Giá năng lượng tăng cao, nhu cầu mạnh mẽ cùng gián đoạn chuỗi cung ứng biến lạm phát thành xu hướng toàn cầu. Tình hình vượt xa hơn dự báo vài tháng trước của giới phân tích kinh tế.

Bức tranh lạm phát toàn cầu: Nơi nơi đều tăng

Cẩm Bình | 22/11/2021, 10:19

Giá năng lượng tăng cao, nhu cầu mạnh mẽ cùng gián đoạn chuỗi cung ứng biến lạm phát thành xu hướng toàn cầu. Tình hình vượt xa hơn dự báo vài tháng trước của giới phân tích kinh tế.

Tại Mỹ, Canada, Anh và khu vực sử dụng đồng euro, giá tiêu dùng tháng 10 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 thập niên. Vài nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina cũng ghi nhận lạm phát chạm mức 2 con số.

Chỉ một số quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, lạm phát còn lắng dịu. Nhưng lạm phát tại đây vẫn theo xu hướng tăng.

Theo nhà kinh tế Sylvain Broyer thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P: “Nhìn chung lạm phát gia tăng ở quốc gia mà giá cả giảm mạnh nhất trong năm ngoái, chẳng hạn Mỹ và Đức. Lạm phát ở các nền kinh tế mới nổi cũng tăng đặc biệt nhanh vì đồng tiền quốc gia mất giá đẩy giá cả nội địa lên cao”.

the00.jpg
Đến tháng 10.2021, lạm phát giá tiêu dùng ở nhiều quốc gia đã ở mức từ 4% trở lên  - Ảnh: The Financial Times

Điều chỉnh dự báo

Xu hướng lạm phát tăng khiến giới phân tích kinh tế ngạc nhiên. Công ty khảo sát Consensus Economics chỉ ra rằng dự báo lạm phát cho năm 2021 của Mỹ, Canada, khu vực đồng euro, Brazil và Peru đều đã điều chỉnh tăng gấp đôi chỉ trong vài tháng.

“Giới phân tích kinh tế phạm sai lầm vì các yếu tố: giá năng lượng vốn nổi tiếng khó đoán, nhu cầu hàng hóa vẫn cao dù nhiều nền kinh tế đã mở cửa trở lại”, nhà kinh tế James Pomeroy thuộc ngân hàng HSBC cho biết.

Nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ giảm vào năm tới khi tác động từ tăng chi phí trả một lần không còn nữa. Tuy nhiên họ cũng lo ngại lạm phát kéo dài hơn dự báo.

Giá tiêu dùng hiện chưa lên đến mức của những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi lạm phát hằng năm tại 38 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đạt đỉnh hơn 15%. Mặc dù vậy xu hướng hiện tại rõ ràng là lạm phát tăng mạnh ảnh hưởng túi tiền người tiêu dùng và có thể làm chậm đà phục hồi kinh tế.

Chuyên gia Elena Duggar thuộc tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cảnh báo: “Lạm phát phi mã sẽ gây căng thẳng cho ngân sách hộ gia đình cũng như tác động đến tăng trưởng, buộc chính phủ các nền kinh tế mới nổi thực hiện biện pháp kiểm soát giá thực phẩm và bắt buộc tăng lương”.

the01.jpg
Giá tiêu dùng hiện chưa lên đến mức của những năm 1970 và những năm đầu thập niên 1980 - Ảnh: The Financial Times

Ngoại lệ đang xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, nhờ nhu cầu nội địa yếu và đồng tiền quốc gia ổn định mà giá tiêu dùng năm nay nhìn chung sẽ tăng ít hơn 2%.

Giá cả tại Nhật vẫn dậm chân tại chỗ sau khi giảm trong hầu hết năm. Tại Trung Quốc, doanh nghiệp chịu 13% mức tăng giá sản xuất thay vì chuyển toàn bộ cho người tiêu dùng. Nhưng ngay ở khu vực này, số quốc gia ghi nhận lạm phát leo thang vẫn tăng lên từng ngày.

Tính đến tháng 9, khoảng 2/3 trong số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Consensus Economics tìm hiểu dự kiến có mức tăng lạm phát năm nay từ 2% trở lên, cao hơn con số dự báo chưa tới 1/2 được đưa ra trước đó.

Yếu tố gây lạm phát

Một trong những yếu tố chính đẩy giá cả lên cao là chi phí năng lượng tăng.

Trong toàn khối OECD, gia tiêu dùng năng lượng tháng 9 tăng gần 20% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, ảnh hưởng giá cả nhiều mặt hàng khác. Mức lạm phát giá thực phẩm tháng 9 cũng tăng 1 điểm phần trăm lên 4,5% so với năm trước.

Nhưng kể cả khi loại bỏ lạm phát giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát giá tiêu dùng trong OECD vẫn tăng gấp đôi lên 3,2% so với cùng kỳ.

Câu hỏi lớn được đặt ra là liệu lạm phát hiện nay chỉ mang tính tạm thời hay kéo dài. Điều này phụ thuộc vào việc giá cả tăng có thúc đẩy tăng lương hay không. Đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy giá cả tăng thúc đẩy tăng lương, theo nhà kinh tế Broyer thuộc S&P.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bức tranh lạm phát toàn cầu: Nơi nơi đều tăng