Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay vấn đề phòng dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương không thống nhất làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian.

Các địa phương bất đồng quy định lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương nói gì?

Tuyết Nhung | 30/07/2021, 21:03

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay vấn đề phòng dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hóa của nhiều địa phương không thống nhất làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương vừa lên tiếng cho biết lưu thông hàng hóa là "mạch máu" của hoạt động kinh tế. Khi không đảm bảo được quá trình này sẽ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của doanh nghiệp các ngành dệt may, da giày, điện tử... trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

doanh-nghiep_32714.jpg
Lưu thông hàng hóa là "mạch máu" của hoạt động kinh tế - Ảnh: BCT

Trong trường hợp gián đoạn này, các khách hàng quốc tế của Việt Nam sẽ tìm đối tác khác thay thế. Không những vậy, để quay lại chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là vô cùng khó khăn, là một quá trình lâu dài. Bên cạnh đó, các ngành chế biến nông sản, chế biến thực phẩm thiết yếu cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tính chất mùa vụ cũng như hạn sử dụng ngắn, kéo theo sự khó khăn nghiêm trọng của doanh nghiệp, nông dân ngành chăn nuôi...

"Sự gián đoạn chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ sản xuất, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp. Đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng hơn 11,3 triệu lao động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như hàng chục triệu lao động trong các ngành chế biến liên quan", lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Cũng theo cơ quan này, nguyên nhân của việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian vừa qua chủ yếu là do nhiều cấp chính quyền còn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của lực lượng lao động trong các ngành vận tải và logistics trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh.

Để vừa phòng dịch vừa sản xuất kinh doanh, Bộ Công Thương nhìn nhận: Những người lao động trong các ngành vận tải đóng vai trò hết sức quan trọng, tương tự với các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y bác sĩ. Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong việc cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch cũng như trong việc cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước. Từ đó đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hoạt động sản xuất.

Do chưa đánh giá được vai trò của những người lao động này nên nhiều địa phương chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng chống dịch, đặc biệt là việc ưu tiên tiêm vắc xin. Điều này dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp.

Theo đó, đối tượng cần tập trung ưu tiên tiến hành các biện pháp phòng dịch trong thời gian trước mắt là đội ngũ tài xế, phụ xe thực hiện vận tải liên tỉnh và lao động trong các ngành logistics phục vụ lưu thông hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu...

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, TP bổ sung đối tượng lao động trong ngành vận tải, logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu... là đối tượng ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo cơ quan y tế địa phương quán triệt và thực hiện nghiêm việc ưu tiên tiêm vắc xin cho các đối tượng này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các địa phương bất đồng quy định lưu thông hàng hóa, Bộ Công Thương nói gì?