Cử tri và nhân dân rất lo lắng, bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư.
Ngày 22.5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày bản Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội.
Lo thiếu trường học, bạo lực học đường gia tăng
Cử tri và nhân dân vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, như ở TP.Hà Nội và TP.HCM, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; việc thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông nhưng có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, gây khó khăn cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh...
Cử tri cũng rất quan tâm lo lắng đến việc tuyển sinh đầu cấp, nhất là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, như trước đây chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại Hà Nội khoảng 60 - 62% thì năm 2023 giảm còn gần 56%, điều này đã và đang gây áp lực rất lớn cho phụ huynh và học sinh.
Cử tri và nhân dân đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét lại việc quy hoạch trường lớp, tăng tỷ lệ học sinh vào trường THPT công lập; nếu vùng nội đô gặp khó khăn về quỹ đất thì có thể xem xét, xây trường ở xa hơn, đồng thời quy hoạch hạ tầng giao thông để học sinh THPT có thể đi học bằng xe buýt.
Báo cáo cũng cho thấy cử tri cũng lo lắng về tình trạng các vụ án ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp và mức độ nghiêm trọng, xâm nhập cả vào trường học; một số mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc tại các siêu thị, chợ và các điểm buôn bán nhỏ lẻ, tự phát; tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường sống tăng cao…
Theo ông Chiến, cử tri và nhân dân lo lắng nhận thấy do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm nên lao động, việc làm và thu nhập của một bộ phận người lao động rất khó khăn tiếp tục sụt giảm. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID-19.
“Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ ngày càng khó khăn hơn”, ông Chiến nêu.
Cử tri và nhân dân cũng lo lắng về tình trạng lộ thông tin cá nhân; cơ sở dữ liệu công dân đã tích hợp nhưng khi thực hiện dịch vụ công và thủ tục hành chính nhất là ở xã, phường, thị trấn vẫn khó khăn, chưa đồng bộ, liên thông, gây lãng phí thời gian, công sức, tài chính của nhân dân và ngân sách nhà nước; lo lắng về tình trạng bạo lực học đường, bạo hành trẻ em trong trường học và trong gia đình ngày càng phức tạp; tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, bạo lực học đường vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương; nhiều vụ việc suy đồi đạo đức xã hội… gây dư luận bức xúc trong xã hội.
Rủi ro từ mua bảo hiểm, mua nhà trong tương lai
Báo cáo cho thấy cử tri và nhân dân rất băn khoăn, lo lắng có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư; nhiều người dân đầu tư vào trái phiếu, bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ... nay có thể gặp rủi ro, nhất là các hợp đồng mua nhà của các chủ đầu tư ở các khu đô thị.
“Hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng các thẻ kỳ nghỉ... vì những hợp đồng này đều được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, nhưng sau đó lại thêm điều khoản có lợi cho bên bán, cho chủ đầu tư. Vì tin tưởng nên người dân không đọc kỹ hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân”, báo cáo nêu.
Ngoài ra, có tình trạng nhiều chủ đầu tư, lấy danh nghĩa tri ân cho người mua khi bán hàng, sau bán hàng, khi tổ chức vận hành cắt giảm, khai thác không đúng, thay đổi thiết kế, công năng, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân. Mặc dù chủ đầu tư đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người đầu tư, nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng, chưa thực sự yên tâm.
Do đó, MTTQ VN này kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm, thẻ kỳ nghỉ...; có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua nhà ở các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị bị thu hồi dự án do chậm tiến độ đã kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (mà gần đây nhất là các dự án nhà ở của Tập đoàn Mường Thanh...).
Thêm vào đó, cần công khai các dự án sử dụng đất để quá hạn chưa thực hiện đầu tư, đầu tư kéo dài, hiện tượng làm giả đưa thông tin không chính xác, xuyên tạc làm ảnh hưởng lũng loạn thị trường nhất là thị trường bất động sản.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, địa phương chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp kịp thời để giải quyết, khắc phục các vấn đề xã hội nêu trên như đã xử lý, giải quyết hàng loạt vấn đề nóng về tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với tín dụng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; khắc phục tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng…
Cử tri và nhân dân đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngân sách và tài sản công, nhất là đối với việc tổ chức các ngày kỷ niệm, ngày thành lập cơ quan, tổ chức, địa phương, khai trương, động thổ, cắt băng khánh thành các công trình của Nhà nước, tổ chức các cuộc lễ, ngày hội… có tính phô trương, hình thức, không phù hợp với bối cảnh kinh tế và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Nhà nước đang phải thực hiện nhiều biện pháp để thắt chặt và tiết kiệm chi tiêu công.