Dự án (DA) đầu tư xây dựng công trình đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra hàng loạt sai phạm: Từ quyết định đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, đặt trạm thu phí, đội vốn cả trăm tỉ đồng, phê duyệt dự toán sai hàng chục tỉ đồng, đến nhà đầu tư không đủ năng lực, quản lý chất lượng công trình...
>>Đề nghị xử lý trách nhiệm Bộ GTVT, Tài Chính vì những sai sót khi thực hiện các DA BOT
TTCP vừa có Kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số DA đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).Trong số 7 DA được thanh tra, có DA BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.
Cải tạo QL3 phải sử dụng quỹ Bảo trì đường bộ nhưng lại áp dụng BOT
Tại Kết luận thanh tra số 1423, TTCP chỉ rõ các sai phạm từ phía cơ quan quản lý nhà nước đến nhà đầu tư và quá trình thực hiện DA.
Theo quy định thì Bộ GTVT phải thực hiện quy trình xây dựng và công bố danh mục DA BOT, BT vào tháng 1 hàng năm. Tuy nhiên, đối với DA đường Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ GTVT thực hiện chưa đúng theo quy định, việc công bố được thực hiện sau khi phê duyệt danh mục DA để thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư là chưa đầy đủ và thiếu chặt chẽ.
Kết luận thanh tra chỉ rõ: Theo quy hoạch phát triển giao thông được phê duyệt tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới chiều dài là 28 km, nhưng quyết định đầu tư đã phê duyệt quy mô đầu tư lớn hơn nhiều so với quy hoạch, cụ thể phê duyệt chiều dài tuyến là 40,7 km. DA được phê duyệt bao gồm cả việc cải tạo nâng cấp mở rộng km93 đến km100 QL3 cũ.
Việc cải tạo đoạn tuyến QL3 được Bộ GTVT ghép vào DA BOT là không đúng quy định
Kết luận nêu rõ: “Theo quy định về quản lý hệ thống giao thông thì việc cải tạo nâng cấp đoạn tuyến QL3 phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ nhưng Bộ GTVT đã phê duyệt ghép vào dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là không đúng quy định hiện hành”.
Tăng tổng mức đầu tư hơn 101 tỉ đồng
TTCP chỉ ra rằng, nội dung quyết định đầu tư ghép việc cải tạo, nâng cấp 7 km QL3 với đầu tư xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới và sẽ đặt thu phí ở 2 nơi là không hợp lý. “Do khi DA đi vào khai thác việc thu tăng mức phí đối với người sử dụng dịch vụ trên đoạn tuyến QL3 để bù đắp vốn đầu tư đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, trong khi họ không sử dụng dịch vụ trên tuyến đường này là sai nguyên tắc xác định giá, phí hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định 108/2009/NĐCP”.
TTCP cũng chỉ ra rằng, DA đầu tư được phê duyệt khi chưa có quyết định phê duyệt ĐTM (đánh giá tác động môi trường). Phương án chọn kết cấu áo đường không được tính toán so sánh ngay trong bước lập dự án để phê duyệt tổng mức đầu tư và bố trí nguồn vốn sát với giá trị đầu tư thực tế, làm cơ sở để ký kết hợp đồng. Điều này dẫn đến tổng mức đầu tư phê duyệt và vốn đầu tư hợp đồng không sát thực tế.
Cụ thể, việc lập, phê duyệt tổng mức đầu tư trong đó có một số hạng mục và khoản chi phí áp dụng sai định mức, đơn giá hoặc lựa chọn phương án chưa hợp lý, làm tăng tổng mức đầu tư trên 101 tỉ đồng.
Chỉ định thầu không đúng quy định
DA BOT Thái Nguyên - Chợ Mới được Bộ GTVT thực hiện chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư. Và nhà đầu tư được lựa chọn là liên danh Công ty Cienco 4, Công ty Cổ phần Tuấn Lộc và Công ty Cổ phần Trường Lộc.
Kết luận thanh tra nêu rõ: “Hình thức chỉ định nhà thầu không đúng với quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định số 108/2009/NĐ-CP... Hồ sơ yêu cầu thực hiện DA không đúng quy định về hiệu lực của hồ sơ đề xuất, hiệu lực của khoản bảo đảm dự thầu và khoản bảo đảm thực hiện hợp đồng. Lựa chọn nhà đầu tư khi cam kết của tổ chức tín dụng cho vay vốn chưa đầy đủ các tiêu chí theo quy định”.
Qua thanh tra, TTCP đã chỉ ra rằng nhà đầu tư triển khai lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án trước thời điểm được cấp giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng DA chính thức ký không đúng với quy định của Nghị định 108/2009. Dự toán, phê duyệt kế hoạch đấu thầu không đúng thẩm quyền. Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước khi được Bộ GTVT chấp thuận là chưa đúng quy định.
Kết luận của TTCP cũng chỉ ra rằng“các thành viên liên danh chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện theo yêu cầu đối với nhà đầu tư; khả năng huy động vốn chủ sở hữu cho dự án của Cienco 4 khó khăn - theo báo cáo tài chính, nợ phải trả 4.800 tỉ đồng (nợ ngắn hạn là hơn 2.881 tỉ đồng, nợ dài hạn là 1.919 tỉ đồng); tài sản ngắn hạn chỉ có trên 3.000 tỉđồng.
Trong việc huy động vốn chủ sở hữu của liên danh nhà đầu tư, từ ngày 1.12.2014 đến ngày 22.6.2015 liên danh các nhà đầu tư góp được 350 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền trên là của Cienco góp vốn điều lệ của doanh nghiệp DA, 2 công ty còn lại không thực hiến góp vốn, sai với cam kết hợp đồng.
Việc thu xếp vốn vay để thực hiện dự án của các nhà đầu tư được quy định tại hợp đồng dự án. Theo hợp đồng, năm 2014 huy động 10%, năm 2015 huy động 40%, năm 2016 huy động 50%. Tuy vậy, tiến độ huy động vốn và thực hiện dự án thực tế chậm, sai so với cam kết hợp đồng.
Vi phạm về quản lý chất lượng
Kết quả thanh tra cho thấy, “nhà đầu tư không thực hiện đúng quy trình quản lý chất lượng: Không kiểm tra chất lượng các loại vật liệu như cát, đá, đất đắp, xi măng, sắt thép… Thực tế một số điểm đã thi công mái taluy, nhà thầu không thi công lớp đá dăm trước khi xây mái taluy, sai thiết kế kỹ thuật thi công”.
Trong việc quản lý chi phí dầu tư, qua thanh tra, TTCP chỉ ra rằng, một số nội dung lập, duyệt dự toán áp dụng hàm lượng nhựa chưa phù hợp, không đúng hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải. So với DA tương tự (Pháp Vân - Cầu Giẽ) về đơn giá vận chuyển cát, đá đã áp sai lệch cự ly từ mỏ đến trạm trộn bê tông nhựa và đơn giá vật liệu đến trạm trộn; tính cước vận chuyển theo quy định của địa phương chênh lệch với định mức của Bộ Xây dựng. Từ đó đã dẫn tới dự toán phê duyệt chênh lệch tăng giá trị trên 73,5 tỉđồng.
Ngoài ra còn xác định giá trị nghiệm thu thanh toán áp dụng giá vật tư, xăng, dầu, cát vàng, xi măng…không đúng tại thời điểm thi công làm tăng giá trị trên 3 tỉđồng.
Nam Phong