Những tấm lòng thiện nguyện, tương thân tương ái thì có lẽ đâu đâu cũng có. Ở An Giang, điều này được thể hiện rất đậm nét.

Bữa ăn, bánh xèo miễn phí làm ấm lòng người An Giang và du khách

Trương Chí Hùng | 19/02/2021, 15:29

Những tấm lòng thiện nguyện, tương thân tương ái thì có lẽ đâu đâu cũng có. Ở An Giang, điều này được thể hiện rất đậm nét.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên vào dịp Tết, nhóm bạn tôi không tổ chức những chuyến du lịch xa, thay vào đó là đi thăm viếng bà con họ hàng và vãn cảnh đẹp tại địa phương mình. Cũng nhờ vậy, chúng tôi mới có dịp khám phá kỹ hơn nét đẹp quê hương. Thiết nghĩ, các danh lam thắng cảnh đương nhiên có sức hấp dẫn với du khách gần xa. Song, cốt cách của người dân bản địa mới là thứ có thể níu chân du khách hoặc khiến họ quyến luyến rồi quay trở lại.

1.-.jpg
Vào những ngày Tết, các bếp đổ bánh xèo luôn đỏ lửa - Ảnh: Chí Hùng

Nếu ai đã từng đến An Giang, chắc chắn ngoài việc ngỡ ngàng với cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng bát ngát, những dòng sông thơ mộng, sẽ còn ngạc nhiên vì cách người dân đối đãi mình. Chỉ mỗi chuyện được ăn uống miễn phí ở đây thôi cũng khiến chúng ta có những ấn tượng đẹp khó phai.

13-2-.jpg

Một góc chùa Kim Tiên (Tịnh Biên, An Giang) - Ảnh: Chí Hùng

Chúng tôi đến chùa Kim Tiên (H.Tịnh Biên, An Giang) sáng mùng 6 Tết. Sau khoảnh khắc choáng ngợp ban đầu về khung cảnh thâm nghiêm mà tráng lệ của ngôi chùa, chúng tôi bắt đầu tận hưởng sự yên bình, thanh tịnh nơi đây. Từng dòng người đến thắp hương lễ Phật với mong cầu bao điều tốt đẹp sẽ đến với mình và người thân trong năm mới. Thắp hương xong, chúng tôi ra phía chùa thì thấy cả trăm người đang ngồi ăn trưa. Hỏi ra mới biết, đó là bữa ăn miễn phí mà nhà chùa dành cho người hành hương. Bất kể là ai, nếu đi lễ chùa mà thấy đói thì cứ đến nhà ăn của chùa dùng bữa miễn phí.

7-5-.jpg

Nhà ăn của chùa Kim Tiên - Ảnh: Chí Hùng

Chị Thanh Thảo quê ở H.Chợ Mới, An Giang vừa ngồi ăn với gia đình vừa cho chúng tôi biết những phần cơm chay như thế này sẽ khiến khách thập phương no lòng và có cảm giác như được nhận phúc lành nơi cửa Phật. Bởi vậy, năm nào dịp đầu xuân gia đình của chị cũng đi chùa, cũng ăn một bữa cơm trong chùa với mong cầu những điều bình an, tốt đẹp sẽ đến.

8-5-.jpg

Bãi giữ xe miễn phí ở chùa Kim Tiên - Ảnh: Chí Hùng

Cũng giống chị Thảo, ông Sáu Lộc ở Kiên Giang rất trân trọng bữa cơm nhà chùa đãi khách hành hương. Ông cho biết Tết nào cũng chở người nhà đi chùa, cúng phật xong rồi thì ăn bữa cơm chay để tâm hồn thanh tịnh lại. Chia tay ông Lộc và gia đình chị Thảo, chúng tôi ra lấy xe để tiếp tục hành trình du xuân thì ngạc nhiên hơn nữa khi biết bãi xe của chùa không thu tiền. Chúng tôi nghĩ những bữa cơm chay và bãi xe miễn phí như thế này chắc chắn đã làm ấm lòng biết bao du khách bốn phương.

12-1-.jpg

Thiền viện Đông Lai, hay còn gọi là chùa Bánh xèo, một điểm nhấn trong hành trình khám phá nét đẹp quê hương An Giang - Ảnh: Chí Hùng

Cách chùa Kim Tiên không xa, thiền viện Đông Lai cũng tấp nập khách hành hương. Đã từ lâu, nơi đây nổi tiếng với biệt hiệu chùa Bánh xèo. Sở dĩ có tên gọi đó là vì mỗi ngày, thiền viện Đông Lai đổ hàng ngàn cái bánh xèo để đãi khách thập phương. Ngày Tết, bà con đến du xuân đông nên tất cả các bếp đổ bánh xèo đều đỏ lửa. Những cái bánh xèo chay vừa ra lò nóng hổi được bà con đón nhận trong niềm hoan hỉ.

2-33-.jpg

Những cái bánh xèo nóng hổi đãi khách bốn phương - Ảnh: Chí Hùng

Chị Nguyễn Thị Huệ quê ở Phú Tân, An Giang tranh thủ mấy ngày nghỉ tết chạy lên Tịnh Biên, trước là cúng Phật, sau đó thưởng thức món bánh xèo chay “nức tiếng”. “Nghe nói chùa Bánh xèo lâu rồi mà bây giờ mới có dịp tới, thấy bánh xèo ngon thiệt, mà còn được miễn phí nữa, ăn bánh xèo như hưởng lộc đầu năm ở chùa”, chị Huệ vui vẻ nói.

3-24-.jpg

Chị Huệ lấy bánh xèo cho người nhà dùng thử - Ảnh: Chí Hùng

Còn ông Nguyễn Văn Tươi, 74 tuổi ngụ tại xã An Cư, H.Tịnh Biên, An Giang thì cho biết bữa ăn trưa ở chùa Bánh xèo thấy vậy mà quan trọng với ông lắm, vì nó giúp ông tiết kiệm được một ít chi phí trong sinh hoạt. Gia cảnh ông khó khăn, phải đạp xe đi bán vé số dạo hằng ngày. Bởi vậy, buổi trưa ông thường ghé chùa ăn. Ông còn cho biết thêm, nhiều người bán vé số như ông, hoặc cánh chạy xe ôm, bà con nghèo xung quanh đây đều nương nhờ vào những bữa ăn miễn phí ở chùa.

4-16-.jpg

Bữa ăn đơn sơ nhưng ấm lòng biết bao người - Ảnh: Chí Hùng

Nhiều người dân địa phương cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đến giúp đỡ nhà chùa, gọi là làm công quả. Ai đổ bánh khéo thì đổ, không thì rửa chén, lặt rau, dọn dẹp. Tất cả mọi người đều làm việc với một tấm lòng thiện nguyện. Những người không góp sức được thì cũng gửi gạo muối, tiền bạc cúng dường cho nhà chùa để nhà chùa có thể trang trải các bữa ăn miễn phí cho du khách gần xa, cũng như bà con nghèo ở địa phương. Cứ thế mà những điều tốt đẹp tiếp tục lan tỏa, khiến ai cũng thấy ấm lòng.

5-7-.jpg

Khách hành hương thưởng thức bánh xèo - Ảnh: Chí Hùng

Rời Tịnh Biên đi về hướng Tri Tôn (An Giang), chúng tôi cũng bắt gặp điều tương tự. Không chỉ ở các ngôi chùa, mà một quán bán cơm chay ngay thị trấn Tri Tôn, ngày thường vẫn bán, nhưng vào các ngày 14, 15, 29, 30 âm lịch hằng tháng thì miễn phí. Không hiểu sao, chỉ một tấm bảng hiệu đơn sơ ghi thông tin như thế nhưng làm chúng tôi vô cùng xúc động. Có lẽ khi tinh thần sẻ chia đã thấm nhuần vào tâm hồn của con người thì chuyện bán mua hơn thua không còn quan trọng lắm với họ. Họ sẵn sàng cho đi, tìm cách để cho đi.

11-2-.jpg

Quán cơm chay ở Tri Tôn với ghi chú các ngày 14, 15, 29, 30 âm lịch thì miễn phí - Ảnh: Chí Hùng

Nói về tinh thần làm từ thiện của bà con An Giang, nhà văn Võ Diệu Thanh cho rằng điều đó xuất phát từ vùng đất tôn giáo, vùng đất tâm linh. “Nhiều người luôn nói An Giang là đất phật, nó không chỉ đúng vì nơi này là nơi khởi nguyên đạo Phật giáo Hòa Hảo, mà còn đúng vì tinh thần nhà phật lan tỏa khắp cộng đồng. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là việc người ta sẵn sàng 'cho đi', sẵn sàng làm từ thiện trong mọi hoàn cảnh. Từ một người làm từ thiện rồi thành một nhóm người, rồi thành cả làng cả xóm làm từ thiện. Nó trở thành một nét đẹp trong văn hóa người miền Tây Nam Bộ chứ không riêng gì An Giang”, nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ.

9-6-.jpg
Ông Tươi ngày nào cũng dùng bữa trưa miễn phí tại chùa rồi tiếp tục đi bán vé số đến chiều - Ảnh: Chí Hùng

Cái nắng đầu xuân vàng ươm mà không gay gắt. Nhóm người chúng tôi đi vãn cảnh mà ai ai cũng thấy lòng rộn vui, có lẽ vì những điều tốt đẹp bắt gặp trên suốt hành trình. Trước khi khép lại chuyến du xuân, chúng tôi cùng ngồi dưới bóng cây còng ven con đường mòn. Cạnh đó, bà con đặt một thùng nước có ghi mấy chữ "nước uống miễn phí". Mỗi đứa múc một ca nước uống ngon lành. Những dòng nước mát lạnh không chỉ làm dịu cơn khát mà còn làm mát lòng mát dạ khách bộ hành, khiến ta thấy cuộc đời còn quá nhiều thứ để yêu thương. Xa xa, mấy khóm mai vàng đang khoe sắc trong nắng chiều rực rỡ.

Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bữa ăn, bánh xèo miễn phí làm ấm lòng người An Giang và du khách