Theo một nghiên cứu, các đại dương trên Trái đất đang thay đổi màu sắc và sự biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân.
Theo các nhà nghiên cứu, đại dương đang thực sự trở nên xanh hơn theo thời gian, với các khu vực ở vĩ độ thấp gần xích đạo bị ảnh hưởng đặc biệt.
BB Cael, nhà khoa học tại Trung tâm Hải dương học quốc gia, Đại học Southampton (Anh), tác giả của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, cho biết: "Lý do chúng tôi nghiên cứu điều này không phải vì chúng tôi quan tâm đến màu sắc mà bởi vì màu sắc phản ánh những thay đổi về trạng thái của hệ sinh thái".
Theo các chuyên gia, đại dương có thể có màu hơi xanh và lục do thực vật phù du. Những vi sinh vật này rất cần thiết cho chuỗi thức ăn của đại dương vì chúng nuôi sống tất cả sinh vật đại dương. Song thực vật phù du cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ của đại dương.
Thực vật phù du chính là nguồn gốc màu sắc của các đại dương vì nó là sự phản chiếu ánh sáng mà các sinh vật nhỏ tạo ra cho nước. Nói một cách đơn giản, màu sắc của nước cho phép biết được độ phân bố của thực vật phù du.
Nước càng nhiều vi sinh vật, nó càng có màu xanh lá cây. Trái lại, một đại dương dường như có màu xanh dương (đậm) có nghĩa là không có nhiều thực vật phù du cho lắm. Do đó, các nhà khoa học có thể dễ dàng biết số lượng thực vật phù du trong các đại dương, đồng thời nghiên cứu về tác động của chúng đối với thế giới xung quanh chúng.
Nhưng hiện nay thực vật phù du không tránh khỏi sự ảnh hưởng của việc nóng lên toàn cầu. Chúng cần ánh sáng và carbon dioxide để sống vì chúng phải tự nuôi mình bằng chất dinh dưỡng, và việc tìm kiếm nguồn dinh dưỡng sẽ phức tạp hơn khi bề mặt đại dương ấm lên.
Khi so sánh những thay đổi về màu sắc với những thay đổi được giả định từ một mô hình máy tính mô phỏng đại dương sẽ trông như thế nào nếu sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra chưa bao giờ xảy ra, sự thay đổi là rõ ràng.
"Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi về màu sắc đang diễn ra đáng kể ở hầu hết các đại dương ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới", Cael cho biết.
Những thay đổi đã được phát hiện trên 56% đại dương trên thế giới - một diện tích lớn hơn toàn bộ đất liền trên Trái đất.
Cael cho biết: "Đây không phải là những thay đổi phá hủy hệ sinh thái cực kỳ lớn nhưng điều này cho chúng ta thêm một bằng chứng rằng hoạt động của con người có khả năng ảnh hưởng đến phần lớn sinh quyển toàn cầu theo cách mà chúng ta không thể hiểu được".
Theo Michael J Behrenfeld, một nhà nghiên cứu tại Đại học bang Oregon (Mỹ), mặc dù phát hiện này chứng minh chắc chắn một hậu quả khác của biến đổi khí hậu, nhưng vẫn chưa rõ những thay đổi này mạnh đến mức nào và điều gì đang xảy ra bên trong đại dương để gây ra chúng.
Behrenfeld cho biết: "Rất có thể, các xu hướng được đo lường có liên quan đến nhiều yếu tố thay đổi song song. Ví dụ, sự thay đổi có khả năng ngày càng tăng của vi hạt nhựa trong đại dương, giống như bất kỳ hạt nào khác làm tăng sự tán xạ ánh sáng".