ dẫn trước Ả Rập Saudi và sau đó chỉ thất bại 1-3 khi để lọt lưới 3 bàn lúc cuối trận ở phút 87, 90+9, 90+14. Ở trận hòa 1-1 trước Lebanon, nền bóng đá hạng 100 FIFA, Mông Cổ cũng mở tỷ số ở phút 33 trước khi bị gỡ hòa phút 37.
Với đội bóng trẻ trung, đội Việt Nam sẽ không dễ bắt nạt đội Mông Cổ, nhất là trận đầu tiên của giải. Bất kỳ đội nào cũng khó thể hiện được năng lực tốt nhất của mình, huống chi tâm lý của các tuyển thủ Việt Nam sẽ căng hơn Mông Cổ khi vào trận với tâm thế của đội bóng cửa trên và "phải thắng".
Một bất lợi nữa là đội Việt Nam không thể đưa ra đội hình mạnh nhất khi nhiều khả năng hai cầu thủ trụ cột sẽ vắng mặt là hậu vệ Phan Tuấn Tài bị đau gót chân và tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng đang bị đau mắt đỏ.
Thế nhưng, dù mang đến giải là những cầu thủ trẻ hơn rất nhiều so với các đội bóng khác, nhưng đa phần các tuyển thủ Việt Nam đều có kinh nghiệm thi đấu những giải quốc tế chính thức cũng như giao hữu. Gần đây là giải U.23 Đông Nam Á, trong đó, đội Việt Nam đoạt chức vô địch và ở vòng loại U.23 châu Á 2024, đội Việt Nam đã giành vé vào vòng chung kết.
Một điểm mạnh khác của đội Việt Nam là lực lượng có chiều sâu, năng lực; trình độ giữa các cầu thủ chính thức và dự bị không quá chênh lệch nếu không muốn nói là tương đồng. Nếu thiếu vắng Tuấn Tài thì vẫn còn đó Minh Trọng hoặc Mạnh Hưng thay thế; hay như Mạnh Dũng không thể thi đấu thì hàng tiền đạo đội Việt Nam vẫn còn Thanh Nhàn, Quốc Việt, Nguyên Hoàng…
Một điều thuận lợi nữa của đội Việt Nam đó là đấu với một đối thủ yếu là Mông Cổ trước khi gặp hai đội Iran, Ả Rập Saudi được đánh giá là mạnh hơn.
Do đó, trận gặp Mông Cổ chiều nay là cơ hội để đội Việt Nam kiếm điểm, thậm chí là kiếm tối đa để thêm nhiều hy vọng vượt qua vòng bảng.
Điểm mạnh hiện nay của đội Việt Nam là các tuyển thủ đã cùng nhau tập luyện, thi đấu nhiều giải nên tất cả đã hiểu ý nhau và quen với triết lý kiểm soát bóng từ HLV Philippe Troussier và HLV tiếp nối là Hoàng Anh Tuấn. Đó là lối chơi kiểm soát bóng xuyên suốt từ đội tuyển quốc gia cho đến các đội tuyển U.
Đây là lối chơi phù hợp với tố chất, thể hình của người Việt Nam. Bài học từ bóng đá Nhật Bản, các cầu thủ của họ dù bất lợi so với các cầu thủ châu Âu về vóc dáng, thể hình, nhưng họ khắc phục những điểm yếu đó bằng sức mạnh, thể lực cùng lối chơi phối hợp đồng đội.
Từ ASIAD 2002 đến nay, BĐVN liên tục góp mặt tại đại hội. Đội đạt thành tích tốt nhất ở kỳ ASIAD 18 Jakarta 2018 khi vào bán kết và đứng thứ 4 chung cuộc dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo. Bốn kỳ trước đó, Việt Nam hai lần dừng bước từ vòng bảng (2002 và 2006), hai lần vào vòng 1/16 (2010 và 2014).
Lần này, ít nhất BĐVN cũng vào vòng 1/16?
Muốn đạt được mục tiêu này, điều kiện cần là đội Việt Nam phải thắng Mông Cổ, một trận thắng thuyết phục để tạo hưng phấn trước khi gặp Iran ngày 21.9 và Ả Rập Saudi ngày 24.9.
18 giờ 30, Ả Rập Saudi – Iran: trận quyết định ngôi đầu bảng?
Đây là trận đấu trên lý thuyết quyết định ngôi đầu bảng. Ở cấp đội tuyển quốc gia, Iran có thành tích tốt hơn Ả Rập Saudi, nhưng Ả Rập Saudi lại nhỉnh hơn ở cấp đội trẻ. Ả Rập Saudi là đội đương kim vô địch U.23 châu Á 2022, trong khi đó U.23 Iran không giành được vé tham dự vòng chung kết kết U.23 châu Á 2024.
Dù kết quả thế nào, Ả Rập Saudi và Iran vẫn được đánh giá cao hơn đội Việt Nam.
Do đó, tuy là lượt trận đầu tiên nhưng lại có ý nghĩa quan trọng cho cả ba đội Ả Rập Saudi, Iran và Việt Nam khi được dự đoán sẽ giành cả 3 vé vào vòng 1/16.