Lãnh đạo UBND Cà Mau yêu cầu ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Cà Mau: Xử lý nghiêm nếu địa phương để tồn đọng, hủy bỏ vắc xin phòng COVID-19

Trần Khải | 03/08/2022, 19:44

Lãnh đạo UBND Cà Mau yêu cầu ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch và tiêm vắc xin phòng COVID-19.

tiem-1.jpg
Dịch COVID-19 có nguy cơ tái bùng phát, Cà Mau tăng cường tiêm vắc xin

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và sự chủ quan của người dân trong việc tiêm ngừa vắc xin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người thân đủ điều kiện tiêm đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hoặc các điểm tiêm của Trạm Y tế xã, phường, thị trấn để tiến hành tiêm liều bổ sung; liều nhắc lại lần 1, lần 2 theo hướng dẫn của ngành y tế.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện tiêm chủng tại các huyện, TP.Cà Mau. Chuẩn bị tất cả các điều kiện cần thiết, nếu dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp thì cho kích hoạt lại ngay các phương án phòng chống dịch. Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, đề xuất trong công tác phòng chống dịch. Nhất là công tác tiêm vắc xin, tuyệt đối không để vắc xin tồn đọng, hết hạn sử dụng, gây lãng phí.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu các địa phương rà soát tất cả các đối tượng trên địa bàn quản lý để tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19, bảo đảm không để sót người chưa được tiêm theo quy định, kể cả việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại lần 1, lần 2, bảo đảm tất cả người dân trên địa bàn đủ điều kiện tiêm phải được tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

Đối với các huyện, TP.Cà Mau, nơi nào triển khai không nghiêm túc việc tiêm vắc xin, trên địa bàn còn đối tượng tiêm (kể cả liều bổ sung, liều nhắc lại lần 1, lần 2) nhưng để tồn đọng vắc xin, hủy bỏ vắc xin thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Cùng với đó, thủ trưởng địa phương, cơ quan, đơn vị nào lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch COVID-19 để người dân, công chức, viên chức và người lao động đến thời gian tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 mà không thực hiện tiêm chủng, dẫn đến bị nhiễm hoặc tái nhiễm COVID-19 làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong tuần qua (tính đến chiều 3.8), tỉnh Cà Mau đã tổ tiêm thêm được hơn 38.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Lũy kế đến nay, tỉnh này tiếp nhận hơn 3,3 triệu liều và đã tiêm hơn 3,2 triệu liều. Trong đó, người từ 5-11 tuổi đã tiêm mũi 1 và 2 lần lượt đạt 89,2% và 62%; người từ 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 (nhắc lại) lần lượt đạt 100%, 99,8%, 56,5%; người từ 18 tuổi đã tiêm 2 mũi đạt 99,4%, tiêm mũi bổ sung đạt 95,6%, tiêm mũi 3 (nhắc lại lần 1) đạt 58,1% và tiêm mũi 4 (nhắc lại lần 2) đạt 19,4%.

Theo đánh giá, tỷ lệ bao phủ vắc xin ở Cà Mau đạt khá cao nhưng tỷ lệ tiêm liều nhắc lại lần 1 và 2 còn khiêm tốn. Nguyên nhân được chỉ rõ là do một bộ phận người dân chủ quan, lo ngại, không đồng ý tiêm vắc xin, nghĩ việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.

Bài liên quan
Cà Mau: Nghi vấn một doanh nghiệp khai thác đất mặt ruộng trái phép
Ngày 17.4, nguồn tin của phóng viên Một Thế Giới cho hay, trên địa bàn xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) xuất hiện một nhóm người thực hiện hành vi khai thác, vận chuyển đất mặt ruộng nghi là trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cà Mau: Xử lý nghiêm nếu địa phương để tồn đọng, hủy bỏ vắc xin phòng COVID-19