Kế hoạch hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn từ chính phủ Hà Lan sẽ cản trở nỗ lực sản xuất các mạch tích hợp (IC) tiên tiến của Trung Quốc nhưng vẫn tạo cơ hội cho nước này tiếp tục sản xuất chip cũ, theo những người trong ngành.

Các hạn chế xuất khẩu thiết bị từ Hà Lan khiến Trung Quốc phải tập trung sản xuất chip cũ

Sơn Vân | 10/03/2023, 13:30

Kế hoạch hạn chế xuất khẩu công nghệ bán dẫn từ chính phủ Hà Lan sẽ cản trở nỗ lực sản xuất các mạch tích hợp (IC) tiên tiến của Trung Quốc nhưng vẫn tạo cơ hội cho nước này tiếp tục sản xuất chip cũ, theo những người trong ngành.

Động thái đó diễn ra sau thỏa thuận giữa Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan vào tháng 1 nhằm hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc, tạo ra một liên minh mạnh mẽ sẽ cắt đứt tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng năng lực chip nội địa.

Thông báo của Bộ trưởng Thương mại Hà Lan - Liesje Schreinemacher trong bức thư gửi đến Quốc hội nước này hôm 8.3 không nêu tên Trung Quốc hoặc nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip ASML. Thế nhưng, tuyên bố từ ASML (có trụ sở tại khu đô thị Veldhoven, Hà Lan) cho biết phạm vi của các hạn chế có thể bao gồm cả “TWINSCAN NXT:2000i và các hệ thống nhúng tiếp theo”, đề cập đến dòng máy in thạch bản tia cực tím sâu (DUV) nhúng ArF mới nhất của công ty được ra mắt vào quý 3/2022.

Theo trang SCMP, bất chấp biện pháp đó, việc sản xuất chip của Trung Quốc sử dụng các nút quy trình cũ không bị ảnh hưởng, theo một nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn ở thành phố Thượng Hải (từ chối nêu tên). Ông mô tả "điểm nghẽn chính của Trung Quốc" là thiết bị sản xuất chip và vật liệu cho các quy trình tiến tiến hơn.

Hệ thống DUV mới nhất của ASML có thể kích hoạt các quy trình sản xuất chip dưới 3 nanomet với hiệu suất lớp phủ được cải thiện đáng kể, cho phép năng suất lên tới 295 tấm wafer (đĩa bán dẫn) mỗi giờ, theo báo cáo thường niên từ công ty Hà Lan được công bố vào tháng 2.

Bà Liesje Schreinemacher báo cáo rằng các hạn chế thương mại của chính phủ Hà Lan với Trung Quốc sẽ được đưa ra trước mùa hè này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh đã nêu vấn đề hạn chế thương mại mới từ Hà Lan, chỉ ra sự can thiệp của chính phủ quốc gia châu Âu với trao đổi thương mại bình thường giữa các công ty hai nước.

Theo lãnh đạo một nhà sản xuất thiết bị chip lớn có trụ sở tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), hạn chế mới nhất của Hà Lan dự kiến sẽ không ngăn Trung Quốc mua công nghệ sản xuất chất bán dẫn cũ từ ASML và các nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip lớn khác. Ông này nói rằng sẽ là quá cực đoan nếu cấm Trung Quốc mua thiết bị cho quy trình sản xuất chip hàng chục năm tuổi.

Do các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ, Trung Quốc là nước có ngành sản xuất chất bán dẫn lớn duy nhất trên thế giới chủ yếu tập trung vào các nút quy trình cũ. Để so sánh, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang chuyển sang các nút quy trình tiên tiến dưới 10 nanomet.

Suy đoán về các hạn chế thương mại mới từ hiệp định Mỹ - Nhật Bản - Hà Lan phản ánh sự không chắc chắn ngày càng tăng với tham vọng bán dẫn của Trung Quốc, sau khi chính quyền Biden triển khai các bản cập nhật vào tháng 10.2022 nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc mua chip tiên tiến, phát triển và bảo trì siêu máy tính, cũng như sản xuất bán dẫn tiên tiến.

Những biện pháp đó từ Mỹ nhằm hạn chế khả năng sản xuất chip logic tiên tiến của Trung Quốc ở quy trình 14 nanomet, chip DRAM ở quy trình 18 nanomet và chip 3D NAND ở quy trình 128 lớp.

Các công ty bán dẫn Trung Quốc đã tranh nhau dự trữ thiết bị sản xuất chip, linh kiện thay thế và các vật liệu liên quan khác, còn các nhà cung cấp ở nước ngoài tiếp tục nhận các đơn đặt hàng khi chờ đợi thông tin rõ ràng hơn về phạm vi hạn chế thương mại từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Trường hợp xấu nhất tiềm ẩn với Trung Quốc có thể xảy ra là chính phủ Hà Lan cấm xuất khẩu máy in thạch bản DUV kém tiên tiến hơn. Tất cả thiết bị in khắc bằng tia cực tím đều sử dụng công nghệ laser để khắc một mạch được thiết kế sẵn lên tấm wafer.

ASML, nhà cung cấp hệ thống in thạch bản hàng đầu thế giới cho các nhà sản xuất chip, đã bị cấm bán các máy in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc kể từ năm 2019.

Tại Trung Quốc, chỉ SMIC (hãng sản xuất chip hàng đầu nước này, có trụ sở tại Thượng Hải) mới có kế hoạch thâm nhập vào các quy trình tiên tiến dưới 10 nanomet. Tuy nhiên, quá trình phát triển các quy trình tiên tiến để sản xuất hàng loạt của SMIC đã gặp trở ngại khi bị cấm mua EUV từ ASML vào năm 2019 và sau đó bị thêm vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) của Mỹ từ tháng 12.2020.

Điều đó đã vô tình biến ASML trở thành quân cờ quan trọng để Mỹ ngăn chặn tham vọng chip tiên tiến của Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của ASML vào năm 2022.

Doanh số máy in thạch bản tia cực tím sâu nhúng ArF chiếm 34% tổng doanh thu hệ thống của ASML là 15,4 tỉ euro (16,23 tỉ USD) vào năm 2022, so với con số 36% trong năm 2021.

Theo kết quả tài chính của quý 4/2022, doanh số EUV của ASML chiếm 46% tổng doanh số hệ thống trong cả năm 2021 và 2022.

cac-han-che-xuat-khau-tu-ha-lan-khien-trung-quoc-phai-tap-trung-san-xuat-chip-cu.jpg
ASML đã bị cấm bán các máy in thạch bản cực tím tiên tiến nhất của mình cho Trung Quốc kể từ năm 2019 - Ảnh: Shutterstock

Nhập khẩu chip của Trung Quốc đã giảm 26,5% trong hai tháng đầu năm 2023 tính theo số lượng, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan nước này được công bố hôm 7.3.

Trung Quốc đã nhập khẩu 67,6 tỉ IC trong tháng 1 và tháng 2.2023, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số đó lớn hơn mức giảm 15,3% được ghi nhận cho cả năm 2022. Đây là mức giảm nhập khẩu IC hàng năm đầu tiên của Trung Quốc trong hai thập kỷ.

Tổng giá trị IC nhập khẩu hai tháng đầu năm 2023 cũng giảm 30,5% xuống còn 47,8 tỉ USD, giảm so với mức 68,8 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái.

Giá chip giảm trong năm 2023 do dư cung và nền kinh tế toàn cầu chậm lại. Đây là sự đảo ngược so với 2022 khi giá vẫn tăng khi thị trường phục hồi sau tình trạng thiếu chip năm 2021.

Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với ít lựa chọn nhập khẩu hơn do Mỹ đã tăng cường hạn chế xuất khẩu với chip tiên tiến, đặc biệt là những chip có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như bộ xử lý đồ họa (GPU) A100 của Nvidia. Trung Quốc đã tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước bằng cách sử dụng các nút quy trình cũ.

Hai tháng đầu năm 2022, tổng lượng chip nhập khẩu của Trung Quốc chỉ giảm 4,6% so với cùng kỳ 2021 xuống 92 tỉ, trong khi tổng giá trị IC nhập khẩu tăng 19,2%. Hải quan Trung Quốc thường kết hợp dữ liệu thương mại của tháng 1 và tháng 2, khi dòng chảy thương mại thường chậm lại do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Xuất khẩu IC của Trung Quốc trong tháng 1 và 2.2023 đã giảm 20,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 37,3 tỉ chiếc, so với mức tăng 0,5% trong một năm trước. Tổng giá trị IC xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 và 2.2023 giảm 25,8%.

Những số liệu mới nhất phản ánh áp lực ngày càng gia tăng lên ngành công nghệ bán dẫn của Trung Quốc khi Mỹ cố gắng hạn chế khả năng truy cập và sản xuất chip cùng thiết bị sản xuất chip tiên tiến của đối thủ địa chính trị.

Bài liên quan
Nhiều công ty ngỡ ngàng vì điều kiện kỳ lạ của chính quyền Biden để trao khoản trợ cấp chip 39 tỉ USD
Một số điều khoản kỳ lạ của chính quyền Biden khiến khoản tài trợ chip này trở nên kém hấp dẫn hơn với nhiều công ty, đặc biệt là hãng nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Làm việc với Công an Phú Thọ, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển đổi số từ cơ sở
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Công an tỉnh Phú Thọ cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn nữa trong triển khai Đề án 06, theo hướng tổng thể, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hạn chế xuất khẩu thiết bị từ Hà Lan khiến Trung Quốc phải tập trung sản xuất chip cũ