Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển (Cà Mau) chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm chặt phá rừng phòng hộ.
Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, vừa có công văn gửi Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng; UBND xã Tân Ân về việc chặt phá cây rừng khu vực tuyến rừng phòng hộ ven biển tại tiểu khu 123 - Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng.
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện đề nghị Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc quyền quản lý tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các khu vực rừng bị chặt phá, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các đối tượng vi phạm.
Đồng thời, phối hợp với UBND xã Tân Ân xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng; trong đó, chú trọng đến công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân trên địa bàn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, kịp thời tố giác tình trạng chặt phá rừng trái pháp luật.
Như báo điện tử Một Thế Giới thông tin, trước đó, Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hiển nhận được tin báo qua điện thoại từ 1 người dân cho rằng: “Cán bộ của chốt quản lý bảo vệ rừng Vàm Lũng, tiểu khu 123 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng cho người dân vào khu vực tuyến rừng phòng hộ ven biển để chặt hạ cây rừng đem bán cho ghe”.
Tiếp nhận thông tin, Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hiển tiến hành làm việc với một số hộ dân để nắm thông tin nhưng người dân ở đây không biết gì về thông tin này.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường và xác minh nắm thông tin từ người dân sống trên lâm phần, Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hiển xác định việc cây rừng bị khai thác trái phép là có xảy ra nhưng chưa xác định được thủ phạm.
Tại hiện trường kiểm tra xác định, tổng số cây đước bị chặt trắng và chặt rải rác là 309 cây với diện tích 1.200 m2; tổng trữ lượng cây rừng bị thiệt hại 24,9 m3 gỗ đước. Tổ kiểm tra cũng xác định thời gian chặt cây rừng diễn ra vào khoảng cuối tháng 2, 3 và 4.2019.
Ngoài hiện trường bị chặt phá, Hạt Kiểm lâm H.Ngọc Hiển còn phát hiện tại cửa sông Vàm Lũng còn có 4 dãy hàng đáy đã cấm để khai thác con giống thủy sản. Mỗi dãy có từ 50-52 cây đước dùng làm cột đáy, ước số lượng khoảng 200 cây đước.
Đồng thời, đơn vị cũng phát hiện có 36 chòi (cất tạm bợ) được làm cây gỗ đước của người dân tại khu vực đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình để sản xuất nuôi trồng thủy sản kết hợp quản lý bảo vệ rừng.
Nguyệt Danh